Thứ hai, 16/08/2010 09:01
Bài tham gia cuộc thi viết “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”: Cây xanh - giá trị không thể thiếu của Hà Nội
Không chỉ đi vào thơ ca, nhạc, họa, có thể khẳng định cây xanh là một phần máu thịt của Hà Nội. Hãy thử hình dung một Thủ đô tròn nghìn năm tuổi sẽ ra sao nếu một ngày kia không còn những hàng cây xanh mướt tầm nhìn? Kiến trúc sư GS-TSKH Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam từng phát biểu: "Cây xanh Hà Nội cần được coi là di sản đô thị". Với nhà văn Băng Sơn thì chúng "phải được bảo vệ và phát triển như một mảng đời sống của Hà Nội". Thế nhưng di sản đó hiện nay ra sao, đã được chúng ta đối đãi thế nào?
Kỳ I: Chuyện cây, chuyện đời, chuyện người

Lâu rồi, chúng tôi có đọc một bài báo mang dòng tít “Hồ Gươm mất thêm
một cây cổ thụ”. Câu mở đầu của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: “Một
góc hồ từ nay dại nắng... thấy xót xa như vừa mất một nhân văn”. Đừng
nghĩ một gốc cây nào có thấm gì trong số hơn 42.000 cây xanh của Hà Nội
(trước ngày mở rộng địa giới hành chính). Chưa dám nói là biết nhiều
nhưng quả là chuyện cây, chuyện đời, chuyện người nhiều khi không thể
tách rời mà nó hòa quyện, gắn bó với nhau...
Cây xanh phập phồng hơi thở với đời
Đã cả chục năm nay, hình ảnh một bà lão chừng 80-90 tuổi sáng sáng cứ
thơ thẩn ngồi hóng mát dưới gốc cây đa già trên đường Trần Nhân Tông đã
trở nên quen thuộc với người hằng qua lại. Gốc đa cổ thụ ấy, ngày rằm,
mùng một người ta còn kín đáo đến dâng lễ, khấn vái, nhất là khi thành
phố lên đèn. Ngay cả chị quét rác sáng nào đi qua cũng bớt chút thời
gian thắp nén nhang cầu bình an! “Thần cây đa, ma cây gạo”. Nhiều người
nói rằng, gốc đa ấy thiêng lắm. Chẳng biết thực hư thế nào nên chúng tôi
tìm bà lão để dò chuyện.
Bà cụ ấy tên Quy, nhà cách gốc đa một quãng. Ở cái tuổi ngoài 80, gốc đa
này như người bạn già của bà cụ. Chuyện đời, chuyện người bà chẳng còn
nhớ nhiều nhưng chuyện về gốc đa cổ này dường như chưa bao giờ phai
trong tâm trí bà, nó là chứng nhân cho tuổi trẻ và cuộc đời của bao con
người cùng thời với bà. Bà kể, xưa dưới gốc đa có hàng chục hộ mưu sinh,
người cắt tóc, người bán hàng nước... Khi bà còn bán hàng ở đó, có
người bụng mang dạ chửa đi qua, đau đẻ phải nhờ bà đỡ hộ, cứ lo rồi con
sẽ bị “thần vầy”. Nào ngờ thằng bé ấy về sau to khỏe, làm ăn thành đạt,
người ấy năm nào cũng tới thăm bà và cây đa này! Lại có bận, trời mưa
rất to, có tới hơn chục người trú dưới tán cây. Sét đánh gẫy cành đa
nhưng không ai làm sao. Họ quỳ sụp mà lạy cây đa mãi... Rồi hai cô gái
bị tai nạn giao thông nhập vào cây đa, thành thần ban phước; chuyện ông
thầy giáo “xin” được cho vợ qua khỏi bệnh ung thư... Những câu chuyện
của người già chẳng ra đầu, ra đũa nhưng tha thiết và hồn hậu niềm tin
vào điều lành. Nhưng có một chuyện không thấy bà nhắc đến, ấy là theo
một chị lao công nói, trước hằng ngày bà Quy vẫn lọ mọ gom tiền mà người
ta để quanh gốc cây rồi về đưa cho một người nhà ở tận ngõ chợ Khâm
Thiên, lâm trọng bệnh nhưng khổ nỗi không có con cái chăm sóc. Nghe đâu
cái bà nhà trong ngõ chợ cũng ngoài tám mươi rồi. Giờ bà Quy không còn
nhanh chân nhanh tay, nhưng cứ thấy trong người khoe khỏe một chút là
lại ra thăm gốc đa như để ôn lại chuyện xưa với “người bạn vong niên”
của mình.
