Nghìn năm Quốc đô mười lần thành chiến địa
Trong kho tàng thơ văn Việt Nam, người Hà Nội lưu truyền mãi
hai câu thơ khuyết danh “Thăng Long phi chiến địa - Thiên hạ vạn đại
xương”. Đó là mong ước, ước nguyện của mọi người dân mong sao Thủ đô an
bình, mọi kẻ thù động đến Thủ đô đều bị đánh bại để Thăng Long trở thành
phi chiến địa. Nhưng, trong thực tế 1.000 năm Quốc đô Thăng Long - Hà
Nội kể từ năm 1010, Lý Thái Tổ định đô ra Thăng Long cho đến năm 1972,
Quốc đô đã 10 lần thành chiến địa của sự xâm lăng từ ngoại bang đến từ
phương Bắc, phương Tây.
Nhưng, kẻ thù nào xâm phạm đến Thăng Long
- Hà Nội sớm muộn đều bị đánh bại - như Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc
ghi nhận “Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất dạn dày lửa đạn chiến tranh,
và cũng là một tòa thành bách chiến bách thắng - bởi kẻ thù nào chạm tới
mảnh đất thiêng này cuối cùng cũng đều phải tháo chạy.
Lịch sử
Thăng Long - Hà Nội với mười lần thành chiến địa, đó là từ năm 1075 dưới
triều Lý đến năm 1972 trong thời đại Hồ Chí Minh, quân dân Thủ đô đã
trải qua 10 lần trực tiếp chống quân thù xâm lược qua 3 thời kỳ: Thời kỳ
nhiều nhất là chống quân xâm lược phương Bắc (6 lần kể từ năm 1075),
thời kỳ chống thực dân Pháp (2 lần ở thế kỷ 19), thời kỳ chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ (2 lần ở thế kỷ 20). - Kết thúc bằng trận đại thắng
Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội. Từ đây,
nguyện ước của mọi người mong “Thăng Long phi chiến địa” đã và sẽ trở
thành hiện thực.
Ngược dòng thời gian lịch sử, Thăng Long trở
thành chiến địa lần đầu tiên với chiến thắng Yên Phụ - Thụy Lôi. Đó là
cuộc chiến tranh chống quân nhà Tống (1075-1077). Vào đầu năm 1075 đại
quân Tống do Quách Quỳ thống lĩnh tiến theo đường bộ vượt biên giới xâm
nhập nước ta kết hợp với cánh quân đường biển. Đạo quân xung kích đường
bộ do Miêu Lý trực tiếp chỉ huy chọc thủng tuyến phòng thủ của ta trên
sông Như Nguyệt và thẳng tiến về thành Thăng Long. Để ngăn chặn bước
tiến và phản công đánh đuổi quân giặc, dưới sự chỉ huy của Lý Thường
Kiệt, quân ta đã áp dụng binh pháp với chiến thuật giữ vững trận địa
phòng thủ phía trước kết hợp với cơ động vu hồi tiến công phía sau quân
địch.
Bị quân ta vây đánh bất ngờ, phần lớn đạo quân của Miêu Lý
bị tiêu diệt, số sống sót hốt hoảng quay lại vùng sông Như Nguyệt để tìm
đường tháo lui, nhưng tất cả cầu phao chúng bắc qua sông đều bị quân ta
đốt, phá, cắt đứt, nên đám tàn quân này tán loạn, tan rã, tự tìm đường
tháo thân, chỉ có tên Miêu Lý và đám bộ hạ thoát được về nước Tống.
Thành Thăng Long nguyên vẹn với chiến công đầu tiên trong thời Lý được
sử sách còn ghi với tên gọi “Chiến thắng Yên Phụ - Thụy Lôi”.
Kỳ sau: Thăng Long lại 3 lần thành chiến địa chống quân Nguyên – Mông