Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 02/08/2010 08:48
Hoàng thành Thăng Long những bước thăng trầm
Mùa thu năm Canh Tuất (1010), vua Lý Công Uẩn sau khi lên ngôi đã dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long.

 

Nền móng kiến trúc phát lộ tại Hoàng thành

Kể từ đó, Thăng Long trở thành Kinh đô được xây dựng và phát triển qua nhiều thế kỷ, với các triều đại Lý-Trần-Lê. Năm 1805, vua Gia Long phá bỏ Hoàng thành cũ để xây dựng thành Hà Nội với quy mô nhỏ hơn thành Thăng Long cũ, vì lúc bấy giờ Thăng Long chỉ còn là Trấn Bắc thành, không còn mang tính chất kinh đô. Năm 1897, người Pháp phá bỏ thành Hà Nội để xây dựng thành phố mới. Do đó, hào thành, móng tường và toàn bộ dấu tích còn lại bị vùi sâu dưới đất cho đến khi có cuộc khai quật vào năm 2002.

Từ tháng 12-2002 khu di tích Hoàng thành được phát hiện và các nhà khảo cổ đã tiến hành một cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và cũng vào loại lớn nhất Đông Nam Á với diện tích hơn 18.000m2. Việc phát lộ di tích Hoàng Thành đã gây chấn động lớn trong dư luận xã hội và nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều báo chí coi phát hiện khảo cổ này là một trong những sự kiện văn hóa trọng đại của Việt Nam.

Các di tích kiến trúc và một khối lượng rất lớn di vật cho thấy một phần quy mô và diện mạo của Hoàng Thành cùng đời sống cung đình của vua quan, quý tộc qua các thời kỳ lịch sử. Tầng tầng lớp lớp di tích - di vật hiện lên như một bộ sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, phản chiếu trình độ và bản sắc dân tộc của một trung tâm văn hóa lớn nhất và lâu đời nhất đất nước. Quần thể di tích gồm nhiều loại hình kiến trúc dưới lòng đất, chứng minh sự hiện hữu lịch sử lâu dài của kinh đô Thăng Long qua gần 1.300 năm, trải từ thời tiền Thăng Long (thế kỷ thứ VII-IX), qua thời Đinh- tiền Lê (thế kỷ X), đến thời kỳ Thăng Long-Hà Nội, với các vương triều Lý-Trần-Lê-Nguyễn (từ năm 1010 đến đầu thế kỷ XX).

Đây là một di sản văn hóa vô giá của dân tộc nằm giữa Thủ đô Hà Nội. Một di sản văn hoá như vậy sẽ tăng thêm vị thế của thủ đô Hà Nội.

Từ năm 2006, được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Trung ương, Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, sự quyết tâm cao và cố gắng nỗ lực, hiệu quả của thành phố Hà Nội, đặc biệt là sự tham gia rất nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được bảo vệ, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới. Hồ sơ được đăng ký từ tháng 9-2008 và chính thức đệ trình UNESCO, từ tháng 1-2009, được UNESCO tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ thông qua cơ quan tư vấn ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ)

Từ 1-3 đến tháng 5-2010, ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ) tiến hành thẩm định hồ sơ và khảo sát thực địa. Kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra tại Brasilia, Thủ đô của Brazil từ 25-7 đến 3-8-2010 đã họp chính thức để đánh giá hồ sơ. Và tin vui đã đến khi Ủy ban di sản thế giới thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới vào 6h30 ngày

1-8-2010 (giờ Việt Nam). Đây là món quà vô giá, sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam và Thủ đô Hà Nội trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội..

Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất. Trước Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Việt Nam đã có 5 di sản thế giới. Trong đó có 3 di sản văn hóa: Quần thể di tích cố đô Huế - 1993, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn - đều năm 1999 và 2 di sản thiên nhiên: Vịnh Hạ Long - 1994, được công nhận mở rộng vào năm 2000 và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - 2003. Tại kỳ họp thứ 34 mà Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được vinh danh có  39 hồ sơ đề cử được xem xét, trong đó có 8 đề cử di sản thiên nhiên, 29 đề cử di sản văn hóa và 2 đề cử di sản hỗn hợp.



(Theo Annninhthudo.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)