Có một anh nhà báo rất quan tâm để ý mọi chuyện xảy ra quanh Hồ Gươm,
theo đó một cuốn sách đã được xuất bản, còn cuốn khác thì đang được hoàn
thiện. Anh kể, từ hàng chục năm nay, cứ sáng ngày 19-12 hằng năm, rất
nhiều người được chứng kiến một ông già ngồi bên gốc cây lộc vừng thổi
tiêu bài “Hồn tử sĩ”. Sau đó, ông thừ người, nét mặt buồn đăm đắm vào
những cánh hoa lộc vừng bị gió thổi dồn thành từng đám trên mặt nước hồ.
60 năm trước, đúng chỗ ông ngồi, người bạn thân của ông mới 13 tuổi đã
hy sinh khi tự nguyện làm liên lạc cho Trung đoàn Thủ đô chống Pháp. Nhà
ông trước ở phố Hàng Gai, sau chuyển về Kim Ngưu. Trước khi nghỉ hưu,
ông là giáo viên dạy toán ở một trường đại học. Có lẽ chỉ có cây lộc
vừng già nua ven Hồ Gươm mới hiểu được nỗi lòng của ông lão.
Với tín ngưỡng dân gian người Việt những vật tồn tại lâu năm cũng có thể
sinh linh, trở thành “tinh”, thành ma, thành thần. Ngót nửa thế kỷ
trước, khi chúng tôi còn ở tuổi mẫu giáo, nhà trẻ, còn rất nhớ cây gạo
góc đường Nguyễn Thái Học - Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng), dễ thường
gốc cây phải 3-4 người lớn ôm mới xuể, mỗi lần hè về hoa nở rực đỏ một
góc trời cho lũ nhỏ cả phố tha thẩn chơi. Sau người ta đồn rằng cây gạo
đó là “thần tài” cầu gì được nấy. Nay cây gạo đó cũng không còn. Hay như
cây đa đền Ngọc Sơn cũng rỉ rả rất nhiều chuyện…
Gạt đi màu sắc mê tín mới thấy ở khắp phố phường, còn biết bao gốc cây
gắn với những phận đời, với những khoảng thời gian khó nhạt phai trong
trí nhớ. Thế nên cũng không ngạc nhiên khi nhà văn Băng Sơn nói, từng
cây xanh ở Hà Nội vẫn đang phập phồng hơi thở ngày đêm…
Và nỗi lo cho những “chứng nhân lịch sử”
Những người đã gắn bó lâu năm với Hà thành, không ai không thừa nhận
rằng cây cổ thụ ở Hà Nội như chứng nhân lịch sử, ghi nhận từng thay đổi
từ thời đất chưa thành tên...
Cây đa nhiều kỷ niệm bên cầu Thê Húc chẳng hiểu đã gắn với hồn Hà Nội từ
bao giờ. Hết thế hệ này rồi thế hệ khác, chiến tranh rồi hòa bình, chia
li rồi hội ngộ... Người ta yêu đến độ trận bão năm 1977, cây bị bật
gốc, nhiều người đến ôm nó khóc tựa như mất người thân. Đội kích kéo xây
dựng cầu Thăng Long phải đến nâng cây trả về chỗ cũ... Mùa mưa năm
2003, khi cây sanh cổ thụ bên bờ hồ Gươm bị đổ, một người đàn ông tên
Phùng (nhà ở xóm Hạ Hồi) đã dành cả buổi sáng bên gốc cây đổ, chụp hơn
80 bức ảnh để ghi lại “cuộc chia tay” của nó với hồ Gươm, với tháp Hòa
Phong! Ông bảo: “Cây sanh này và một vài cây khác quanh hồ là những cây
cổ còn sót lại do Sở Lục lộ của Pháp trồng khi họ có ý định xây dựng một
công viên bách thảo quanh Hồ Gươm. Tôi chụp để ghi dấu rằng, hai cây
sanh được trồng song song bên cạnh tháp Hòa Phong như một chỉnh thể đầy ý
nghĩa. Thế mà giờ đây tháp Hòa Phong còn, mà hai cây đã đổ, cái tình
như bị khuyết đi”.
Hay cây đa “ôm” cây gạo kỳ lạ bên đền Bà Kiệu, nay cây gạo chết để lại
một khoảng trống trong lòng cây đa như một hiện tượng kỳ lạ về nhân sinh
- thế thái. Cây đa Nhà Bò cạnh nhà hộ sinh cuối phố Lò Đúc đã từng đón
hàng vạn tiếng khóc chào đời. Rồi cây đa “lớn nhất Đông Dương” nằm ngay
trong khuôn viên báo Nhân Dân đã cùng thủ đô trải vài trăm năm tuổi...
