Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 23/07/2010 08:42
Bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
*Mưa trên diện rộng ở nhiều địa phương Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 22-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,0 độ vĩ bắc; 109,3 độ kinh đông, trên đất liền phía đông nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 150 km về phía đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11. Dự báo bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển phía bắc Vịnh Bắc Bộ và khu đông bắc Bắc Bộ, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Ðến 10 giờ ngày 23-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,7 độ vĩ bắc; 107,8 độ kinh đông, trên đất liền phía đông nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái khoảng 120 km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Trong khoảng 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi dọc theo vùng biên giới Việt - Trung và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Ðến 22 giờ ngày 23-7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,3 độ vĩ bắc; 106,3 độ kinh đông, trên vùng biên giới Việt - Trung. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, riêng vùng núi phía bắc và khu đông bắc có mưa to đến rất to. Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 2, đợt mưa này có khả năng kéo dài hai, ba ngày tới. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong hai ngày 21, 22-7, các tỉnh thuộc vùng núi Bắc Bộ đã có một đợt mưa vừa trên diện rộng, một số nơi mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến 13 giờ ngày 22-7 phổ biến  từ 50 đến 100 mm, một số điểm lớn hơn như Mường Lay (Ðiện Biên) 104 mm, Phố Giàng (Lào Cai) 105 mm, Bảo Yên (Yên Bái) 121 mm, Nguyên Bình (Cao Bằng) 101 mm, đặc biệt tại huyện Bắc Quang (Hà Giang) có lượng mưa 249 mm. Mưa đã gây ra một đợt lũ nhỏ trên sông Ðà, sông Thao và sông Lô. Lưu lượng nước chảy vào hồ Sơn La đang từ 2.000 m3/giây tăng lên 4.800 m3/giây vào sáng 22-7 và hơn 5.000 m3/giây vào chiều 22-7. Lũ trên sông Ðà cũng tăng lên khoảng 4.100 m3/giây vào sáng nay (23-7). Tại hồ thủy điện Tuyên Quang, lưu lượng đến hồ là 660 m3/giây vào sáng 21-7, đến sáng 22-7, lưu lượng vào hồ đã tăng lên 2.250 m3/giây. Ðợt mưa này đã cải thiện đáng kể mức nước ở các hồ chứa thủy điện và một số hồ chứa thủy lợi ở các tỉnh miền núi Bắc Bộ, giảm tình trạng khó khăn về nước sinh hoạt ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng.

 Tại Lào Cai, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với cơn bão số 2 đã có mưa lớn, gây lũ trên toàn bộ hệ thống sông ngòi. Hồi 15 giờ ngày 22-7, mực nước sông Hồng tại TP Lào Cai lên 77,9 m; TP Lào Cai và huyện Sa Pa đã xảy ra sạt lở đất nhẹ ven suối Ngòi Ðum và đường giao thông liên thôn. Dự báo, đợt mưa này kéo dài khoảng ba, bốn ngày nữa. Lượng mưa phổ biến các khu vực từ 150 đến 200 mm, có nơi mưa hơn 250mm, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất rất cao, cần chủ động phòng, tránh. Sáng 22-7, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa đều khắp, mưa đã cơ bản khắc phục được tình trạng khô hạn trong sản xuất nông nghiệp diễn ra trong thời gian vừa qua. Ðề phòng mưa lũ gây chia cắt, tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động triển khai việc di dời dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức trực ban 24/24 giờ và duy trì lực lượng tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu. Tại tỉnh Hà Giang, mưa lớn kéo theo gió lốc kéo dài đã làm sập, tốc mái 22 nhà; sạt lở hàng trăm m3 đất núi, gây tắc gần 1 km quốc lộ 279 nối vào trung tâm thị trấn Quang Bình. UBND huyện Quang Bình đã bố trí cho các hộ dân bị sập nhà và tốc mái đến chỗ ở mới cao ráo và an toàn. Ðồng thời hỗ trợ mỗi gia đình có nhà sập hoàn toàn ba triệu đồng; nhà tốc mái một triệu đồng. Tại huyện Bắc Quang nước lũ đã cuốn trôi một học sinh lội qua suối để đến trường. Tỉnh đã cử đoàn công tác phối hợp địa phương khẩn trương tìm kiếm thi thể nạn nhân, đồng thời triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Chủ động đối phó hoàn lưu bão số 2

Ðể đối phó hoàn lưu bão số 2, tỉnh Bắc Cạn đã chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương vận động, thậm chí cưỡng chế di dời 255 hộ dân đang sống ở những điểm có nguy cơ sạt lở khi mưa từ 70 mm trở lên, chuẩn bị đủ lều bạt dã chiến để nhân dân có chỗ ở khi phải di chuyển; dừng thi công và di chuyển toàn bộ lao động, máy móc thiết bị tại các công trình xây dựng kè, thủy lợi ven sông suối để đề phòng lũ quét. Lực lượng vũ trang trên địa bàn trực đủ quân số để kịp thời giúp dân khắc phục hậu quả xảy ra. Tỉnh cũng chỉ đạo huyện Ngân Sơn và thị trấn Nà Phặc khắc phục những thiệt hại về mạ, cấy lại diện tích bị vùi lấp của nhân dân thôn Lũng Lịa do trận mưa lớn cục bộ rạng sáng ngày 20-7 gây ra.

Tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ban, ngành chuẩn bị, thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ, đối phó hoàn lưu bão số 2. Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã có đoàn công tác đến điểm xung yếu kiểm tra  hồ đập, có phương án di dời dân khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và vùng thường xuyên bị ngập lụt. Ban chỉ huy PCLB huyện Văn Lãng đã cấp 240 phao cứu sinh, chuẩn bị hơn 100 bè, mảng, sẵn sàng sơ tán 1.400 người dân sống dọc sông Kỳ Cùng đến nơi an toàn.




(Theo Nhandan.org.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)