Từ huyền ảo đến triết học
Cách đây đúng một năm, Phan Hồn
Nhiên, nhà văn trẻ nổi tiếng với những tác phẩm về việc lập nghiệp, tình
yêu và cuộc sống của các bạn trẻ trong xã hội hôm nay, bỗng gây bất ngờ
với một tác phẩm hoàn toàn khác lạ nhan đề Những đôi mắt lạnh.
Ngay khi xuất hiện, tác phẩm này
đã gây ngạc nhiên, một phần vì sự tham gia vào trào lưu sáng tác truyện
huyền ảo (fantasy) đang trở lại, phần khác chính là ở cách thể hiện
tranh minh họa đầy ấn tượng theo phong cách hiện đại. Sự thành công của
tác phẩm này là một điều bất ngờ, vì như chính tác giả nhận xét, tác
phẩm vốn chỉ là một thể nghiệm trong lúc nghỉ ngơi sau các sáng tác quen
thuộc.
Thừa thắng xông lên, giữa năm 2010, Phan Hồn Nhiên lại tiếp tục cho ra mắt một tác phẩm huyền ảo khác với nhan đề Chuỗi hạt Azoth,
phần thể hiện hình ảnh vẫn do Phan Vũ Linh thực hiện. Lần này, vẫn với
cốt truyện pha lẫn giữa thế giới hiện thực và thế giới huyền bí, nhưng
cả Hồn Nhiên và Vũ Linh đều đã thể hiện sự “lên tay” của mình. Sự lên
tay này được thể hiện rõ nhất qua sự gắn kết hoàn chỉnh hơn giữa các bức
tranh và nội dung văn học.
Nếu ở Những đôi mắt lạnh,
các bức tranh chỉ mới chớm vượt qua mức minh họa để góp một phần trực
tiếp vào nội dung tác phẩm tạo ấn tượng với người đọc, thì đến Chuỗi hạt Azoth,
tranh đã trở thành một phần của truyện, các miêu tả của nhà văn được
giảm bớt ngôn từ vì đã có hình ảnh ấn tượng đi kèm. Không những thế, có
nhiều đoạn miêu tả nội tâm giống như trong điện ảnh, hình ảnh đã góp sức
thêm cho cảm nhận của độc giả.
Khó có thể nói đây là một cách làm
hay nhất đối với một tác phẩm văn học, tuy nhiên với thói quen đọc và
nhìn như hiện nay, cách làm của Phan Hồn Nhiên và Phan Vũ Linh rõ ràng
tạo nên một gia vị mới lạ và hấp dẫn cho món ăn văn hóa đọc vốn gần đây
khá đơn điệu.
Nếu Chuỗi hạt Azoth nhắm hẳn vào độc giả tuổi mới lớn thì Đi tìm hoang dã (ảnh)
của nhà văn trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên lại rất khó để kết luận phù hợp cho
lứa tuổi bạn đọc nào. Nếu nhìn vào hình thức, hẳn ai cũng nghĩ đây là
một tác phẩm dành cho lứa tuổi nhi đồng với hình vẽ đầy dí dỏm hai con
bò đang tung tăng ngay trên bìa sách.
Thế nhưng, chỉ cần đọc qua cái tựa
nhỏ thì cảm giác sách dành cho thiếu nhi vụt tan biến: “Câu chuyện về
hai con bò khù khờ thích triết lý!”. Triết lý, quả là một món khó nhai
cho trẻ em. Mở trang sách ra, cảm giác sách cho thiếu nhi lại quay lại
với các bức tranh minh họa dễ thương.
Nhưng lại một lần nữa, cảm giác
này như vụt tan biến khi ta bắt đầu đọc sách: “Trước vũ trụ bao la,
thiên nhiên vô tư, một con bê khác gì một trẻ sơ sinh và một con bò bô
lão, lưng trầy trụa, đầy thương tích thì có khác gì một người già đã
kinh qua đủ những “trận mạc” cuộc đời cơ chứ?”.
Những câu văn châm biếm, ẩn dụ,
phiếm chỉ như thế xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm và quả là không mấy
ngạc nhiên khi nhiều bạn đọc sau khi đọc xong Đi tìm hoang dã đã phải thốt lên: “Một tác phẩm dành cho người lớn trong chiếc vỏ thiếu nhi”.
Và tác giả, dù đã rất tự tin khi
cho rằng tác phẩm của mình “Phù hợp cho bạn đọc từ 8 tuổi đến 88,8 tuổi”
(nhại câu khẩu hiệu của truyện Tintin “Từ 7 đến 77 tuổi”) cũng đã phải
thừa nhận: “Đây là tác phẩm đầu tay của tôi dành cho thiếu nhi, dĩ nhiên
không thể tránh khỏi sơ suất…”.
Lạc quan vào tuổi trẻ
Tuy nhiên, nếu phải nhìn nhận vào
những trường hợp như Phan Hồn Nhiên hay Nguyễn Vĩnh Nguyên, bất cứ ai
dẫu khó tính nhất cũng phải thừa nhận, các nhà văn trẻ của chúng ta đang
chuyển mình với những tín hiệu đầy lạc quan.
Nếu nhìn vào hình thức thì có vẻ
Phan Hồn Nhiên đi vào huyền ảo, hay Nguyễn Vĩnh Nguyên dí dỏm cho thiếu
nhi, đã thoát ly cái phong trào viết tâm lý hiện thực mà nhiều nhà văn
trẻ say sưa bấy lâu nay.
Thực tế ngược lại, họ vẫn gắn chặt
với cuộc sống quanh họ, với vốn sống của chính họ. Không ru ngủ, chạy
trốn như nhiều người lầm tưởng. Cái huyền ảo của Hồn Nhiên chính là đi
vào trào lưu đọc thịnh hành nhất hiện nay của giới trẻ, vốn tồn tại gần
cả chục năm nay nhưng giới sáng tác trong nước gần như bỏ quên, họa hoằn
lắm mới có tác phẩm thuộc thể loại này xuất hiện.
Bước đi của Hồn Nhiên với sự hỗ
trợ của Vũ Linh đã có những thành công bước đầu, dù phía trước con đường
còn rất dài, nhưng ít nhất nó cũng đã có sự khởi đầu từ nhà văn trẻ.
Còn
thông qua cái vỏ dường như cho thiếu nhi của Nguyễn Vĩnh Nguyên thì
thực chất chính là một cách khác để nói về những vấn đề thời sự hôm nay.
Nếu coi Đi tìm hoang dã là một tác phẩm thiếu nhi thì có thể đó
là một tác phẩm thất bại, nhưng nếu nói đây là một tác phẩm dành cho
người lớn, phản ánh những vấn đề về cuộc sống của người trưởng thành hôm
nay, thì đây là một tác phẩm hay.
Ở góc độ này có thể xem Đi tìm hoang dã là một cách thể hiện khác, nhẹ nhàng hơn, gần gũi hơn so với những tác phẩm phản ánh hiện thực khác.
Văn
học trẻ trong nước với những Dili, Trương Anh Quốc, Phan Hồn Nhiên,
Nguyễn Vĩnh Nguyên… đang chứng tỏ một sự thay đổi đáng kể. Rời xa sự ủy
mị, các nhà văn trẻ Việt Nam đang tìm cho mình những con đường mới, khó
có thể nói ai sẽ thành công nhưng ít nhất sự can đảm, dám nghĩ dám làm
của họ cũng đã đem đến những tín hiệu đầy lạc quan cho một tương lai đa
dạng của văn học trong nước.
(Theo Sggp.org.vn)
|