Các thành viên UBND TP cùng các đại biểu đã dành nhiều thời gian làm rõ
những vấn đề của giáo dục và đào tạo Hà Nội, trong đó có vấn đề thiếu
đất xây trường trong khu vực nội thành. Nhiều ý kiến khẳng định, quy
hoạch mạng lưới trường học không nên "cào bằng" mà cần phải đưa ra giải
pháp đa dạng, phù hợp với từng khu vực cụ thể. Theo ông Nguyễn Thế Hùng,
Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đến năm 2020, thành phố cần thêm hơn 17 triệu
mét vuông đất để xây trường học, tương đương với số trường xây thêm là
728 trường, đến năm 2030 số trường xây mới còn lớn hơn, 1.060 trường.
Vậy đây có đúng là số liệu có căn cứ khoa học hay không? Ông Nguyễn Thế
Hùng cũng cho rằng nội đô quá thiếu đất để xây trường, trong khi nhu cầu
học của trẻ em ngày càng tăng. Để khắc phục, thay vì chỉ cho phép xây
trường cao 4 tầng, thành phố nên chủ động đề xuất xây trường cao 6 đến 7
tầng. Tuy nhiên theo đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, quy hoạch
cần phải đi sâu vào các giải pháp cụ thể cho từng khu vực với những đặc
điểm riêng. Những địa điểm còn quỹ đất rộng có thể xây dựng trường với
tỷ lệ diện tích trên đầu học sinh cao hơn so với quy chuẩn, nhưng những
nơi khan hiếm quỹ đất thì phải có giải pháp phù hợp, có cơ chế riêng.
Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, cả hai quy hoạch nói trên phải được
đặt trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch, chiến lược
vĩ mô, lâu dài khác.
Kết luận về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định,
việc cơ quan soạn thảo dự báo về tương lai của giáo dục và đào tạo Thủ
đô với những yếu tố ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực là cần thiết. Chủ
tịch yêu cầu, trên cơ sở đó, cần phải xác định rõ mục tiêu duy trì vị
trí dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này của Hà Nội. Trong đó, quy hoạch phải
làm rõ được: Dẫn đầu về quy mô hay chất lượng hoặc cả hai? Nếu dẫn đầu
về quy mô thì phải thế nào, chất lượng phải ra sao? Trong phát triển
giáo dục và đào tạo, điều quan trọng nhất là bảo đảm đủ cơ sở vật chất
cho trẻ em ở độ tuổi đi học được học với điều kiện thuận lợi và ngày
càng tốt hơn. Chủ tịch yêu cầu quy hoạch phải làm rõ khái toán và phân
kỳ đầu tư rõ ràng, khả thi.
* Cùng ngày, UBND TP Hà Nội đã xem xét đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề và việc thành lập quỹ phát triển đất.