Về phương hướng thực hiện Kế hoạch
tổng thể APSC trong thời gian tới, các Bộ trưởng nhấn mạnh cần triển
khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình và biện pháp hợp tác, tập trung
thực hiện 14 lĩnh vực ưu tiên đã xác định, đồng thời cân nhắc, bổ sung
những lĩnh vực mới khi cần thiết, giúp ASEAN đối phó tốt hơn với các
thách thức đang nổi lên. Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy và
phát huy vai trò các công cụ bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực ASEAN như
Hiệp ước TAC, SEANWFZ, Tuyên bố DOC, Diễn đàn ARF... Đồng thời, ASEAN
cần triển khai xây dựng các chương trình và biện pháp cụ thể thực hiện
Kế hoạch hành động nhằm triển khai Tuyên bố tầm nhìn ARF, thúc đẩy triển
khai hiệu quả Tuyên bố DOC, nỗ lực hoàn tất các thủ tục cần thiết cho
việc kí Nghị định thư thứ 3 của TAC, tạo điều kiện để EU/EC tham gia
hiệp ước này; đồng thời tăng cường hợp tác trong cứu trợ nhân đạo đối
với người và thuyền gặp nạn trên biển.
 |
Tình đoàn kết của các
nước ASEAN. |
Tại Hội nghị Ủy ban về
Hiệp ước Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), các Bộ trưởng nhất
trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước
SEANWFZ, trong đó có việc tích cực tham vấn, thúc đẩy sự ủng hộ của các
quốc gia có vũ khí hạt nhân đối với hiệp ước này. Hội nghị đã bầu
In-đô-nê-xi-a làm chủ tịch Ủy ban SEANWFZ từ tháng 1-2011.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại
giao ASEAN lần thứ 43 (AMM 43) sáng 20-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
muốn ASEAN tăng cường hành động và biện pháp cụ thể để hiện thực hóa các
mục tiêu đặt ra. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các Bộ
trưởng Ngoại giao ASEAN tập trung thảo luận 5 vấn đề cụ thể: Hiện thực
hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, duy trì hòa bình và an ninh khu
vực, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN, Hiệp hội với vai trò là
thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và việc tăng cường đoàn
kết và thống nhất, phát huy những giá trị truyền thống, tôn trọng các
nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội và phương thức ASEAN.
ASEAN cần phát huy vai trò là nhân tố
quan trọng hàng đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong khu vực; tiếp
tục phát huy tác dụng và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các công cụ và cơ
chế hiện có để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực như Hiệp ước Thân
thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có
vũ khí hạt nhân, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển
Đông và Diễn đàn khu vực ASEAN...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, ASEAN
cần tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để các đối tác tham gia sâu rộng
hơn, đóng góp xây dựng hơn vào việc xử lí các vấn đề liên quan đến hòa
bình và an ninh khu vực. "Chúng ta cần đặc biệt coi trọng tiến hành các
biện pháp nhằm nâng cao hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, xây dựng các
chuẩn mực và quy tắc hành xử chung trong quan hệ giữa các nước". Thủ
tướng ghi nhận, quyết định tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN
mở rộng với 8 đối tác là bước phát triển mới có ý nghĩa quan trọng. Với
Hội nghị đầu tiên dự kiến được tổ chức vào tháng 10 tới tại Việt Nam, sẽ
tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề quốc phòng - an ninh giữa
ASEAN và các đối tác, qua đó hỗ trợ tích cực cho nỗ lực xây dựng Cộng
đồng chính trị - an ninh ASEAN và hòa bình, ổn định ở khu vực. Thủ tướng
cũng cam kết, Việt Nam sẽ tiếp tục góp phần xây dựng một ASEAN liên kết
chặt chẽ, vững mạnh và là hạt nhân trong cấu trúc mới đang định hình ở
khu vực.
Có mặt tại Hà Nội để tham dự Hội nghị
Ngoại trưởng ASEAN (AMM 43), Tổng Thư kí ASEAN Su-rin Pít-su-van hôm
19-7 đã nhận định về vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam rằng, Việt Nam
có trách nhiệm cao trong việc thực hiện các mục tiêu của cộng đồng
ASEAN. Với sự tích cực của mình, Việt Nam sẽ góp phần đưa ASEAN lên một
kỉ nguyên mới, kỉ nguyên của sự bền vững, hợp tác và đa dạng. Tổng Thư
ký dẫn chứng rằng, vừa qua, tại Hội nghị G-20 ở Toronto, Canada, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm rất tốt công việc quảng bá ASEAN ra thế
giới, cho thế giới biết ASEAN là ai và những thành quả ASEAN đã đạt
được. "Chúng tôi chào đón sự lãnh đạo của Việt Nam trong ASEAN" - ông
Pít-su-van nói.