Kỷ niệm 90 năm ngày sinh danh họa Bùi Xuân Phái (1-9-1920/1-9-2010): Giai thoại Phố Phái
Xưởng vẽ bé nhất thế giới
Nhiều người khi xem tranh Phố Phái thường tự hỏi, sao
tranh của ông, cái nào cũng nhỏ mà quá hiếm hoi để tìm thấy một tác phẩm
có kích thước hoành tráng và đồ sộ. Và Hà Nội trong tranh của ông
thường vắng lặng, ít người đến lạnh lẽo, đơn độc như một tiếng thở dài.
Ngọn nguồn của những suy tư trên được bắt nguồn từ “xưởng vẽ bé nhất thế
giới” chỉ rộng 1m2 dành làm nơi làm việc của hoạ sỹ Bùi Xuân Phái tại
căn nhà số 87 phố Thuốc Bắc. Ngày ông còn sống, cả gia đình 7 người đều
chung sống trong một diện tích chật hẹp rộng chừng 24m2. Vì thế, danh
hoạ chỉ được bày biện khung tranh, màu vẽ trong phạm vi ở chiếc ghế
bành, còn nếu ông bày ra ngoài phạm vi ấy, các thành viên trong gia đình
sẽ giúp ông dọn gọn lại. Vì vậy, ông không thể thực hiện được tác phẩm
có kích thước lớn trong khuôn viên quá nhỏ. Khi nào muốn vẽ tranh khổ
lớn, ông lại mang màu vẽ, giá vẽ ra ngoài sân. Nhưng đó là sân chung của
cả xóm, nên trẻ con thường kéo đến quấy phá và lấy trộm đồ vẽ của ông.
 |
Còn sự cô đơn, man mác buồn trong tranh của ông lại đến
từ một tâm hồn nhạy cảm, sống trong một thế giới riêng. Cả cuộc đời hoạ
sỹ không phải vất vả, bươn chải vì cuộc sống mưu sinh mà bao thời gian,
sức lực và tâm huyết đều được ông dành hết cho nghệ thuật. Những chuyện
cơm áo, gạo tiền đã có bà Phái đứng ra lo liệu. Vì thế, ông có được cái
nhìn rất lãng đãng về Hà Nội, không ám màu đen sạm của cuộc đời. Phố
trong tranh ông trong trẻo, nhẹ nhàng, không ồn ào mà vắng lặng. Và
người ta có cảm tưởng như chỉ có ông mới có thể nghĩ ra được những con
phố đặc biệt đến như vậy.
Những năm tháng Hà Nội vất vả, gian khó. Dù khó khăn
đến mấy, nhưng ông luôn được các thành viên trong gia đình dốc toàn lực
để tạo điều kiện cho ông sáng tác. Khi mà việc nhai hạt bo bo đến trẹo
cả xương hàm đã cho thấy sự khó khăn của cả một thời kỳ bao cấp thì ông
vẫn có được một bát cơm trắng. Ngoài nguồn thu nhập chính do bà Phái
kiếm được từ công việc của một y tá, họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng thể hiện
vai trò trụ cột trong gia đình bằng việc kiếm tiền từ việc vẽ tranh minh
hoạ trên các báo. Tranh của hoạ sỹ khi ấy không nổi tiếng như ngày nay
và việc mua tranh chỉ trông chờ vào 2 người sưu tập chính là ông Đức
Minh và ông Lâm. Tuy nhiên, số lượng tranh bán được chẳng là bao. Ông cứ
vẽ xong rồi lại xếp đấy. Còn Bảo tàng Mỹ thuật thời kỳ đó lại không tìm
mua tranh của ông.
