Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 08/10/2010 08:50
Khi triều Nguyễn đặt đô tại Huế
Quang Trung Nguyễn Huệ dự định xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô làm kinh đô mới tại Nghệ An. Việc chưa thành nhà vua đã qua đời. Gia Long lập ra triều Nguyễn, định đô tại Huế.
1.jpg.jpg
Hà Nội thời Pháp thuộc.

Thăng Long trở thành Hà Nội

Quang Trung đột tử, tình thế đất nước đổi thay. Năm 1802 Nguyễn Ánh đánh đổ nhà Tây Sơn lên ngôi hoàng đế, niên hiệu là Gia Long, định đô tại Huế. Ban đầu Gia Long đặt khu vực miền Bắc là Bắc Thành lấy thành Thăng Long làm thủ phủ do Tổng trấn Bắc Thành quản lý. Thăng Long vẫn được giữ tên nhưng viết theo chữ Hán thì đổi khác: chữ Long không có nghĩa là Rồng nữa, mà có nghĩa là Thịnh Vượng.

Năm 1831, vua Minh Mệnh chia lại địa giới Đàng Ngoài cũ thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội, bao gồm khu vực kinh thành Thăng Long cũ gồm hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, cộng thêm các phủ xung quanh là Từ Liêm, Thường Tín, Ứng Thiên, Lý Nhân. So với ngày nay, Thọ Xương tương ứng với các quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, còn Vĩnh Thuận tương ứng với quận Ba Đình và Đống Đa. Đến lúc này, thành Thăng Long chỉ là thành của một tỉnh (sau ba lần bị “hạ cấp”, từ tầm quốc gia xuống trấn, rồi xuống tỉnh). Tuy nhiên, do đã từng là đất đế đô của nhiều triều đại nên Thăng Long - Hà Nội vẫn là nơi tích lũy một chiều dày văn hóa, nuôi dưỡng một truyền thống yêu nước hào hùng, nơi hội tụ nhân tài, tinh hoa khí phách của dân tộc.

Quân Pháp đánh chiếm Hà Nội

Cuối năm 1873, sau khi chiếm xong Nam Kỳ, quân Pháp chuẩn bị đánh chiếm Hà Nội để từ đó thôn tính Bắc Kỳ. Đầu tiên Jean Dupuis giả danh đưa thương thuyền ngược sông Hồng sang Vân Nam để lấy cớ gây hấn. Nguyễn Tri Phương là một danh tướng của triều đình giữ chức Tổng đốc Hà Nội, đồng thời là Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Ông cương quyết khước từ những yêu sách vô lý của quân Pháp và hiệu triệu quân dân Hà Nội chuẩn bị đương đầu với giặc.

Ngày 20/11/1873 Francis Garnier cho tàu chiến và đại bác nã đạn vào thành Hà Nội mở đầu cuộc tấn công lần thứ nhất. Trước sức mạnh quân sự có vũ khí hiện đại của giặc, kinh thành bị thất thủ. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tử trận. Quân Pháp chiếm được thành, nhưng vẫn gặp sự kháng cự của nhân dân. Garnier đem quân ra ngoại thành trấn áp, bị quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc giết chết tại Cầu Giấy.

Triều đình Huế ký thỏa ước để Pháp rút khỏi Hà Nội với những nhượng bộ bất lợi. Pháp không những có lãnh sự mà còn có khu nhượng địa làm nơi trú quân ngay tại Hà Nội.

Sau một thời gian chuẩn bị, quân Pháp lại mở cuộc đánh thành Hà Nội lần thứ hai. Ngày 20/4/1882, dưới sự chỉ huy của Henry Rivier, ba tàu chiến Pháp từ bến sông Hồng cấp tập nã đạn vào thành. Các khẩu sơn pháo đặt ngay chính diện Cửa Đông và Cửa Bắc bắn thẳng vào cửa thành. Thành bị vỡ, quân Pháp ào ạt chiếm thành. Biết không kháng cự được, Tổng đốc Hoàng Diệu viết di biểu gửi về triều và tự vẫn. Hà Nội thất thủ, nhưng quân Pháp vẫn không thể ăn ngon ngủ yên. Ngày 19/5/1882, quân Pháp rầm rộ hành quân ra Cầu Giấy lại bị quân dân ta phục kích và viên sĩ quan tổng chỉ huy Henry Rivier bị đền tội.

Hà Nội thời Pháp thuộc

Pháp chiếm được Việt Nam và toàn xứ Đông Dương. Từ năm 1858 cả nước ta bị đặt dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Người Pháp vẫn giữ cho triều đình nhà Nguyễn tồn tại ở Huế, nhưng hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào Pháp quốc. Ảnh hưởng của Huế cũng bị hạn chế. Hà Nội được thực dân Pháp chọn làm thủ phủ toàn cõi Đông Dương, có thể nói là thủ đô của Việt Nam - Campuchia và Lào (theo Nghị định ngày 17/10 của Tổng thống Pháp) bao gồm các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Campuchia và Lào. Phủ Toàn quyền được xây dựng cạnh vườn Bách thảo (nay là Phủ Chủ tịch). Chính vì vậy Hà Nội được Pháp quy hoạch lại và đầu tư xây dựng đường xá giao thông, hệ thống điện nước, chợ búa tiện lợi hơn. Cầu Long Biên bằng thép được xây dựng bắc ngang sông Hồng. Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn được thiết kế theo phong cách phương Tây. Nhiều dinh thự kiểu Pháp mọc lên làm thay đổi bộ mặt Hà Nội.



(Theo Ictnews.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)