Cây đa Bác trồng tại công viên Thống Nhất đánh dấu công trình do nhân
dân Thủ đô lao động xây dựng...
Cố giáo sư, viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng từng nhiều lần cho rằng cây cũng có
linh hồn, thậm chí ông còn khuyên, không nên gọi là cây mà nên gọi là
“ông”, là “cụ” cổ thụ để tỏ ý trân trọng, giống như cách chúng ta gọi cụ
rùa Hồ Gươm. Hàng trăm năm ấy, rễ cây đã bám vào đất Hà Nội, tán cây
xòe trên đất này và cái tình với cây đã thấm đẫm từ thế hệ này qua thế
hệ khác và trong từng con người yêu Hà Nội. Không có những thôn gốc đa,
xóm cây gạo… những địa danh gắn với tên từng loài cây như nơi thôn dã,
nhưng Hà Nội, như người ta vẫn bảo vốn là một cái làng lớn như bao nhiêu
làng mạc khác trên đất nước này, đâu có thể thiếu màu xanh của cây cối.
Đó là con phố nhỏ mang tên Thợ Nhuộm rợp màu tím bằng lăng, phố Lò Đúc
với hàng sao đen sừng sững, đường Thanh Niên hoa phượng nở đỏ chói mỗi
khi hè về, hoa sữa phố Nguyễn Du, cây cơm nguội trên phố Phan Chu Trinh,
Lý Thường Kiệt, những con đường như Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng hoa
sấu li ti thầm lặng tỏa hương, nhẹ nhàng vương trên mái tóc người thiếu
nữ… Tất cả không gọi thành tên phố, nhưng là những nét rất riêng để
người Hà Nội đi xa thấy da diết nỗi nhớ trong lòng và người tứ xứ tìm về
để cảm nhận, khám phá.
Khi Thủ đô bước vào ngưỡng cửa tròn nghìn năm tuổi, cái di sản về cây
xanh đôi lần lại được nhắc đến trong những chuyện không vui. Ấy là ý
định thay thế, trồng mới hơn 1.000 cây sao đen ở quận Hà Đông; rồi
chuyện “sưa tặc” giữa lòng Hà Nội giai đoạn cao điểm trung bình mỗi ngày
hạ gục một cây… Có việc đã được gấp rút giải quyết, có chuyện còn được
cân nhắc, bàn thảo thêm. Song dù sao đó cũng là tín hiệu đáng mừng vì ít
nhiều, người ta biết đến giá trị của phần di sản đó sau một thời gian
dài thờ ơ và lãng quên.
Quá trình đô thị hóa, thành phố rùng rùng chuyển mình từng ngày, mật độ
bê tông hóa mỗi lúc một cao, hằng năm Hà Nội có thêm rất nhiều đường phố
mới… nhu cầu phát triển đòi hỏi phải như vậy để tương xứng với thế và
lực. Tuy nhiên, cũng như hai mặt của một vấn đề, cho đến hôm nay, một
phần của di sản cây xanh Hà Nội đã bị mai một. Ví như đoạn đầu phố Tôn
Đức Thắng (đối diện với Văn Miếu - Quốc Tử Giám) hay đường Giảng Võ (dẫn
đến Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Việt Nam)… những hàng cây lâu năm
ngày trước hoặc đã mất toàn bộ, hoặc chỉ còn một nửa. Tiếc lắm chứ khi
ai phải hằng ngày qua lại trên đường Nguyễn Trãi, nơi có khu công nghiệp
cao - xà - lá nổi tiếng một thời, nỗi ước ao có hàng cây xanh tỏa bóng
mấy chục năm rồi vẫn chưa thể thành hiện thực.
Theo tổ chức Jica (Nhật Bản), tại 9 quận nội thành thời trước ngày Thủ
đô mở rộng, tỷ lệ cây xanh tính theo đầu người mới đạt 0,9m2. Hiện tại,
chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ này là 2m2. Nguyên Giám đốc
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm đã cảnh báo việc “ăn gian”
nếu gộp cây xanh ngoại thành và nội đô trong tính toán. Dù thế, theo
GS-TSKH Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt
Nam, ngay cả khi đạt được thì đấy vẫn là con số vào loại rất thấp nếu so
với thủ đô nhiều nước trong khu vực và thế giới.
(Theo Hanoimoi.com.vn)
|