Một lần gặp nhà thơ Huy Cận
 |
Nhà thơ Huy Cận |
1- Tôi có may mắn được
gặp nhà thơ Huy Cận. Vì thế sau này chuyện lùm xùm quanh ngôi nhà 24
Điện Điên Phủ giữa những người thân của gia đình ông làm tôi quan tâm.
Mọi người thì cho rằng thật buồn vào lúc cuối đời lại xẩy ra câu chuyện
xích mích trong gia đình một nhà thơ lớn, có nhiều đóng góp cho nền
văn học nước nhà như vậy.
Chuyện là thế này, khi
Xuân Diệu mất, Huy Cận có đề nghị Nhà nước cho lập phòng lưu niệm nhà
thơ tại ngôi nhà mà Xuân Diệu đã ở 24 Điện Biên Phủ. Phòng đó là tầng
dưới của căn nhà hai tầng mà tầng trên là gia đình Huy Cận ở. Tuy nhiên
thiện ý tốt đẹp này đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực vì câu chuyện
thừa kế trong gia đình.
Ai cũng biết giữa Huy Cận
và Xuân Diệu, đôi bạn tâm giao gắn bó với nhau như thế nào. Họ đều là
những người đặt nền móng cho dòng thơ lãng mạn, đều đi tiên phong trong
phong trào thơ mới. Thơ của các ông đã lôi cuốn biết bao thế hệ người
Việt Nam Ở đâu các ông cũng gắn chặt như hình với bóng và nhiều giai
thoại được thêu dệt được kể, cũng như được viết ra.
Một bạn đọc yêu mến Xuân
Diệu than thở: Là một người thích và yêu thơ Xuân Diệu đã lâu, được
biết Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu đặt tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội.
Một lần tình cờ có việc ra Hà Nội, bạn đọc nọ dự định vào thăm Phòng
lưu niệm để biết thêm về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của nhà thơ. Tuy
nhiên, đến 24 Điện Biên Phủ thấy cửa đóng then cài, hỏi thăm địa chỉ
người hàng xóm để vào, mới thật sự ngỡ ngàng. Phòng lưu niệm nhà thơ
Xuân Diệu đã bị người cháu làm phòng ở.
Nguyên do vì họ hàng ở
xa, lợi dụng lòng tin của dòng tộc, người cháu này được ủy quyền thay
mặt dòng họ để trông coi Phòng lưu niệm và duy trì bảo quản các hiện
vật. Tuy nhiên, lòng tin của dòng tộc đã đặt không đúng chỗ. Phòng lưu
niệm trở thành phòng sở hữu riêng.
Thậm chí những ngày giỗ,
tết, Phòng lưu niệm cũng bị khoá gây khó khăn cho gia đình họ tộc đến
thắp hương tưởng nhớ nhà thơ Xuân Diệu, dẫn đến tình trạng bất bình
trong họ tộc...
Không biết những thông
tin trên có chính xác không song cho đến nay cái phòng lưu niệm đó vẫn
đang còn tranh cãi. Người yêu Xuân Diệu, Huy Cận không biết đến bao giờ
mới được thăm phòng trưng bày có những di cảo của các ông.
Ai cũng có những nỗi buồn riêng. Đó cũng
chính là nỗi buồn cuối đời của nhà thơ, người góp phần đặt nền nóng cho
một trường phái thơ lãng mạn rất được yêu thích…
2 - Chúng
tôi thuộc lớp thanh niên lớn lên gặp ngay cuộc kháng chiến của dân tộc.
Dạo đó nhiều cái bình thường của đời thường cũng rơi vào chuyện cấm kỵ.
Bây giờ thì tha hồ hát “Giọt mưa thu” hay đọc những vần thơ tình cháy
bỏng “Nhanh với chứ vội vàng lên với chứ" hay “Xuân đang tới nghĩa là
xuân đã qua; Xuân còn non nghĩa là xuân đã già…”. Thơ lãng mạn chỉ được
đọc theo kiểu rỉ tai nhau. Vì thế suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà
trường chúng tôi không hề biết có những “Tràng Giang”, những “Màu tím
hoa sim”… Chỉ thoáng nghe có một số tác giả thơ mới với dòng văn học
lãng mạn.