Lời hứa còn dang dở
Ông Bùi Thanh Phương, con trai hoạ sỹ Bùi Xuân Phái kể
lại rằng hoạ sĩ Bùi Xuân Phái là người kiệm lời, đi lại nhẹ nhàng, ông
chỉ nói khi đàm đạo về nghệ thuật cùng những người bạn của mình. Ông
sống rất có trách nhiệm với gia đình. Có một lần, nhà thơ Vũ Đình Liên
đến chơi nhà và hỏi họa sỹ Bùi Xuân Phái một câu: “Anh Phái, lý tưởng
sống của anh là gì?”. Nghĩ ngợi một lát, ông Phái thủng thẳng đáp “Lý
tưởng sống của tôi là làm cho mọi người vui”. Và ngẫm ra, điều này đã
được ông tôn chỉ trong suốt cuộc đời mình. Với những đứa con, ông chịu
khó, tỉ mỉ làm từng con rối, rồi diễn trò, kể chuyện cho các con vui.
Còn với người vợ tần tảo của mình, ông biết bà là người
phụ nữ nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó, phải thương chồng lắm, bà mới
chịu được đám bạn văn nghệ của ông thường lui tới với những cuộc đàm đạo
thâu đêm suốt sáng và những trận tranh luận về cái đẹp không có hồi kết
thúc. Ông thường động viên bà: “Bà yên tâm, sau này tôi chết, bà sẽ
giàu có lắm đấy”. Bà Phái không phải là người am hiểu về nghệ thuật
nhưng bà hiểu công việc của ông nên lúc đó chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Không ngờ, ông Phái lại có khả năng tiên liệu chuyện hậu thế và quả thật
những bức tranh ông vẽ giờ đây đã trở thành những viên ngọc quý.
Vào thời hoạ sỹ Bùi Xuân Phái còn sống, việc thuê người
mẫu để vẽ có lẽ là chuyện nghiêm trọng và hy hữu. Vì thế, bà Phái đã
trở thành người mẫu đắt giá nhất của ông. Bà xuất hiện nhiều nhất trong
các tác phẩm của ông vẽ về người phụ nữ. Ông vẽ bà cả ở tư thế nằm ngủ,
đang đêm, ông tỉnh dậy, bật đèn sáng choang và hý húi ký hoạ.
Đi đâu ông cũng đem theo quyển sổ nhỏ và cây bút chì,
thấy người phụ nữ nào có một tư thế đẹp, ông ghi chép lại rồi từ đó sáng
tác dựa trên các mẫu vẽ. Dưới con mắt nhìn và cách cảm nhận của ông,
chân dung có thể được vẽ theo cách riêng, được cách điệu đi. Bức chân
dung cuối cùng ông vẽ bà Phái đã không tuân theo quy tắc này. Ông muốn
vẽ bà theo cách mộc mạc, giản đơn để chiều lòng một người phụ nữ không
am hiểu nhiều về nghệ thuật, để bà có thể dễ cảm thụ được. Nhưng bà Phái
cũng hiểu điều này và muốn ông vẽ lại bức chân dung của bà theo đúng
cách hàng ngày ông vẫn vẽ đầy chất mạnh mẽ, ma lực. Nhưng bức tranh đó
mãi mãi vẫn là lời hứa khi ông vội vã ra đi mà ý nguyện chiều lòng vợ
vẫn còn dang dở.
Sự lặng lẽ và cô đơn trong tranh Phố Phái.
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của họa sĩ Bùi Xuân Phái,
hôm qua, 31-8, một đoạn tranh gốm được chuyển thể từ 9 bức tranh sơn
dầu của ông đã được Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội khánh thành, nối tiếp
cho bức tranh muôn màu trên Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Đoạn tranh
dài 19m, cao 1,5m được gắn tại tường đê ở giữa ngã ba, Nghi Tàm - Âu Cơ -
Yên Phụ. Đây là những bức tranh vẽ phố cổ Hà Nội trong 4 mùa, đó là khi
mùa xuân phủ một tấm voan mỏng trên tường nhà và những ô cửa sổ, đó là
khi ánh nắng mùa hạ hắt qua ô cửa sổ, trải trên những mái ngói rêu
phong, đó còn là hình ảnh của mùa thu nhuộm vàng cả dãy phố và đó cũng
là hình ảnh phố Hà Nội chìm trong màu ghi xám của mùa đông, phủ những
nét buồn đến nao lòng trên nhưng căn nhà cũ kỹ, trên những ngõ nhỏ rẽ
ngang...
Quỳnh Vân |
(Theo Anninhthudo.vn)