Hướng tới Đại hội VIII - Hội Nhà văn Việt Nam: Gắn bó máu thịt với nhân dân để sáng tạo
Trở
về với lịch sử lâu dài của dân tộc, với hai cuộc kháng chiến vĩ đại và
đi vào công cuộc Đổi mới là ba lĩnh vực được thể hiện tập trung nhất của
văn học ta hiện nay. Càng tiến sâu vào tiến trình hội nhập, ý thức,
tình cảm, mối quan tâm của nhà văn về truyền thống dân tộc ngày càng sâu
sắc. Hoặc là khai thác các dữ liệu lịch sử để xây dựng những tác phẩm
có quy mô lớn, hoặc là dựa trên hệ giá trị dân tộc để đấu tranh chống
lại cuộc xâm lăng văn hóa từ bên ngoài, phê phán xu hướng giải thiêng
dân tộc, hạ bệ thần tượng, và hoặc là tập trung nghiên cứu, bổ sung,
khôi phục những giá trị còn khuất lấp... tất cả, tạo nên một khuynh
hướng phục hưng dân tộc mạnh mẽ cả trong sáng tác và lý luận, phê bình.
Xu hướng hiện đại hóa văn học diễn ra mạnh mẽ thể hiện qua những cố gắng
tiếp cận những tư tưởng tiên tiến của thời đại, những vấn đề chung có
tầm nhân loại; không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà văn, cách
tân hình thức, đổi mới nhịp điệu, bút pháp, ngôn ngữ, khắc phục bệnh
trì trệ, mòn cũ, quan tâm hơn đến dấu ấn cá nhân, nắm bắt cho được những
vấn đề cốt lõi của đời sống đang đặt ra, rút ngắn khoảng cách giữa tác
phẩm và người đọc. Nền văn học đã xuất hiện ngày càng nhiều tác giả trẻ.
Tác phẩm của họ thể hiện rất rõ hơi thở, giọng điệu của đời sống ngày
hôm nay. Họ có ý thức nói lên mối quan tâm của một thế hệ trước một hiện
thực bộn bề đang khai mở; năng nổ đi tìm cách biểu cảm mới và rất mừng
là từ trong đội ngũ đông đảo đã xuất hiện những cây bút thực sự có tài
năng, nhiều triển vọng.
 |
Nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh: internet |
Trước
những thay đổi chưa từng có của đất nước, văn học tiếp tục trình diện
bức tranh rộng lớn về đời sống và con người. Trong lúc đời sống còn
nhiều khó khăn và trước những ve vuốt, cám dỗ của thị trường, việc kiên
định khát vọng xã hội và thẩm mỹ có thể coi là cuộc bám trụ kiên cường
của bản lĩnh nhà văn. Tiếp cận hiện thực mới diễn ra đồng thời với việc
tiếp cận tư tưởng, tâm hồn tâm lý của lớp công chúng mới. Đó là những cố
gắng rất đáng trân trọng trong lao động sáng tạo của nhà văn. Qua đó
không gian sáng tạo được mở rộng. Tầm nhìn được nâng lên. Khả năng phân
tích, lý giải nhiều vấn đề xã hội và lịch sử từng trải hơn trước đây.
Các
tác phẩm văn học có mối quan tâm chung, đó là thân phận con người dưới
biết bao tác động của lịch sử và văn hóa. Xa hoặc gần, các nhà thơ, nhà
văn luôn đau đáu về sự hoàn thiện con người trước áp lực những mặt trái
của xã hội đang làm rạn nứt mối liên kết cộng đồng và sự phai nhạt nền
tảng văn hóa. Sự phê phán sắc sảo mọi cái xấu, cái ác, những mặt tha hóa
làm nổi bật tinh thần xây dựng, thái độ trong cuộc sống, đồng cảm, chia
sẻ trước nỗi đau tinh thần và những bất hạnh trong cuộc sống. Lương tâm
nhà văn luôn tỉnh thức.
Thơ
ca là tâm hồn của dân tộc. Một thể loại cổ nhất nhưng luôn đi tiên phong
về đổi mới cách cảm, cách nghĩ và về những vận động nội tại nhằm mở
rộng sự cộng hưởng và khả năng khái quát cuộc sống vốn là phẩm chất ưu
việt của thể loại này. Tình hình phát triển thơ trong những năm qua giải
đáp câu hỏi thơ có thể đi vào đời sống như thế nào. Để làm việc đó, có
nhiều hướng tìm tòi, hoặc là sự bứt phá về mặt hình thức, thơ không vần,
thơ văn xuôi đồng thời phát triển với thơ thiền, thơ lục bát, thơ luật
Đường hoặc là trở lại một cách ấn tượng với thể loại trường ca- một thể
loại đang có sự vận động mới mẻ, một bước tiến mới trong cách thức thể
hiện và nội dung phản ánh... tất cả tạo nên hình ảnh một nền thơ đang
vận động. Sau vụ gặt trường ca chống Mỹ, những năm gần đây lại nở rộ một
loạt trường ca mới của các tác giả trẻ hơn với sự mở rộng về dung lượng
sử thi và trữ tình. Thái độ của chúng ta là trân trọng tất cả, miễn là
hay. Quy luật sáng tạo là hướng tới những giá trị chưa từng có, mọi tìm
tòi, không dễ tới đích ngay từ đầu. Ngay cả những thiên tài cũng cần rất
nhiều bản nháp, trên một tinh thần dân chủ tự do cả trong sáng tác và
thưởng thức nghệ thuật.
