Sắp ra mắt album "Hà Nội M6 phố": Sáu chàng trai và khúc ca dâng Hà Nội
Kể ra nhiều người trong số họ có thể đứng tên ở một album độc lập, bởi những gì họ cống hiến đã được công chúng và giới nghề nghiệp ít nhiều ghi nhận. Một Lê Tâm của ban nhạc "Đồng hồ báo thức", một Nguyễn Vĩnh Tiến làm say lòng người với "Bà tôi", hay tay đàn nhị Hồng Quang và nhà thơ, nhà văn nhiều ý tưởng Ngô Tự Lập… Nhưng họ đã cùng nhau đứng chung trong một album nồng nàn tình yêu Hà Nội với tên gọi độc đáo "Hà Nội M6 phố", sẽ ra mắt ngày 27-8 tới.
Nhà thơ, nhà văn Ngô Tự Lập - người từng đau đáu ý tưởng lập bản đồ tri
thức nhân loại được xem như đại diện của nhóm chia sẻ tên gọi độc đáo
“Hà Nội M6 phố”. Một biến tấu từ “Hà Nội 36 phố phường”, nhưng gửi gắm
cả ở chữ “M6”- 6 chàng trai (men), 6 người chơi nhạc (musicians), 6 điều
bí ẩn (mysteries)… Ngoài Lê Tâm, Hồng Quang, Ngô Tự Lập, Nguyễn Vĩnh
Tiến đã nói ở trên, hai người còn lại là Nguyễn Thắng với Giải thưởng
“Âm nhạc xuất sắc nhất cho phim hoạt hình” trong bộ phim 3D “Giấc mơ của
ếch xanh” và Nguyễn Tuấn của ban nhạc “Cánh gà”.
Sáu người trong một album, mỗi người một phong cách, một cách nhìn,
nhưng cùng chung tình yêu với Hà Nội đang sắp tròn nghìn năm tuổi. Album
gồm 11 ca khúc, trong đó Nguyễn Vĩnh Tiến có “Hà Nội”, “Thư Hà Nội”;
Nguyễn Tuấn có “Áo cũ dây phơi”, “Bồ câu và hạt thóc”, Ngô Tự Lập viết
“Đường dương cầm”, Nguyễn Thắng có “Trong tôi Hà Nội”… Ở “Hà Nội M6 phố”
có cái da diết, ngọt ngào, lại có cái bồi hồi, ngổn ngang những suy tư
về một Hà Nội của hôm qua, hôm nay, một Hà Nội đang đổi thay từng ngày…
Một đặc điểm dễ thấy nữa, “Hà Nội M6 phố” có ca từ đẹp, có lẽ bởi 6 tác
giả đều là những người làm thơ. Trong cơn lốc ồn ào của nhạc trẻ, cái lạ
chưa đạt đến cái hay nhưng vẫn tạo nên cơn sốt. Và ở đó, ca từ phần nào
bị xem nhẹ, thậm chí trở nên dễ dãi… “Hà Nội M6 phố” chú ý đến ca từ âu
cũng là lẽ tự nhiên, bởi viết về Hà Nội là viết về sự tinh tế, sâu sắc
và lịch lãm.
Hãy nghe Ngô Tự Lập với “Đường dương cầm” (lời Dương Tường-Ngô Tự Lập):
“Chiều se sẽ hương/vườn se sẽ hương…, Hồ se sẽ mờ/Đời se sẽ gió” và
Nguyễn Vĩnh Tiến trong “Thư Hà Nội”: “Mỗi sớm, hàng cây Hà Nội, như một
lá thư tay/Mỗi sớm, bậc thang Hà Nội…”. Hay Nguyễn Thắng trong “Hà Nội
trong tôi”: “Hà Nội buồn vui trong tôi ngói rêu bao thăng trầm/Ngập tràn
mùa thu bâng khuâng lá quay tròn mái hiên”…
Tất nhiên, âm nhạc không chỉ có lời. Vì vậy, những cảm nhận sau cùng và
sâu sắc thuộc về mỗi người nghe khi lắng lòng mình với từng ca khúc.
(Theo Hanoimoi.com.vn)