
Đọc
diễn văn tại lễ kỷ niệm, Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy Đan Phượng
Nguyễn Xuân Cửu nêu rõ: Cùng với không khí sục sôi của cuộc nổi dậy
giành chính quyền, Đảng ta đã sớm xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ
thành quả cách mạng. Ngày
19/8/1945,
lực lượng Công an nhân dân ra đời, suốt 65 xây dựng và trưởng thành,
lực lượng Công an nhân dân đã có những đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự
nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH, bảo vệ an ninh trật tự và
an toàn xã hội.

Với
khí thế sục sôi cách mạng, ngày 21/8/1945 đông đảo quần chúng nhân dân
huyện Đan Phượng đã giương cao cờ đỏ sao vàng, nắm chặt vũ khí tập trung
tại đền Bách Linh (Phượng Trì) để tham gia biểu tình vũ trang giành
chính quyền. Ngày 23/8/1945, huyện tổ chức mít tinh lớn tại sân trường
tiểu học Đan Phượng có hàng nghìn nhân dân các xã về dự; sau lễ chào cờ,
đồng chí Phạm Thị Hiền đại diện Ban chỉ đạo khởi nghĩa đã tuyên bố
chính quyền cũ bị xóa bỏ hoàn toàn, chính quyền cách mạng dân chủ nhân
dân được thành lập và công bố 5 đồng chí vào Ủy ban nhân dân cách mạng
lâm thời huyện. Trong vòng một tuần dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp
là sự chỉ đạo của các đồng chí cán bộ trong đội công tác của Xứ ủy Bắc
Kỳ (cơ quan báo cứu quốc đóng tại địa phương), từ ngày 19/8 – 25/8/1945,
cuộc khởi nghĩa ở huyện Đan Phượng giành thắng lợi trọn vẹn, từ huyện
đến các xã đã xóa bỏ bộ máy tay sai do đế quốc phong kiến đặt ra, thành
lập chính quyền cách mạng do Việt minh tổ chức.

Là
huyện ven đô có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội,
ngày nay, huyện Đan Phượng đã và đang có nhiều hoạt động tích cực nhằm
thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị năm 2010, hoàn thành vượt mức kế hoạch
phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006 – 2010 và Nghị quyết Đại hội Đảng
bộ huyện đã đề ra, xây dựng huyện Đan Phượng giàu mạnh, văn minh, thiết
thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại lễ kỷ niệm
1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Theo
đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng đã nỗ lực phấn
đấu vượt qua những khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan
trọng đó là: Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu
kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp-xây dựng và thương
mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 80%; Thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán
Thành phố giao. Bên cạnh đó, huyện đã chú trọng đến công tác GPMB đạt
kết quả tốt; các mặt tăng trưởng kinh tế, văn hóa-xã hội huyện có nhiều
tiến bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trở thành
phong trào sâu rộng từ các thôn, xóm có tác dụng tốt. Tình hình nông
thôn tiếp tục ổn định, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn
được đảm bảo…

Tại
buổi lễ, lãnh đạo Thành phố và huyện đã cắt băng khánh thành và gắn
biển công trình 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cho công trình sân vận động
huyện. Công trình sân vận động huyện Đan Phượng được khởi công ngày
9/4/2009, xây dựng với quy mô sân bóng đá với diện tích 7.543m2, diện tích đường chạy là 2.386m2, diện tích sân đẩy tạ là 266m2, diện tích nhảy xa, nhảy 3 bước 299m2; ngoài ra còn có diện tích sân bê tông trong sân 760m2, diện tích bê tông ngoài sân 310m2, diện tích sân đất 1889m2…
Sân vận động có 2 khán đài (A, B) với quy mô hình dạng khán đài vòng
cung, tầng khán đài có bậc ngồi, mái che. Ngoài ra, tại công trình này
còn các phòng hành chính, quản lý và một số hạng mục phụ trợ khác. Tổng
mức đầu tư xây dựng công trình là 24 tỷ 900 triệu đồng.
Phát
biểu tại buổi Lễ kỷ niệm và gắn biển công trình, Phó Chủ tịch UBND
Thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã biểu dương và chúc mừng những
thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng
đã đạt được trong những năm qua. Phó Chủ tịch đề nghị nhân các sự kiện
văn hóa trên của huyện, Đan Phượng cần tiếp tục phát huy truyền thống
đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tập trung mọi
nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện
đại; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển vùng sản xuất nông
nghiệp hàng hóa công nghệ cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển văn
hóa-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân
dân. Ngoài ra, huyện phải thường xuyên giữ vững ổn định chính trị-xã
hội, tăng cường quốc phòng an ninh. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo
và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu
quả của chính quyền…Phấn đấu xây dựng huyện Đan Phượng ngày càng văn
minh, giàu mạnh.
(Theo Hanoimoi.com.vn)