Về
truyện ngắn vốn là thể loại có nhiều thành tựu nhất, hiện nay vẫn tiếp
tục phát triển. Các cuộc thi truyện ngắn được tổ chức liên tục rộng khắp
trong cả nước tạo ra môi trường xuất hiện nhiều truyện ngắn hay. Cái
hay của truyện ngắn là sự kết hợp những giá trị cao cả với vẻ đẹp bình
dị, thường ngày, thân gần với cuộc sống và con người. Cái mới của nó là
sự kết hợp giữa tính tự truyện và thẩm mỹ thường ngày, là khả năng tiếp
cận thế giới phức hợp, sâu thẳm và trần thế của con người, tăng thêm mối
giao cảm với người đọc. Về dung lượng, nó có thể co lại với một trang
chữ ít nhất được gọi là truyện ngắn mini, hoặc mở rộng hết kích cỡ,
không phải là một lát cắt mà là cả một đời người với một không gian và
một lịch trình rộng thoáng hơn trước. Bút pháp cũng rất linh hoạt, mới
mẻ. Đây là thể loại tạo nên niềm tự hào của văn học ta.
Tiểu
thuyết là thể loại trọng yếu của văn học. Đó là cả một thế giới: Tiểu
thuyết sử thi, tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết hài hước, tiểu thuyết
tâm lý, tiểu thuyết dã sử, tiểu thuyết thế sự, tiểu thuyết viễn tưởng...
cùng xuất hiện nói lên một cách sống động về sự phát triển của thể loại
này. Xuất hiện những bộ tiểu thuyết nhiều tập với dày công sáng
tạo hàng mấy chục năm của tác giả...
Trong
lĩnh vực lý luận phê bình. Đây là lĩnh vực của trí tuệ, được xem là ý
thức của văn học. Khắc phục tâm lý coi lý luận phê bình đối lập với sáng
tác, không khí sinh hoạt và mối quan hệ giữa lý luận, phê bình và sáng
tác trở nên gần gũi và thân mật hơn. Đó là sự đối thoại dân chủ, thẳng
thắn, cùng thảo luận, cùng lắng nghe nhau, trả lại sự công bằng, khách
quan cho sự nhìn nhận đánh giá các sự kiện, các giá trị trong quá khứ,
đồng thời giải tỏa một số ẩn ức do thiếu thông tin. Cái chưa được là
tính lý luận, trình độ lý luận chưa cao. Tuy vậy, đây là một lĩnh vực
không đơn giản. Nó vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, vừa là trí tuệ vừa
là tình cảm, càng ngày càng thấy cần phải có một đội ngũ chuyên gia
hàng đầu, có tiếng nói thẩm quyền về các vấn đề nghề nghiệp…
Tuy
vậy, cùng với những thành công của sự phát triển văn học nhiều năm qua,
rút ra kinh nghiệm là phải kiên trì và tìm mọi cách để nhà văn gắn bó
mật thiết với đời sống. Đó là kỷ luật làm việc và nếp sống hằng ngày của
nhà văn, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất
lượng sáng tác, sức sống của văn học. Mặt khác, cần nắm vững yêu cầu
chuyên nghiệp hóa, không ngừng đổi mới tư duy nghệ thuật, làm mới nền
văn học trên cơ sở làm mới từng nhà văn. Kết hợp nhuần nhuyễn ba yếu tố
chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong tất cả các hoạt động của nhà văn,
làm cho nó thấm đẫm trong cách cảm, cách nghĩ trong nếp sống hằng ngày
của mỗi người cầm bút. Mở rộng dân chủ trong học thuật đồng thời kiên
định giữ vững nguyên tắc xây dựng Hội vững mạnh về tổ chức, tập hợp,
phát huy mọi tiềm năng sáng tạo.
Và
cuối cùng là xử lý nhuần nhuyễn, thận trọng, kịp thời những vấn đề hy
sinh trong đời sống văn học, giúp nhà văn tự điều chỉnh, phát triển tài
năng…
Nhà thơ HỮU THỈNH, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
(Theo Qdnd.vn)