Vở chèo “Cao Bá Quát”: Tái hiện hình tượng kẻ sĩ Bắc Hà
Nhà hát Chèo Hà Nội vừa cho ra mắt vở "Cao Bá Quát” hôm 26 và 27-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là một vở được đầu tư khá nhiều cả về công sức và tiền của, đồng thời cũng là một trong 6 vở mừng Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi của các nghệ sĩ chèo Thủ đô.
 |
Cảnh trong vở chèo “Cao Bá Quát”. Ảnh: Thu Thu |
Không đi vào lối mòn
Lấy những sự kiện có thật trong cuộc đời Cao Bá Quát, vở diễn xây dựng
hình tượng kẻ sĩ Bắc Hà văn hay chữ tốt, chí khí ngang tàng, tấm lòng
ngay thẳng, hết lòng yêu dân. Thầy đồ Cao Bá Quát đã thể hiện khí phách
của mình khi không phân biệt trò nghèo hay con quan, thẳng tay trừng trị
học trò Đỗ Lưu (là con quan Đỗ Tính). Cũng chính thầy Cao không thèm
nhận bạc vàng châu báu đút lót của Đỗ Tính để chấm tốt cho bài thi của
Đỗ Lưu khi thầy làm quan sơ khảo trường thi tại Huế. Chấm những bài thi
của học trò tốt nhưng có lỗi phạm húy, thầy Cao đã lấy muội đèn hòa rượu
làm mực để chữa lỗi cho trò giỏi...
Cũng là một vở chèo được đầu tư tiền tỷ để dàn dựng, cũng NSND Doãn
Hoàng Giang làm đạo diễn, NSƯT Quốc Anh thủ vai chính, cũng là một vở bi
kịch về cuộc đời một danh sĩ đất Bắc, nhiều người đã lo ngại "Cao Bá
Quát" không vượt qua cái bóng lớn của vở "Oan khuất một thời". Nhưng mỗi
vở một vẻ. Nếu như người xem "Oan khuất một thời" khâm phục chí khí
Nguyễn Trãi, thương cảm cho nỗi oan Ức Trai trong vụ án Lệ Chi Viên thì
người xem "Cao Bá Quát" được thưởng thức những vần thơ đầy cốt cách,
ngang tàng của Cúc Đường.
"Gia vị" trong vở bi kịch
Nếu như "Oan khuất một thời" đánh dấu một sự thành công của Quốc Anh
trong vai Nguyễn Trãi thì "Cao Bá Quát" ghi nhận thêm sự thành công của
hề chèo Xuân Hinh. Trong vở diễn, NSƯT Xuân Hinh đóng một vai thứ chính -
học trò Thân, một học trò dốt nhưng lém lỉnh, trung nghĩa của thầy Cao.
Luôn đi cùng thầy từ khi trong trường học, lên kinh ứng thí, vào nhà
giam rồi vào sinh ra tử cùng thầy trong cuộc khởi nghĩa, mỗi lần học trò
Thân xuất hiện là tiếng cười giòn giã lại lan rộng khắp khán đài. Cùng
với những vần thơ của "thánh" Quát, khán giả được dịp cười thỏa thuê với
những câu nhận định về đời, về người của trò Thân. Sẽ không quá khó
khăn cho Xuân Hinh khi tham gia vai diễn này, bởi đóng một vai mang dáng
dấp hề chèo vốn là sở trường của anh. Trong vở này, Xuân Hinh còn làm
cho khán giả cười nghiêng ngả khi diễn rất ngọt vai Thị Màu trong đoạn
đoàn nghĩa binh giả làm gánh hát chèo để trà trộn vào nhà Đỗ Tính. Vai
diễn của Xuân Hinh cũng giúp vở "Cao Bá Quát" tránh được cái không khí
quá buồn bã, bi lụy.
Một nhân vật thứ chính nữa cũng gây ấn tượng là học trò Nghĩa của thầy
Cao, đồng thời là người đỗ đầu khoa thi năm 1841 của triều Nguyễn ở Huế.
Quốc Phòng được đạo diễn khai thác tối đa giọng hát khi vào vai này,
mỗi lần Nghĩa xuất hiện là khán giả lại được thưởng thức những điệu chèo
rất "ngọt". Chàng trai này khiến vở diễn thoát khỏi nguy cơ "kịch" hóa
khi càng ngày càng có nhiều vở chèo mà diễn viên nói nhiều hơn hát.
Vở "Cao Bá Quát" sẽ tiếp tục bán vé diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong
tháng 9 và dự kiến sẽ có các suất diễn liên tục tại rạp Đại Nam (89 Phố
Huế) - trụ sở mới sắp khánh thành của Nhà hát Chèo Hà Nội, vào dịp Đại
lễ.
(Theo Hanoimoi.com.vn)