Bão số 3 tàn phá Bắc Trung Bộ
 |
Bộ đội giúp dân kéo tàu thuyền vào nơi an toàn. Ảnh: Q.L, P.S, M.T |
Chạy cùng bão
Sáng 24-8, UBND hai tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh có cuộc họp
khẩn bàn phương án đối phó với bão số 3. Lúc 9 giờ sáng cùng ngày, lãnh
đạo địa phương lệnh sơ tán gần 100.000 hộ dân thuộc các huyện Nghi Lộc,
Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò (Nghệ An); Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch
Hà, Kỳ Anh (Hà Tĩnh). 11 giờ trưa, gió tại các vùng ven biển hai tỉnh
nói trên mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.
* Báo cáo ban đầu của BCĐ PCLB Hà Tĩnh, hơn 10.000 ha
lúa hè thu bị ngập chìm trong nước, trên 1.000 ha cây lương thực ngắn
ngày, rau màu, cây ăn quả bị ngập và hư hỏng nặng. Một số huyện ở Hà
Tĩnh có lượng mưa gần 200mm, nhiều địa bàn bị ngập úng. Hà Tĩnh đã có 1
người chết, bốn người bị thương do bão số 3.
* Theo GĐ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ Trịnh
Thanh Sơn, bão số 3 tấn công trực diện vào huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu
(Nghệ An) gây mưa to gió lớn. Vùng tâm bão đi qua, gió mạnh cấp 10, cấp
11, giật trên cấp 11, cấp 12. Lượng mưa đo được tại Vinh chiều qua lên
tới 300mm; Quỳnh Lưu: 70mm; Cửa Lò: 279mm. Đến 21 giờ tối qua tại TP
Vinh có mưa rất to. Các tuyến đường nội thành bị ngập úng, giao thông tê
liệt. Điện cúp từ trưa đến suốt đêm 24-8. Tại đường Nguyễn Văn Cừ, Hà
Huy Tập, Nguyễn Sỹ Sách, cây cối đổ ngổn ngang.
|
Bão số 3 đổ bộ vào đất liền lúc triều cường, khiến nước biển dâng cao,
biển động dữ dội. Chưa đầy 1 giờ sau khi bão quét qua vùng ven biển
Nghệ An, đảo Lan Châu (Cửa Lò) bị cô lập. Từng cột sóng cao tới 3-4m
chia cắt hòn đảo này với đất liền. Tại đường Bình Minh, nhiều ki ốt bưu
điện bị gió ném ra xa gần chục mét.
14 giờ, PV Tiền Phong theo đường từ Cửa Lò dẫn
tới KCN Nam Cấm (huyện Nghi Lộc), tiến về Diễn Châu, Quỳnh Lưu, đi vào
tâm bão. Gió càng lúc càng mạnh. Mưa xối xả. Tầm nhìn hạn chế, xe bò
từng đoạn. Dọc đường, cây cối xác xơ trụi lá, biển quảng cáo bị gió xé
tơi tả.
Qua điện thoại, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh
Lưu Võ Văn Dũng, cho biết: “Bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền. Đây là cơn
bão lớn quét dọc bờ biển Bắc Trung Bộ, chưa lường trước được thiệt hại
về người, tài sản. Đối phó với bão, huyện Quỳnh Lưu đã kêu gọi tất cả
các tàu thuyền của ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn”.
Chiều 24-8, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc về
Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Lò kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão.
Đoàn cán bộ tỉnh bị mắc kẹt tại TX Cửa Lò do cây cối ngổn ngang mặt
đường. Giao thông tê liệt.
15 giờ 30 phút, PV rời thị trấn Cầu Giát - huyện Quỳnh
Lưu trở lại Vinh và thị xã Cửa Lò. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, QL 1A mờ
mịt. Nhiều tài xế không dám cho xe vận hành trên đường vì gió to sợ lật
xe. Dọc đường thiên lý đi qua cầu Cấm, xã Nghi Yên (Nghi Lộc), hàng trăm
người đi xe máy bị gió xô ngã.
 |
Kiốt bưu điện bay xa hàng chục mét . Ảnh: Q.L, P.S, M.T |
Lúc này, gió giật trên cấp 11, cấp 12. Hàng ngàn cây cổ
thụ bật gốc, gãy ngang thân. Tại xã Diễn An (huyện Diễn Châu), nhà dân
sát QL1 bị gió xô nghiêng. Một chiếc xe container bị gió lật úp tại
huyện Nghi Lộc.
17 giờ 20 phút, bão số 3 tấn công TP Vinh, toàn thành
phố tê liệt. Không ai dám ra đường vào thời điểm này vì sợ cây đổ. Điện
cúp, trời chưa tối nhưng thành phố xám ngắt. Nhiều tuyến phố tại Vinh
ngập nước, xe ô tô tuyến Bắc- Nam chết máy hàng loạt khi di chuyển qua
tâm bão. Chợ, cửa hàng, nhà dân cửa đóng kín.
Giao thông ách tắc. Mạng điện thoại di động liên tục
gián đoạn. Cũng thời điểm trên, tâm bão đổ bộ vào Quỳnh Lưu, Diễn Châu
với gió giật trên cấp 11, cấp 12. Đuôi bão quét qua huyện Nghi Xuân (Hà
Tĩnh) gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu.
Tàu chìm, nhà tốc mái
Trao đổi với PV Tiền Phong vào 20 giờ hôm qua,
ông Nguyễn Đình Chi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Tính đến
18 giờ cùng ngày, bão số 3 tàn phá trên 48.000 ha lúa hè thu, trong đó
30.000 ha có khả năng mất trắng, một người dân ở xã Nghi Thiết (huyện
Nghi Lộc) bị thương.