Rồi
thống nhất đất nước. Lớp thanh niên chúng tôi từ chiến trường được quay
lại giảng đường học tập. Nhiều cấm kỵ trước kia cũng dần được mở ra.
Vào trường không chỉ được đọc mà phải học dòng văn học lãng mạn đó.
Chính trong những ngày này tôi được gặp nhà thơ Huy Cận. Ông đến khoa
Ngữ văn để nói chuyện về thơ. Trường Đại học Tổng hợp của chúng tôi ngày
đó thật đáng tự hào. Có lẽ đây là cái nôi sản sinh ra nhiều nhà khoa
học tự nhiên cũng như nhà văn nhà thơ của đất nước.
Tôi
đã từng nghe thầy giáo của mình nói về Huy Cận, giảng về thơ Huy Cận.
Tôi rất hâm mộ những người trẻ tuổi như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy
Cận, Hàn Mặc Tử... Các ông đã dám dấn thân, đã vượt qua cái giới hạn
chật hẹp của thể thơ truyền thống mà bao nhiêu năm đã từng ngự trị. Cùng
với chủ nghĩa tư bản vào Việt Nam, làn gió văn hóa tư bản cùng theo đó
mà thâm nhập. Là những người trẻ các ông đã đi tiên phong. Theo nhưng
không rập khuôn, theo nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc. Thế Lữ: Nhớ rừng, Cây đàn muôn điệu. Xuân Diệu: Vội vàng, Nguyệt cầm, Lời kỹ nữ. Huy Cận: Ngậm ngùi, Tràng giang. Lưu Trọng Lư: Tiếng thu. Hàn Mặc Tử: Đây thôn Vĩ Dạ, Mùa xuân chín. Nam Trân: Đẹp và Thơ - Cô gái Kim Luông. Chế Lan Viên: Thu...
Trong
thơ truyền thống, con người trở nên bé nhỏ, tan biến trong vũ trụ, hoặc
con người hướng tới cái thiêng liêng, cái siêu việt. Trong thơ của các
tác giả trẻ này là một sự khám phá về tình yêu về con người. Nói như
Hoài Thanh thì trong các nhà thơ mới đó, Xuân Diệu là người mới nhất.
Trong thơ Xuân Diệu, con người cá nhân được ý thức và khẳng định như là
trung tâm của vũ trụ, "Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất". Có thể nói,
đến Xuân Diệu, cái tôi cá nhân thực sự được giải phóng. Nhà thơ phát
biểu hết sức chân thành những cảm xúc thiết tha, mãnh liệt của trái tim
tràn đầy, cháy bỏng: Ta muốn ôm; Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn; Ta
muốn riết mây đưa và gió lượn; Ta muốn say cánh bướm với tình yêu; Ta
muốn thâu trong một cái hôn nhiều; Và non nước và cây và cỏ rạng; Cho
chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng; Cho no nê thanh sắc của thời
tươi; Hỡi Xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi.
Còn
Huy Cận cũng không kém cạnh gì. Đây là một tài thơ trẻ nhưng nói như
nhà phê bình Vương Trí Nhàn: Từ hồi tuổi mới 20 – 25 , Huy Cận đã biết
tạo cho thơ mình một vẻ đẹp khá già dặn. Cái tên Lửa thiêng, có
lẽ không hẳn đã hợp với các bài thơ trong tập, đơn giản là vì chất
thiêng ở đây còn thấp thoáng một vẻ phôi phai trần tục và khó lòng nói
là đã có được sắc thái riêng. Mà phù hợp hơn, khi muốn tìm ra cái phần
tinh hoa trong thơ Huy Cận lúc ấy, tôi muốn dùng chữ đẹp xưa, như tên
một bài thơ khác của ông.
Thật
vậy, nếu nhớ tới Xuân Diệu, luôn luôn ta nhớ cái líu ríu cuống quýt mau
với chứ vội vàng lên với chứ của ngày hôm nay thì giọng thơ Huy Cận
thật khoan thai trầm mặc, nó là tiếng nói của một nhà thơ luôn sống với
một quãng lùi để có thể nhìn mãi tận xa xưa.
Trong lần nói chuyện thơ với sinh viên Tổng hợp ngày ấy, tôi cứ nhớ mãi việc ông phân tích đoạn thơ: Em
đẹp bàn tay ngón ngón thon; Em duyên đôi má nắng hoe tròn; Em
lùa gió biếc vào trong tóc; Thổi lại phòng anh cả núi non.
