Trong bộ quân phục, nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Hòa
(quận Tây Hồ, Hà Nội) nghẹn lời ngay khi vừa đứng lên phát biểu. "Tôi
không biết nên khóc hay nên cười lúc này. Sáng nay trước khi ra khỏi nhà
tôi vừa nhận được lời hăm dọa sẽ cắt gân chân, gây tai nạn nếu cứ tiếp
tục chống tham nhũng", bà Hòa trải lòng.
Nữ cựu chiến binh này cho biết, kể từ khi tố cáo sai
phạm trong quản lý đất đai tại khu vực hồ Tây, bà luôn bị rình rập hãm
hại. Nửa đêm bà liên tục bị kẻ nặc danh gọi điện thoại khủng bố tinh
thần dọa giết, con cái đi đường bị chặn xe, dọa nạt. Thậm chí vào ngày
Tết, nhà bà bị đổ phân, ném chuột chết vào.... Mới đây nhất, một quả mìn
đã "xuất hiện" trước cửa nhà.
Ba vụ việc bà tố cáo, cơ quan chức năng vào cuộc xác
định là có sai phạm. "Nhiều tháng trôi qua, tôi vẫn không thấy xử lý
người vi phạm. Một số cán bộ bị xác định liên quan thậm chí còn được lên
chức cao hơn", nữ cựu chiến binh trăn trở.
Những chuyện bà Hòa gặp phải cũng "vấn đề" mà nhiều
người trong số 88 cá nhân có thành tích chống tham nhũng trong cả nước
đang đối mặt. Câu chuyện về hành trình chống tham nhũng của ông Phùng
Chí Công (Chánh văn phòng HĐND và UBND quận Ô Môn, Cần Thơ) là điển
hình.
 |
Các cá nhân điển hình được tặng bằng khen. Ảnh: TTXVN. |
Chia sẻ tại hội nghị, ông cho biết vì đấu tranh chống
tiêu cực ở địa phương mà ông bị cô lập ở cơ quan, không được giao việc;
con tốt nghiệp đại học nhưng không cơ quan nào dám nhận... Gia đình bị
khống chế kinh tế, khủng bố tinh thần...
Hơn 10 năm lăn lộn chống tham nhũng, ông Công nhận
thấy: "Tôi rất buồn khi phải nói lên thực tế phũ phàng này. Bình thường,
lãnh đạo quận, thành phố phát biểu về chống tham nhũng mà không liên
quan tới đơn vị, cá nhân mình thì rất hùng hồn. Nhưng khi có người nêu
các vụ việc tham nhũng trong đơn vị quản lý thì lại thấy khó chịu, không
thiện cảm cho rằng suốt ngày không lo làm việc chỉ đi "bới móc" gây mất
đoàn kết, làm mất thi đua của cơ quan".
Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống
tham nhũng Vũ Tiến Chiến thừa nhận: "Đặc thù của đối tượng tham nhũng
là người có chức vụ quyền hạn. Do vậy, hình thức trả thù cũng rất tinh
vi, không phải chỉ trong trước mắt mà còn lâu dài; không chỉ bằng bạo
lực mà còn thông qua nhiều hình thức tinh vi khác".
Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, vất vả, những "anh hùng"
như bà Hòa, ông Công vẫn không nản lòng, quyết đấu tranh vì công lý.
"Số người dám trực diện đấu tranh chống tham nhũng ngày càng tăng...
Nhiều người thậm chí chấp nhận hy sinh, nguy hiểm, đối đầu với thế lực
tham nhũng", ông Vũ Tiến Chiến nhận xét.
Trong 88 gương điển hình được vinh danh hôm nay 46 cá
nhân đã góp công lật tẩy các phi vụ ăn hối lộ của "quan tham". Điển hình
là bà Nguyễn Thị Nhã (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tố cáo cán bộ địa chính
xã Tân Triều nhận 160 triệu đồng để làm sổ đỏ; hay ông Phan Huy Hóa
(Giám đốc Công ty TNHH Tràng Tiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tố giác
hai cán bộ thuế quận Hòa Kiếm đòi và nhận hối lộ 145 triệu đồng.
Gần đây nhất là vụ ông Hoàng Văn Khánh (Tổng giám đốc
Công ty Cổ phần dệt may xuất khẩu Hải Phòng) tố cáo và cộng tác với Công
an Hà Nội bắt quả tang ông Đoàn Tiến Dũng (Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư phát triển VN) đòi, nhận hối lộ tiền tỷ.
42 "anh hùng" còn lại là những người đã tham gia phát
hiện, đấu tranh với nhiều hiện tượng tiêu cực. Trong số này có 8 nhà báo
gồm: ông Phạm Việt Dũng (Tổng biên tập Cổng thông tin điện tử Chính
phủ), ông Phan Thanh Hải (văn phòng miền Trung báo Lao Động), bà Cao Thị
Lan Phương (báo Cần Thơ)...
(Theo Vnexpress.net)