Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 30/08/2010 09:59
Để di sản tư liệu “sống” cùng xã hội
Mộc bản triều Nguyễn và bia đá tiến sĩ các khoa thi triều Lê - Mạc (1442-1779) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là hai di sản tư liệu (DSTL) quý hiếm đầu tiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận là DSTL thế giới. Kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị DSTL đã được hơn 100 chuyên gia trong nước, quốc tế trao đổi tại Hội thảo: "Bảo quản và phát huy giá trị các DSTL của Việt Nam" do Cục Văn thư lưu trữ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Bia đá các tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nguyệt Ánh
 
Lúng túng trong việc bảo quản
Ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định: 82 tấm bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) là minh chứng cho các giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục và là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tuyệt đẹp. Vấn đề bảo quản DS bia đá đã được trung tâm thực hiện từ năm 1994 bằng việc xây 2 dãy nhà gỗ che nắng mưa và cho dập các thác bản bia ra giấy. Các bản dập này đã được dịch ra tiếng Việt, tiếng Anh rồi in thành sách hoặc số hóa bằng công nghệ thông tin để lưu trữ, quảng bá. Tuy nhiên, do có quá nhiều người, đặc biệt là các sĩ tử đến xoa đầu rùa, sờ vào các tấm bia đá, thậm chí dùng vật cứng khắc lên bia, gây không ít ảnh hưởng đến hình dáng, mỹ quan và tuổi thọ của bia. Ông Đặng Kim Ngọc cho biết thêm: Trung tâm đã đưa ra hai giải pháp để bảo quản DS. Một là sử dụng kính chịu lực làm vách ngăn hai dãy nhà bia. Đây là cách bảo quản hữu hiệu nhất nhưng khách tham quan chỉ có thể đứng chiêm ngưỡng từ xa và không hài hòa với không gian cổ kính của DS. Giải pháp thứ hai là làm lan can bằng gỗ cao 1m quây xung quanh nhà bia. Giải pháp này hòa nhập hơn với cảnh quan nhưng không an toàn. Vì vậy, cả hai giải pháp này đến nay vẫn nằm im lìm trên giấy.

Không bức xúc như bia đá tiến sĩ, nhưng việc bảo quản mộc bản triều Nguyễn cũng đứng trước thách thức không nhỏ. Bà Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Lưu giữ quốc gia IV cho hay: 34.618 tấm mộc bản đang được lưu giữ tại trung tâm là cổ nhất và duy nhất còn lại ở Việt Nam, trong đó có cả bản khắc "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn, bài thơ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt, "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn, "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi… Song gỗ dùng làm ván khắc tài liệu mộc bản chủ yếu là gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo hay gỗ cây nha đồng nên rất dễ bị cong vênh, rêu mốc. Hơn thế, hiện nay lượng mộc bản còn "lưu lạc" trong dân gian khá nhiều, gây khó khăn cho công tác sắp xếp, nghiên cứu, bảo quản.


Ít được biết đến hơn nhưng kho tàng Kinh lá tại chùa Xvayton (An Giang) không kém phần độc đáo. Theo Hòa thượng Chau Ty, người đã hơn 40 năm gắn bó với việc viết Kinh lá thì kho tàng vô giá này có "tuổi thọ" hơn 400 năm, do một vị sãi của chùa khởi xướng chép lại kinh Phật truyền cho đời sau. Đáng buồn là ở Việt Nam hiện nay, Hòa thượng Chau Ty là người duy nhất biết viết Kinh lá, nhưng Hòa thượng đã ở tuổi "cổ lai hy" mà vẫn không tìm được người để truyền dạy…


Có thể làm di sản hòa mình với xã hội bằng dịch vụ có lợi

DSTL chính là báu vật của mỗi dân tộc, là nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc đó, cho nên dứt khoát phải bảo tồn và phát huy giá trị. Song làm thế nào để các DSTL phát huy giá trị một cách tốt nhất là trách nhiệm không chỉ của những người làm công tác lưu trữ mà phụ thuộc không nhỏ vào cơ chế chính sách và ý thức bảo vệ DS của mỗi người dân - bà Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ khẳng định.