Đó là khổ thơ trong bài thơ “Áo trắng” của ông. Ông nói rất say sưa,
phân tích rất kỹ tại sao cô gái lại lùa gió biếc vào trong tóc, tại sao
lại thổi lại phòng anh cả núi non. Cái hay chính là ở lùa gió biếc thổi
đến phòng anh. Thật ra tóc cô gái đã được gội bằng hương hoa rừng, hương
hoa đó làm đằm cả gió biếc. Hương hoa ấy là của núi non của thiên nhiên
hùng vĩ. Và cũng chính hương hoa đó không chỉ ủ cả thiên nhiên trời
đất, ủ cả núi cả non mà ý ở đây chính là tình cảm mà cô gái đã giành cho
chàng trai. Em đấy, vẻ đẹp của thiên nhiên đấy, cái thiên nhiên ấy chỉ
dành cho anh, gửi về anh tất cả... nhưng anh lại vô tình như vậy?
Ai
dám bảo thơ lãng mạn chỉ có trăng hoa tuyết núi sông, không góp phần
xây dựng lòng yêu nước? Chúng ta thử nhìn vào hoàn cảnh thực tại của
những năm 30 thế kỷ trước thì mới thấy dòng văn học đó có sắc thái
riêng, là sự phản kháng lại cái xã hội đương thời đầy u uất, ngột ngạt.
Trong một hoàn cảnh xã hội mà kẻ thống trị muốn xóa bỏ tất cả những gì
gọi là tự hào dân tộc, muốn nô dịch mọi người trong một thứ tư tưởng
vọng ngoại, sùng ngoại mê muội nhất, thì những câu thơ, bài thơ như thế
đúng là chứa chan tình cảm dân tộc, niềm tự hào dân tộc. Đặc biệt, đây
là những câu thơ hay, những bài thơ hay, tác dụng của chúng càng mãnh
liệt và bền vững hơn nữa.
Trong
thơ Huy Cận, nét nào của cảnh vật, dẫu tuyệt đẹp, vẫn phảng phất nỗi
buồn. Nhìn một xóm làng, một phiên chợ vừa tan, một bến đò, Huy Cận cảm
đến tận đáy lòng một nỗi sầu muộn mênh mang, nỗi cô đơn của thân phận
trước cái vô cùng của cuộc sống: Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu; Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều; Nắng xuống trời lên sầu chót vót; Sông dài trời rộng bến cô liêu (Tràng
giang) Mới ngoài 20 tuổi mà ông đã có những câu thơ thật tinh tế, thật
tuyệt diệu khi quan sát thiên nhiên: Nắng xuống, trời lên. Và cái cảnh
cảnh sầu chót vót thì thật tài tình, là đặc sản mang nhãn hiệu Huy Cận.
Cảnh trong bài Tràng giang của Huy Cận là một dòng sông. Dòng
sông ấy mênh mang và phảng phất buồn nhưng đẹp lắm, đẹp nhất là nó đã
gợi lên mối tình quê hương đằm thắm, tưởng rất nhẹ nhưng sâu thẳm và bền
bỉ vô cùng: Bèo dạt về đâu hàng nối hàng; Mênh mông không một
chuyến đò ngang; Không cầu gợi chút niềm thân mật; Lặng lẽ bờ xanh tiếp
bãi vàng…; Lòng quê dợn dợn vời con nước; Không khói hoàng hôn cũng nhớ
nhà.
Hôm
ấy ông phân tích rất say sưa làm chúng tôi quên cả chiều đã về chậm
chậm trên những tán lá của khu Mễ Trì yên tĩnh. Thực ra lần nói chuyện
ấy chúng tôi muốn biết rất nhiều, đằng sau những câu thơ, những bài thơ
ấy là cả những quan niệm sống, cả cuộc đời ẩn chứa và nhất là bóng dáng
những khuôn mặt tình yêu, những câu chuyện về mối tình gắn bó giữa ông
với nhà thơ Xuân Diệu, tuy nhiên thời gian ít, nhà thơ lại nói rất say
sưa nên chúng tôi không muốn cắt ngang cái cảm xúc đang trào dâng của
người thi sỹ. Đó cũng là lần gặp duy nhất của tôi với một nhà thơ lớn.
(Theo Vietnamnet.vn)