Dù bạn có yêu mến hay thù ghét thì sự nổi tiếng vẫn là một nét đặc trưng của
cuộc sống hiện đại. Fred Inglis muốn đặt vấn đề này trong lịch sử xã hội mang
tính giải trí và ngập tràn thông tin của sự nổi tiếng thời hiện đại, từ London
thế kỷ 18 đến Hollywood ngày nay. Thông qua những câu chuyện hấp dẫn về những
nhân vật đánh dấu thời khắc quan trọng trong lịch sử của sự nổi tiếng, cuốn sách
giải thích những thay đổi của "danh tiếng" trong suốt hai thế kỷ rưỡi qua.
Fred Inglis bắt đầu câu chuyện vào thế kỷ thứ 18, khi từ "sự nổi tiếng"
(celebrity), có nguồn gốc từ tiếng Pháp, bắt đầu thịnh hành. Chầm chậm thay thế
những khái niệm cũ như "danh tiếng" (fame) và "nổi tiếng" (renown), "sự nổi
tiếng" (celebrity) tồn tại trong thời gian ngắn hơn những khái niệm đầy thiêng
liêng trước đó và cũng kém vững vàng hơn trong trật tự xã hội truyền thống của
quý tộc, toà án và vua chúa. Môi trường tự nhiên của "sự nổi tiếng" là thành
phố, tập trung chủ yếu ở London, nơi sự giàu sang tạo ra nhiều triển vọng mới
khiến xã hội vận động không ngừng và những không gian mới để tái tạo và thư
giãn.
Trong xã hội như
thế, người biểu diễn và những người tạo ra hình ảnh trong tranh, trên trang báo
đều thích sự xuất chúng chưa từng có tiền lệ. Nam diễn viên, kịch tác gia nổi
tiếng người Anh, David Garrick và nữ diễn viên nổi tiếng người Anh thế kỷ 18,
Sarah Siddons nổi bật lên như những ngôi sao lấp ánh trên sàn diễn, làm sững sờ
những người yêu nghệ thuật- những người chiêm ngưỡng nghệ thuật đầy đam mê và
lặng yên tôn thờ, bày tỏ sự thán phục khi ngồi trong bóng tối.
Ánh sáng cũng chiếu rọi vào những người khác như hoạ sĩ vẽ chân dung Joshua
Reynolds với những cuộc phiêu lưu ái tình và "sự thẳng tiến" lên xã hội thượng
lưu hay nhà thơ lãng mạn người Anh, một trong những nhà thơ lớn của thế kỷ 19,
Lord Byron với những vần thơ trữ tình sâu sắc và đời tư thu hút báo giới tại
thời điểm mà những chuyện tầm phào trở thành "món ăn" của báo chí.
Giáo sư Inglis đưa ra những phác thảo về những cuộc đời như thế để làm sáng
tỏ quan điểm "sự nổi tiếng xuất hiện như một phần của thời thế và xác lập địa
vị". Thứ mà những nghệ sĩ bậc thầy giai đoạn cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 đạt
được, theo Giáo sư Inglis viết trong cuốn sách, "chính là sự hùng mạnh". Sự nổi
tiếng là ánh sáng làm loá mắt những người vĩ đại và vì thế những ai tham vọng
đạt được sự nổi tiếng luôn "lén" leo lên nấc thang quyền lực và tiền tài với hy
vọng mượn chút huy hoàng của nó.
Các nghệ sĩ cũng đã mượn kiểu quyến rũ khác, dần dần "thay thế" những người
có đẳng cấp hơn trong xã hội như những điển hình về cách diễn, cách nhìn, và
cách cảm. Những người nổi tiếng-nghệ sĩ của thế kỷ 19 dẫn dắt cảm xúc, giảng dạy
về "hình thái của những đam mê".