Tại huyện Quỳnh Lưu, địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nhất,
hơn 600 nhà dân bị tốc mái, 15 nhà bị sập hoàn toàn, nhiều cây cối và
cột điện bị gãy đổ. Một cháu trai 9 tuổi ở xã An Hòa, Quỳnh Lưu bị chết
đuối.
 |
Chằng chống nhà cửa chống bão . Ảnh: Q.Long |
Tại xã Xuân Hòa, huyện Quỳnh Lưu, một tàu chở hàng
trọng tải hơn 1 nghìn tấn đang gặp nạn. Hơn 2.200 tàu thuyền của ngư dân
đã được đưa về neo đậu an toàn nhưng khả năng thiệt hại do va đập là
không tránh khỏi!”.
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Phòng chống lụt
bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, mực nước đo được tính đến 17 giờ
ngày 24-8: Quỳnh Lưu: 43,0 mm, Thanh Chương 81,0 mm, Nam Đàn 109 mm, Hòn
Ngư 114, 0 mm, Cửa Hội 151 mm, Vinh 162,0 mm.
 |
Biển động dữ dội . Ảnh: Q.L, P.S, M.T |
Tại huyện Nghi Lộc có 4 người dân bị thương, hơn 2.000
ngôi nhà bị ảnh hưởng bão và bị tốc mái. Gần 600 hồ đập đã xuống cấp
không an toàn nếu lượng mưa tiếp tục tăng. Một số điểm trên tuyến QL 48
đoạn qua Km 106+ 900 đoạn qua huyện Nghĩa Đàn và đoạn qua xã Châu Thắng,
thuộc huyện miền núi Quỳ Châu bị sạt lở tuy la âm và tuy la dương gây
ách tắc giao thông.
Nghi Xuân tan hoang
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất sau bão
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn
T.Ư, tối qua, sau khi đổ bổ vào đất liền, bão số 3 tiếp tục di chuyển
theo hướng tây tây bắc và tây bắc, tốc độ 15-20 km/h, và suy yếu thành
áp thấp nhiệt đới.
Đến 7 giờ sáng nay 25- 8, vị trí trung tâm
áp thấp nằm trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng
áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/h). Tuy nhiên, do hoàn lưu của
bão có thể gây mưa lớn, các địa phương đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở
vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư
cũng cho hay, do ảnh hưởng của bão, lũ trên các sông các tỉnh Bắc Trung
Bộ đang dâng cao. Hôm nay, mực nước các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có
khả năng lên báo động 2, vùng thượng nguồn có thể lên báo động 3, có
khả năng gây lũ quét và ngập lụt với vùng ven sông. Riêng hệ thống sông
Hồng và sông Thái Bình, lũ có thể xuất hiện vào ngày 27, 28-8 tới.
Phạm Anh
|
Gió giật trên cấp 12 kèm theo mưa lớn khiến hàng ngàn ngôi nhà ở huyện
Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh bị tốc mái. Hệ thống cột điện, cây cối gió
quật ngã. Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Nghi Xuân cây cổ thụ bật gốc nằm
chắn đường làm tắc nghẽn giao thông hơn 1 giờ đồng hồ. Toàn huyện Nghi
Xuân mất điện.
Chiều 24-8, PV có mặt tại huyện Nghi Xuân, nơi được
đánh giá là địa phương bị ảnh hưởng bão mạnh nhất ở Hà Tĩnh. Báo cáo
nhanh từ UBND huyện vào 15 giờ cùng ngày, có hàng trăm ngôi nhà bị tốc
mái, hệ thống đê điều tại xã Xuân Hội bị sóng dữ uy hiếp, cột ăng ten
truyền hình cao 60m tại Xuân Thành gãy gục, trường THPT Nghi Xuân gió
đánh tốc mái.
“Ngay từ đầu, huyện đã chuẩn bị sẵn cưa xăng, nhưng cây
đổ quá nhiều nên chúng tôi phải huy động cả xe cẩu để giải phóng ách
tắc”, ông Nguyễn Hiền Lương - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết.
Khoảng 16 giờ cùng ngày, PV có mặt tại đê Hội Thống, xã
Xuân Hội, lúc này mưa rất lớn, cây đổ ngổn ngang chắn ngang đê, sóng
biển đánh cao hơn 2 m, nước dâng cao uy hiếp thân đê, nhiều ngôi nhà nằm
sát biển đã đóng cửa, mái tôn bị tốc nằm ngổn ngang ngoài đường, gió
giật cấp 12.
Chủ tịch UBND Xuân Hội cho biết, xã đã di dời 220 người
dân thôn Hội Thủy, nằm sát đê đến nơi an toàn. Cạnh xã Xuân Hội là xã
Xuân Đan, toàn bộ mái trường tiểu học bị cuốn bay, máy tính, tài liệu hư
hỏng nặng.
Chủ tịch UNBD Cương Gián cho biết, xã này có 5 trường
học bị tốc mái, hơn 500 nhà dân bay ngói, đoạn đê qua thôn Song Nam bị
sạt lở nghiêm trọng. Nhiều đoạn đê của thôn Đại Đồng đang tu sửa bị xói
lở. Báo cáo ban đầu của huyện Nghi Xuân, bão số 3 làm hàng ngàn ngôi nhà
bị tốc mái, hàng trăm cột điện bị đổ, gãy. Thiệt hại lên đến hàng chục
tỷ đồng.
(Theo Tienphong.vn)