Nhất trí với quan điểm trên, ông Antonia Heredia, cán bộ lưu trữ người Tây Ban Nha đưa ra ví dụ thực tế. Đó là trong suốt một thời gian dài Chính phủ Tây Ban Nha coi công tác bảo quản DSTL là nhiệm vụ chủ yếu của cán bộ lưu trữ dưới hình thức xếp vào kho. Hậu quả là nhiều DSTL quý giá bị mất dần và công chúng thì hầu như không có cơ hội được tìm hiểu DS. Khoảng 20 năm trở lại đây, Chính phủ Tây Ban Nha coi công tác bảo quản DSTL là một dịch vụ có lợi nhuận và có chính sách "đỡ đầu" cho dịch vụ đặc biệt này. Cơ chế thoáng đó đã giúp những người làm công tác bảo quản DSTL tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, biết chọn lựa những DS thực sự có giá trị mang ra để "kinh doanh" thông tin, tư liệu. Các DSTL quý hiếm cũng vì thế mà được bảo quản ngày càng tốt hơn, còn những DS ít giá trị dần bị loại bỏ… Từ đó, ông Antonia Heredia cho rằng, sự lúng túng trong việc bảo quản các DSTL ở Việt Nam sẽ được khắc phục nếu Chính phủ có chính sách "đỡ đầu" hợp lý.


Đồng ý rằng phải có sự quan tâm từ cấp vĩ mô, song ông Kwi-Sunsi, chuyên gia nghiên cứu lịch sử, lưu trữ quốc gia Hàn Quốc nhấn mạnh tới công tác quảng bá giá trị các DSTL. Ông cho biết: Hàn Quốc đã dựng rất nhiều phim dựa trên nội dung các tài liệu lưu trữ cổ, ví dụ như phim truyền hình nổi tiếng "Dea jang geum", Dong-I lấy tư liệu từ "Biên niên sự kiện triều đại Joseon". Bên cạnh đó, hằng năm, Hàn Quốc còn tổ chức các cuộc thi sáng tác, tìm kiếm chủ nhân tài liệu, tổ chức các nghi lễ, chương trình truyền thông cất giữ tài liệu nhằm giáo dục ý thức bảo vệ DS cho nhân dân. Nhờ đó, 7 DSTL của Hàn Quốc đã được UNESCO vinh danh không chỉ phát huy tốt giá trị mà còn góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, mang lại nguồn thu hàng triệu USD mỗi năm. Còn ở Trung Quốc, "nhà nước thành lập các kho lưu trữ đặc biệt, thực hiện quản lý ở các cấp khác nhau, thành lập các trung tâm tra cứu danh mục, ban hành và hoàn thiện luật và các quy định về bảo quản tư liệu lưu trữ" - ông Li Chen, Trưởng phòng Nghiệp vụ kho lưu trữ, Tổng cục Lưu trữ Nhà nước Trung Quốc cho hay. Cách làm này đã giúp thế giới biết đến Trung Quốc như là một "cường quốc" về di sản văn hóa nói chung, DSTL nói riêng.


Đây là những kinh nghiệm quý mà Việt Nam có thể học tập, nghiên cứu để phát huy tốt hơn nữa giá trị các DSTL của đất nước mình.

 
Bà Hoàng Thị Hoa, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Giang cho biết: Bộ hồ sơ Mộc bản Kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, Yên Dũng, Bắc Giang) gửi đến UNESCO từ ngày 31-3-2010 ứng cử là DSTL thế giới đã qua vòng thẩm định 1. Nếu được công nhận vào năm 2011 thì đây sẽ là DSTL thứ 3 của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Kho mộc kinh này được khắc vào thời nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hiện còn hơn 3.000 bản lẻ thuộc các thể loại: kinh, luật giới, trước tác nhà phật, sách thuốc… chứa đựng thông tin đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng văn hóa hành đạo, nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm.




(Theo Hanoimoi.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)