Chẳng hạn như nữ diễn viên-nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng người Pháp Sarah
Bernhardt, sinh ở Paris, năm 1844, trong gia đình bố là người Đức, mẹ người Hà
Lan. Cuối thế kỷ 19, bà đã nổi tiếng khắp châu Âu và danh tiếng của bà cũng được
biết tới ở Mỹ, nơi bà thực hiện ít nhất 9 tour lưu diễn. Trong chuyến lưu diễn
cuối cùng ở độ tuổi 71, bà đã biểu diễn ở 99 thành phố tất cả. Theo quan sát của
Inglis, Bernhardt tô điểm cho mình "hàng tá dòng cảm xúc chảy khắp châu Âu" và
biểu đạt chúng thật hoàn hảo cả dưới và trên sàn diễn. Tính ngay thật, niềm đam
mê sẵn có và trung thực với bản thân chính là tính cách quen thuộc của bà. Thật
tuyệt là Bernhardt duy trì được khả năng sáng tạo.
Đó là một trong những vai trò của những người nổi tiếng, từ những tên trùm
cướp bóc đến những ngôi sao nhạc rock, tạo nên nhận thức bằng khoảng cách khiến
họ ngay lập tức vừa cực thân quen mà cũng thật xa lạ. Đó là một thuật giả kim có
khả năng tạo ra một cái gì đó thiêng liêng khiến ai đó cũng phải ghen tỵ, tức
giận và thèm muốn. Vì vậy, những tiếng nói gièm pha nhằm vào người mà chúng ta
tôn thờ, tồn tại ngay từ khi sự nổi tiếng bắt đầu.
Giáo sư Inglis đi theo tính liên tục này trong một khoảng thời gian ấn tượng,
dành nhiều chương cho vẻ đẹp huyền ảo của người Paris, thời trang cao cấp và lối
sống của người giàu và nổi tiếng trong thời đại vàng của Mỹ. Trước khi đề cập
đến sự xuất hiện quan trọng của radio, TV và phim ảnh, ông đưa người đọc vào một
cuộc thảo luận xem liệu mục chuyện phiếm trên báo có lượng phát hành lớn đã
"đánh đu" với phép biện chứng giữa sự hấp dẫn và sự ghê tởm, sự nhận thức và
khoảng cách trong cuộc sống của những người mới giàu của thời đại vàng như thế
nào, liệu đó là những Vanderbilt, Rockefeller, Astor, Morgan, Hearst hay
Frick.
Mặc dù luôn có khiếu hài hước, Giáo sư Inglis vẫn nhận thức được "mặt tối"
trong chủ đề này. Ông ghi chú trong một phân tích liệu Hitler và Mussolini đã
tận dụng công cụ của sự nổi tiếng thế nào để trở nên nổi tiếng nhất.
Nhưng cuốn sách này không mang tính đả kích. Giáo sư Inglis đánh giá cao niềm
hạnh phúc tuyệt đối và sự kích thích mang âm hưởng lan truyền mà những người nổi
tiếng mang lại. Những bức chân dung đầy quyến rũ của diễn viên người Mỹ gốc Anh
Cary Grant, cô đào Marilyn Monroe, cầu thủ bóng đá Anh Stanley Matthews và ca sĩ
Freddie Mercury giữa những nhân vật khác đều chỉ ra rõ rằng Inglis khá nhạy cảm
với sự quyến rũ của các ngôi sao. Liệu những bài hát của nhóm nhạc đầy cuồng
nhiệt một thời Beatles mang lại được bao nhiêu giờ vui vẻ? Và ai không hồi hộp
khi một ngôi sao thể thao trong nước bỗng trở thành chuyên nghiệp hay đại diện
cho quốc gia mình ở nước ngoài?
Trong phần kết, Inglis lập luận rằng "bích họa của những người nổi tiếng nói
cho chúng ta biết những câu chuyện khác nhau về chính chúng ta, ai đó bực bội,
ai đó vui vẻ, ai đó xinh đẹp và ai đó xấu xí".