Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 19/08/2010 08:39
Tờ báo số 3-1975 và chuyện một người bán báo
“Tôi luôn xem Tuổi Trẻ là người nhà. Này nhé, ông xã tôi là cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ Cười, tôi thì có thời gian dài công tác ở Thành đoàn TP.HCM. Vợ chồng tôi cũng có nhiều năm mở sạp báo ngay trước cổng tòa soạn Tuổi Trẻ số 12 Duy Tân suốt thập niên 1980.

 

Tờ báo Tuổi Trẻ số 3 ngày 14-9-1975 và chồng báo Tuổi Trẻ từ năm 1975-1986 của bà Đức Nhuần - Ảnh: Gia Tiến

Cái sạp ấy bán chủ yếu là báo Tuổi Trẻ, chạy nhất là lúc báo đi đầu phong trào phát hành bản tin nhanh bóng đá thế giới, có ngày tôi bán trên 2.000 tờ, rã rời cả tay. Dù hai vợ chồng đều đi làm nhà nước nhưng nguồn thu từ sạp báo trở thành thu nhập chính của gia đình, giúp tôi mua được cả cái nhà này. Làm sao mà Tuổi Trẻ không thân thương cho được” - bà Đức Nhuần mở đầu câu chuyện.

Bà khoát tay quanh căn nhà ở đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM) đầy những bộ sưu tập của hai vợ chồng. Nào là hàng chồng báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Thời Báo Kinh Tế, hàng tủ vỏ bật lửa...

“Chúng tôi sưu tập vì sở thích và vì báo chí còn phục vụ công việc giảng dạy. Ở nhà này báo không thể nào thiếu được, vừa là hoa hồng, vừa là bánh mì” - bà lại cười.

Bà nâng niu mở cho chúng tôi xem một tờ báo vàng ố thật quen thuộc được bọc kỹ trong một tờ báo khác: tờ Tuổi Trẻ số 3 ra ngày 14-9-1975.

“Mang khoe với Tuổi Trẻ nhân mấy chục năm đọc báo vậy thôi. Chúng tôi thuộc lòng tên từng tác giả: Kim Hạnh, Hàng Chức Nguyên, Thúy Nga, Lưu Đình Triều, cả mấy anh em sau này nữa... Nói vậy không phải là không có lúc phật lòng khi đọc báo. Càng thân thương lắm càng hi vọng nhiều, hi vọng nhiều thì cũng sẽ lắm thất vọng. Ấy thế nhưng vẫn thương lắm kể cả khi thấy báo không hay. Người nhà mà. Chúng tôi nghĩ mình đọc báo còn muốn được đọc bài hay, muốn thấy những tiếng nói mạnh mẽ, thì người làm báo như Tuổi Trẻ hẳn nhiên còn muốn làm báo hay, báo mạnh gấp nhiều lần chúng tôi. Chẳng qua là gặp khó khăn đó thôi rồi báo sẽ vượt qua được. Chúng tôi tin vậy và chờ đợi, theo dõi vậy” - bà nói.

Bà Đức Nhuần lại cười và chỉ lên tường: một khung ảnh đã cũ, bên trong lồng một trang báo cũ: bài “Bệnh viện hạnh phúc” ký tên Đức Nhã trên Tuổi Trẻ ngày 1-7-1984. Bà giải thích: “Đức Nhã là tên con gái đầu lòng của tôi. Chồng tôi viết bài này nhân sinh nhật 2 tuổi của cháu, nhớ về những ngày hồi hộp ngồi ngoài cửa phòng sinh chờ gặp mặt con gái. Mỗi bài báo liên quan đến một số người, họ quý lắm đó. Ráng viết báo hay cho chúng tôi đọc nhé”...

Ra khỏi nhà chúng tôi bâng khuâng mãi. Có những bạn đọc như vậy làm sao chúng tôi không ráng cho được.



(Theo Tuoitre.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)