Thứ hai, 13/09/2010 09:30
Lễ hội Thơ lục bát Canh Dần 2010: Tôn vinh thơ dân tộc
Báo Người Hà Nội, Báo Người cao tuổi, CLB Thơ Việt Nam, website lucbat.com… vừa cùng "kiến tạo" một cuộc chơi thơ vui vẻ và rôm rả cho hàng nghìn người yêu thơ, sáng tác thơ từ khắp nơi tụ về Hà Nội.

Giao lưu tại lễ hội thơ.
Dâng hương, tổng kết, trao thưởng thi
thơ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, trưng bày các panô tác giả thơ và cuốn
sách kỷ lục "Tinh hoa lục bát", phát hành ấn phẩm "Lộc phát Canh Dần",
gặp gỡ, giao lưu các tác giả thơ lục bát, dự thi sáng tác thơ lục bát tứ
tuyệt tại chỗ, ký tên hưởng ứng nguyện vọng tôn vinh thơ lục bát là di
sản thế giới…, nhiều hoạt động đã diễn ra trong ngày hôm qua 12-9 tại
Trung tâm Triển lãm VHNT VN số 2 Hoa Lư, Hà Nội.
Cùng đến và tạo nên không khí sôi nổi, rôm rả ở đây có khoảng 2.000 hội
viên CLB thơ Việt Nam từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với đó là
hàng trăm hội viên các CLB thơ, chiếu thơ khác như thơ Đường UNESCO,
thơ Tháp Bút Hà Nội, CLB Văn nghệ người cao tuổi Hà Nội, các diễn viên
văn nghệ quần chúng từ Bắc Ninh, Hà Nam… Nhiều người ngắm các panô thơ
với ảnh nhiều tác giả được treo khắp nơi hoặc xúm lại chiêm ngưỡng cuốn
"Tinh hoa lục bát" khổ lớn của tác giả Đậu Phi Hùng và nhóm thư pháp từ
Cam Ranh - Khánh Hòa. "Góc thơ" của tác giả Văn Thùy từ Hưng Yên được
khá nhiều bạn thơ tập trung đọc, bình và tặng nhau tác phẩm. Ông Văn
Thùy còn cất công chép tay ra một tập thơ rồi photo nhiều bản và đề thư
pháp quốc ngữ tặng bạn bè.
Phần đông những người tham dự mà đa số trong đó đã ở tuổi ông bà, đều tỏ
ra vui mừng, phấn khởi vì có một sân chơi để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi
sáng tác, mặc dù nếu nói về chất lượng thì "thơ các cụ" cũng thật
"khiêm tốn"! Tuy nhiên, cũng có những suy nghĩ nghe ra rất hồn nhiên,
chân thành và vui vẻ. Bác Đình Quỳnh ở phường Phú Lãm, quận Hà Đông bộc
bạch: Chúng tôi không thích thơ mới, thơ theo kiểu Tây, như Trần Đăng
Khoa nói, chẳng khác thơ dịch sổi. Cái này (lục bát) mượt mà, sâu sắc,
dễ nhớ, lại mang hồn ông bà mình xưa. Bác Lê Thế Hùng - Phó Chủ tịch
Thường trực CLB Thơ Việt Nam tâm sự, lục bát như lời mẹ ru thuở ấu thơ.
Chúng tôi mong muốn thơ lục bát sẽ được gọi là quốc thi! Bác Lê Đăng
Khoa ở Thanh Hóa "khoe" giải ba thơ Đường luật toàn quốc và kể: Năm
ngoái tôi vào dự trong Thừa Thiên Huế, cũng được đánh giá cao đấy! Được
biết, nhiều cụ mải mê với thơ và sinh hoạt thơ như một món ăn tinh thần
không thể thiếu. Đó cũng là liều thuốc hữu hiệu cho tâm hồn, sức khỏe
nhiều bậc cao niên và đối với con cháu thì đó quả là một điều tuyệt vời!
Những người tổ chức Lễ hội Thơ lục bát Việt Nam mong sự kiện này sẽ diễn
ra hằng năm vào ngày 6 tháng 8 âm lịch, qua đó cổ xúy lòng yêu thơ ca
dân tộc, niềm hứng thú thưởng thức và sáng tác thơ lục bát như một sự
giữ gìn vẻ đẹp của ngôn ngữ và tâm hồn dân tộc. Hy vọng các năm sau nếu
tiếp tục diễn ra, Lễ hội Thơ lục bát sẽ được chuẩn bị kỹ hơn trong công
tác tổ chức để giảm ồn ào, tránh lộn xộn, gia giảm phần lễ lạt để tăng
thêm phần hội với việc giao lưu, biểu diễn đọc thơ nhằm giúp các tác giả
tham gia nhiều hơn vào công việc sáng tác, bình phẩm, qua đó thúc đẩy
chất lượng tác phẩm.
(Theo Hanoimoi.com.vn)
|