Đó là dừng tổ
chức dàn kèn đồng 1.000 người, dàn hợp xướng 1.000 người biểu diễn và
phương án bắn mưa. Nguyên nhân rất đơn giản nhưng đầy thuyết phục: Kinh
phí quá lớn (10 tỉ đồng và hàng chục triệu USD) mà lại không hiệu quả.
Trước đó, lãnh đạo Hà Nội cũng đã rút
lại phương án làm 5 cổng chào- một việc cũng thiên về phô trương hình
thức và chưa cần thiết. Những động thái này đã nhận được sự hoan nghênh
của người dân.
Đại lễ 1.000 năm Thăng Long là lễ trọng
không chỉ của Hà Nội, mà còn của cả quốc gia. Bởi thế, không ít người
cho rằng dù có nghèo đến mấy thì cũng không nên quá tằn tiện trong ngày
đại lễ. Nhận thức này hoàn toàn xác đáng. Và thực tế, Hà Nội và cả nước
cũng đã dồn không ít tâm sức, tiền bạc cho ngày kỷ niệm thật trang
trọng, chu đáo và ấn tượng. Song, trong số hàng trăm việc lớn nhỏ cho
ngày đại lễ ấy, cần phải rà soát thật cặn kẽ, chi tiết. Việc nào cần,
thiết thực thì tốn kém cũng phải làm, việc nào phô trương, hình thức, vô
bổ thì dù một đồng cũng quyết loại bỏ.
Tiết kiệm không đồng nghĩa với keo kiệt,
bủn xỉn và nó không chỉ là câu chuyện của các nước nghèo. Ngay cả những
nước giàu họ cũng tính toán hết sức khôn ngoan từng đồng tiền bỏ ra.
Rất tiếc, căn bệnh phô trương, hình thức hiện đang được không ít địa
phương (dù rất nghèo) đua nhau... lập kỷ lục. Câu chuyện “Rồng hoá thân
thành sắt vụn” tại Festival trái cây VN lần đầu tiên vừa diễn ra tại Mỹ
Tho- Tiền Giang là ví dụ.
Người ta đã phải bỏ ra 12 tấn thép, 350
thùng sơn, 2.000m2 vải, huy động 40 hoạ sĩ, tiêu tốn hơn tỉ bạc để làm
ra con rồng dài những 400 mét, cốt được ghi vào cái gọi là kỷ lục
guinness VN! Nhưng chỉ sau vài ngày khi lễ lạt kết thúc, các nhà tổ chức
rao bán nó với giá 6 chục triệu đồng cũng không đắt! Chưa hết, nhiều
sản phẩm ra đời từ cái hội chứng “kỷ lục guinness VN” không biết đã tiêu
tốn bao nhiêu tiền bạc, công sức của dân, của nước.
Sinh thời, Bác Hồ coi thói hình thức,
phô trương, lãng phí là thói xấu và Bác thường nghiêm khắc phê phán. Có
một câu chuyện thật thấm thía: Lần về thăm quê Nghệ An năm 1960, khi
ngồi trong nhà khách tỉnh uỷ nhìn ra con đường đi vào, thấy có nhiều
bông hoa rực rỡ được trồng ngay ngắn hai bên, Bác bèn ra nhổ nhẹ một
cành hoa layơn. Lạ thay, cành hoa nhẹ bỗng, ở dưới không có một chiếc rễ
nào. Bác nói với đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, đại ý: Bác tưởng các chú
trồng được hoa thì hay, có cây cảnh đẹp, tốt cho môi trường, nhưng vì
Bác vô các chú phải mua hoa này trồng. “Trồng” hình thức nó không sống
được, đây là một thứ phô trương hình thức giả dối!
Học và làm theo Bác, các nhà tổ chức đại
lễ ngàn năm Thăng Long đang mạnh tay cắt giảm những việc mang nặng tính
phô trương, hình thức để dành tiền của làm những việc khác có ích cho
dân hơn. Các địa phương khác còn nghèo, tiềm lực mỏng nên lấy đó làm
gương.
(Theo Laodong.vn)