Đại hội quốc tế các nhà toán học (ICM) hôm nay chính thức khai mạc tại TP.Hyderabad, Ấn Độ.
GS.TSKH Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, nhận
định: hôm nay (19.8) có thể sẽ trở thành một mốc son lịch sử của khoa
học Việt Nam: lần đầu tiên, Giải thưởng Fields sẽ được trao cho một
người Việt Nam – GS. Ngô Bảo Châu.
Giải thưởng Fields từ lâu được xem như “giải Nobel toán học”.
 |
GS Ngô Bảo Châu giảng dạy tại ĐH Quốc gia trong chuyến về nước vừa qua. Ảnh: M.Đ |
ICM là
đại hội lớn nhất trong cộng đồng toán học thế giới, được tổ chức bốn năm
một lần dưới sự bảo trợ của Hội Liên hiệp Toán học quốc tế (IMU). Hiện
vẫn còn rất nhiều nước chưa phải là thành viên IMU, bởi chưa có đội ngũ
nghiên cứu toán học. Chẳng hạn, trong khối ASEAN, thì Myanmar, Lào,
Campuchia và Brunei chưa phải là thành viên IMU. ICM lần đầu diễn ra ở
Zurich (Thụy Sĩ) năm 1897 với 208 đại biểu từ 16 nước. ICM Hyderabad
2010 sẽ đón khoảng 3.000 đại biểu từ 90 nước. Đại hội kéo dài chín ngày,
từ 19 - 27.8. Trước đó, Đại hội quốc tế các nhà nữ toán học (ICWM) đã
diễn trong hai ngày 17 và 18.8 như một hoạt động bên lề. Sau ICM Kyoto
1990 và ICM Bắc Kinh 2002 thì đây là lần thứ ba ICM được tổ chức ở Châu Á
trong tổng cộng 26 lần từ trước đến nay.
|
Dự đoán GS Ngô Bảo Châu đoạt giải này là hoàn toàn có cơ sở, bởi công
trình “Chứng minh Bổ đề cơ bản” của ông được xem là một bước đột phá của
nền toán học hiện đại.
“Với Giải thưởng Fields của Ngô Bảo Châu, chúng ta có thể tự hào về tầm
cao mà trí tuệ của người Việt Nam có thể đạt đến được. Và có thể nói
không ngoa, đó cũng là tầm cao nhất của trí tuệ nhân loại”, GS.TSKH Hà
Huy Khoái viết.
Theo thông lệ, một phần không thể thiếu trong lễ khai mạc là công bố các
giải thưởng mà năm nay, ngoài Huy chương Fields, Giải Nevanlinna, Giải
Gauss, còn có thêm giải thưởng mang tên nhà toán học nổi tiếng Trung
Quốc Shiing-Shen Chern (Trần Tỉnh Thân, 1911-2004) lần đầu tiên được
trao.
Tổng thống Ấn Độ, bà Pratibha Patil sẽ khai mạc đại hội và trao giải cho các nhà toán học.
Huy chương Fields
Bắt đầu được trao từ năm 1936, theo sáng kiến của nhà toán học người
Canada John Charles Fields, giải Fields gồm một huy chương vàng và tiền
thưởng 15.000 USD, còn gọi là “giải Nobel Toán học”, bốn năm trao một
lần và chỉ trao cho người dưới 40 tuổi (tính đến ngày 1.1 năm xét giải).
Giải Fields không trao cho quá 4 người mỗi lần, thông thường là 2
người.
Liên hiệp Toán học quốc tế (IMU, International Mathemathical Union) sẽ
cử ra một tiểu ban xét chọn giải Fields gồm khoảng 10 người, đứng đầu là
đương kim Chủ tịch IMU – ông Laszlo Lovasz, nhà toán học người Hungary.
Chức vụ trưởng tiểu ban có ảnh hưởng rất lớn đối với kết quả xét chọn
giải Fields. Nghe nói năm xưa Atiyah, khi làm trưởng ban xét chọn giải
Fields, đã bỏ ngoài tai mọi xì xào, nhất quyết chọn nhà vật lý người Mỹ
Witten làm chủ nhân giải Fields 1990. Từ đó tới nay, ngành toán - vật lý
luôn hoạt động sôi nổi, chứng tỏ Atiyah là người có tầm nhìn.
Giải Nevanlinna
Từ năm 1981, ICM công bố thêm Giải Nevanlinna nhằm vinh danh nhà toán
học Phần Lan Rolf Nevanlinna, người qua đời một năm trước đó. Đây là
giải dành cho các công trình toán học có đóng góp nổi bật cho ngành Tin
học.
Cũng giống như Huy chương Fields, Giải Nevanlinna nhằm vào các nhà toán học dưới 40 tuổi tính đến ngày 1.1 của năm trao giải.
Giải Gauss
Giải Gauss do IMU và Hội Toán học Đức cùng lập ra, được trao lần đầu
tiên vào năm 2006, nhằm tôn vinh các công trình toán học mang tính ứng
dụng cao. Người nhận giải được nhận huy chương có hình nhà toán học Đức
và một khoản tiền thưởng là 10.000 EUR.
Gauss (1777 –1855) được coi là một trong những nhà toán học có ảnh hưởng
lớn nhất mọi thời đại, ông chính là người đã phát biểu “Toán học là nữ
hoàng của các môn khoa học”.
Huy chương Chern được trao kèm với số tiền thưởng 500.000 USD. Tuy
nhiên IMU quy định, một nửa số tiền thưởng sẽ được quyên cho một số tổ
chức do người nhận giải lựa chọn nhằm hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu,
giảng dạy và quảng bá toán học. Sinh thời, bản thân Shiing-Shen Chern là
người hào hiệp và đã có nhiều đóng góp cá nhân cho toán học.