Lúa Thành Dền là lúa Khang dân
Ngày 31-8, các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành: Nông học, Khảo cổ học, Cổ nhân học đã có buổi tọa đàm về hình thái của 9 cây lúa mọc từ những hạt thóc lấy từ hố khai quật tại di chỉ Thành Dền (huyện Mê Linh, Hà Nội) hồi tháng 5-2010. Kết quả phân tích cho thấy "lúa cổ" tìm thấy ở tầng văn hóa Đồng Đậu cách đây 3.000-3.500 năm là giống lúa hiện đại.
|
Thực hiện việc khai quật tại hố khảo cổ Thành Dền. |
Tiến sĩ Lưu Minh Cúc (Viện Di truyền nông nghiệp) đã công bố kết quả
phân tích chuyên sâu bằng phương pháp AND sử dụng chỉ thị SSR, còn gọi
là chỉ thị vi vệ tinh, có độ tin cậy cao cho thấy 2 cây lúa cổ đưa vào
phân tích và cây lúa đối chứng thuộc giống Khang dân có nhiều đặc điểm
giống nhau.
PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, người chủ trì cuộc khai quật Thành Dền khẳng
định sự tin tưởng vào cách khai quật và lấy mẫu của thành viên đoàn khảo
cổ. Với diện tích hố đào là 300m2, hiện vật thu được ở đây gồm nhiều
loại đồ gốm, đồ đá, đồ đồng… có niên đại cách đây khoảng 3.000-3.500
năm. Đáng lưu ý, trong hố rác bếp, các nhà khoa học thu được nhiều vỏ
trấu, gạo cháy và 18 hạt thóc nảy mầm. Quá trình này đều được quay phim
và ghi chép tại chỗ. Khi xem xét lại hiện trường, đoàn khai quật không
nhận thấy những dấu vết của sự xáo trộn tầng văn hóa tại di chỉ Thành
Dền...
GS-TS Trần Duy Quý, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam
cho rằng, quá trình lấy mẫu và bảo quản còn sơ suất. Theo đó, những hố
khai quật ở Thành Dền không được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hàng rào, phía
trên không có mái che nên rất có khả năng chim hoặc chuột tha đến. Đối
với giống lúa bình thường để trong điều kiện tự nhiên thì sau 4-5 năm là
mất sức nảy mầm hoàn toàn và bảo quản trong điều kiện ni tơ lỏng thì
tuổi nảy mầm tối đa là 50-60 năm. Bởi vậy, khả năng đây là lúa 3.000 năm
tuổi hoặc hơn thế là rất khó xảy ra. "Trên thế giới người ta cũng đã
phát hiện ra những hạt sen nằm sâu trong lòng đất đến 400-500 năm mà vẫn
nảy mầm. Đối với họ lúa, ngô, đậu thì điều này rất khó xảy ra" - TS
Trần Duy Quý nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, về cơ
bản, 10 hạt thóc phát lộ tại Thành Dền giống với lúa hiện đại Khang dân
18. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu khảo nghiệm DUS để khẳng
định lần cuối, phân tích AND của tất cả các dòng lúa Thành Dền, phân
tích các chỉ tiêu hình thái sinh lý, sinh hóa của các dòng lúa Thành
Dền. Kết quả này cũng sẽ kết hợp với kết quả phân tích AMS từ Nhật Bản
để cho kết luận cuối cùng.
(Theo Hanoimoi.com.vn)