Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 09/10/2010 09:32
Những vần thơ xúc động về Hà Nội
Người đoạt giải nhất cuộc thi thơ về 1000 năm Thăng Long- Hà Nội là một nhà thơ nữ, chị Nguyễn Phan Quế Mai. Quế Mai sinh năm 1973, là thủ khoa trường Đại học Ngoại thương thành phố Hồ Chí Minh năm 1992 và 1993 được học bổng đi Úc cùng 27 sinh viên khác.

Chị cũng đã tốt nghiệp đại học xuất sắc ở Australia và trong hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra Thế giới tổ chức ở Tuần Châu - Quảng Ninh của Hội nhà văn, tôi đã thấy chị là người phiên dịch chính. Là lớp người sinh ra vào thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh, nhưng khác với một vài bạn trẻ đang chạy theo xu hướng miêu tả những xúc cảm của bản thân, trong đó phần nào có… sex, Quế Mai lại xúc động trước một Hà Nội lam lũ cần cù. Chị gọi họ là “Những ngôi sao mang hình quang gánh”:

Họ gánh về cho tôi những mùa ổi, mùa xoài mùa mận

Những mùa sen mùa cốm

Cả nắng ban mai và hoàng hôn tím

Ngày đi rưng rưng đôi dép lê

…Họ gánh về tặng tôi ngọn gió mát lành thổi từ đồng quê

Nơi mẹ và con và chồng họ đứng chờ

…Họ là những ngôi sao của tôi

Và của bạn

Gánh trên vai mình số phận

Giữa đời thường kiên nhẫn đi…

Ngoài giải nhất dành cho một người con gái có cảm nhận thật mềm mại nhưng sâu sắc về Hà Nội, giải nhì của cuộc thi lại dành cho các chàng trai có những nét nhìn khác, sinh động và đầy suy tư trước một thành phố đang nhiều biến động, rất cởi mở song cũng rất riêng. Đoàn Mạnh Phương muốn “Sống chậm trong thành phố của mình”:

Giữa những tốc độ lao chóng mặt

Thèm khát một lắng sâu để duỗi thẳng mọi cảm giác

để lắng nghe

để cảm nhận

để như thấm vào mình

cái cọ má vào hơi thở của Hà Nội từng ngày

trong mỗi ban mai cùng tôi thức dậy

Hình như thời gian trôi qua thành phố cũng mau hơn

Thật chậm rãi

Để nghe được tiếng bước chân của ngàn năm in

trên tùng centimet phố

Để nghe được lời của nước mắt được chắt ra từ sự

mất ngủ của nỗi nhớ

Rằng: Trong mênh mang Hà Nội mới

Có nhòa một Hà Nội xưa?

Nhà thơ Đặng Huy Giang với bài  “Có những lúc” khiến tôi hiểu và yêu hơn những con người Hà Nội ưa suy tư trầm mặc, lặng lẽ quan sát một Thủ đô yêu quí đang thay đổi từng giờ:

Có những lúc bứt khỏi đám đông

bứt khỏi ồn ào tập thể

neo vào một quán nước

đối diện với bàn với ghế

đối diện với điếu thuốc cháy dở

đối diện với ly cà phê chậm rãi nhỏ giọt

nhấm nháp mùi vị sự lặng im không tên.

…Ngoài kia

xe và người không ngừng nối đuôi nhau

vẫn sự mưu sinh cắn đuôi nhau

như kiến

Tất cả sục sôi như thể mới bắt đầu.

Và đây là “Thị xã Sơn Tây” của Khuất Bình Nguyên, vẻ đẹp cũ càng với dòng sông cổ tích, với pháo đài rêu phủ, với áo nâu quê mùa… mà sao thương mến, mộng mơ:

Tiếng chuông nhà thờ

Thong thả đi vào ngõ phố

Con đường chạy quanh hào nước

Chẳng biết đi được bao vòng đã hết tuổi thơ

Thành cổ mọc trên rừng cây

Sót lại dăm cửa pháo đài rêu phủ

Một thời loạn lạc đâu đây

Đi qua nơi này để thành xưa cũ

Tìm về một thuở hoa niên

Thị xã nhỏ không rộng hơn vòng tròn tiếng chuông…

Đến giải ba và giải tư của cuộc thi, chúng ta vẫn gặp những bài thơ mang đậm tình yêu tinh tế và lắng sâu của các nhà thơ trên mọi miền Tổ quốc dành cho Hà Nội. Đó là Khánh Chi với kỷ niệm tuổi thơ, khi chị chia tay mẹ để vào chiến trường và chị thấy, tất cả đều chia nửa:

Đêm ấy một nửa nước hồ Tây

Trăng một nửa vàng vườn Bách thảo

Hà Nội cái gì cũng chia nửa

Cho miền Nam mai má mang về

Và tôi như bắt gặp chính mình trong mấy vần thơ nhẹ như gió thu Hà Nội, mà thơm thoang thoảng như không khí ven hồ Tây mùa hoa sen:

Đã rất lâu tôi mới có lại một đường chiều

Hơi thở khẽ sau lưng mình xáo động

Bàn tay thức trong bàn tay phấp phỏng

Thoáng như hương và mờ ảo như hương.

(Gặp đường hoa sấu nở - Đàm Khánh Phương)

Một nhà thơ khác viết về hoài niệm một hồ Tây xưa với câu thơ rất thơ: “Muốn xem mở sóng mà xem”. Đoạn cuối của bài tả cái mới của một Hà Nội  xênh xang, song đầy nuối tiếc một Hà Nội xưa giờ đã thành mờ ảo:

Tây Hồ nay sóng ngóng xanh

Tầng tầng cao ốc dập dềnh tháng năm

Còn đâu thấy tiếng sâm cầm

Nhớ về hồ cũ hót thầm trong sương

…Hồ Tây mây nước âm thầm

Người thơ đã hóa sâm cầm rồi chăng?...

(Sâm Cầm - Nguyễn Việt Chiến)      

Tôi đã không thể dẫn ra trong bài viết nhỏ này rất nhiều câu thơ, bài thơ hay về Thủ đô yêu quý trong cuộc thi thơ nhân thành phố tròn 1000 năm tuổi. Các bạn hãy tìm đọc trong tập thơ sẽ xuất bản vào dịp trao giải cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 15-10 sắp tới.

Nhà thơ

PHAN THỊ THANH NHÀN


(Theo Anninhthudo.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)