Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 23/03/2011 09:30
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII: Mong muốn xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp
* Từ ngày 24 đến 31-3, lấy ý kiến hội nghị cử tri nơi cư trú để nhận xét, tín nhiệm đối với người ứng cử
Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII diễn ra ngày 22-3 tại Hà Nội, 100% đại biểu tán thành danh sách 183 ứng viên Trung ương được giới thiệu, tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về người ngoài Đảng, về số dư khi lựa chọn đại biểu, về một Quốc hội thực sự chuyên nghiệp...
 
Đồng thuận cao sẽ góp phần xây dựng một Quốc hội mạnh
                                                                                          Ảnh: Hoàng Long
 
 
Bản lĩnh để trung thực
Sau khi nghe danh sách trích ngang của 183 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, ông Nguyễn Túc, uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam nhắc lại câu hỏi phỏng vấn của báo chí về câu nói trong dân gian “Đảng chỉ tay, Chính phủ ra tay, Quốc hội giơ tay còn Mặt trận vỗ tay” và khẳng định: Nếu đường lối, chính sách của Đảng đúng, đương nhiên mình phải vỗ tay ủng hộ chứ. Đại hội X của Đảng đã giao cho Mặt trận nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Vấn đề chính hiện nay là Mặt trận có thực hiện được đúng Luật của MTTQ hay không? Mặt trận có thực hiện đúng luật bầu cử Quốc hội về hiệp thương lựa chọn, giới thiệu đại biểu hay không? Ở đây, chúng ta cần tự đặt câu hỏi: Các Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam có đủ bản lĩnh làm việc đó hay không? Nhân dân đã giao trách nhiệm cho chúng ta, chúng ta cần có bản lĩnh để đưa ra những tiếng nói trung thực về những người được lựa chọn.
 
Thể hiện sự đồng tình với ông Nguyễn Túc, nhiều vị uỷ viên Đoàn Chủ tịch cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình trước danh sách giới thiệu 183 ứng cử viên Trung ương. Ông Lù Văn Que, uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam trăn trở: Trong danh sách 183 vị, có vị tôi biết, có vị tôi không biết, nhưng tôi tin vào sự sắp xếp giới thiệu của Uỷ ban bầu cử. Chỉ có điều, tỷ lệ người ngoài Đảng ít quá! Tôi đếm đi đếm cũng chỉ có 10 người, chiếm khoảng 5%, mà rơi vào khối Mặt trận hết. Như vậy Quốc hội hầu hết là người trong Đảng làm sao đảm bảo được tiếng nói của những người ngoài Đảng? Về đại biểu dân tộc thiểu số, ông Lù Văn Que chỉ ra “chỉ có 15 người, trong khi quy định 18%. Như vậy, ở ngay Trung ương chúng ta cũng đã không thực hiện cơ cấu này.
 
                                                             Ảnh: Hoàng Long
 
 
Khi nào thì Quốc hội chuyên nghiệp?
Vấn đề này được ông Trương Công Phú, uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam nêu ra kèm theo câu hỏi: Chúng ta đề ra mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vậy tiến trình chuyên nghiệp hoá Quốc hội thì đến bao giờ mới xong? Và hiện nay, Quốc hội của chúng ta đang ở giai đoạn nào? Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nâng cao chất lượng của Quốc hội là khâu vô cùng quan trọng, nếu việc này làm không tốt thì không thể đảm bảo phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Ông Trương Công Phú cũng bày tỏ sự băn khoăn khi trong văn bản của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam có ghi “Việc dự kiến cơ cấu đại biểu Quốc hội khoá XIII của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có sự cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, vì vậy Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ nguyên như dự kiến”. Theo ông Phú, viết như vậy, người ta có thể đặt vấn đề: Cái gì chúng tôi chưa cân nhắc thì đưa sang các anh cho ý kiến, còn cái gì chúng tôi cân nhắc rồi thì thôi. Mà nếu thôi thì còn lấy ý kiến làm gì nữa?
 
Cũng bàn về chất lượng của Quốc hội, một số đại biểu đặt vấn đề về việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam nêu ý kiến: Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, MTTQ đã nêu rất nhiều đề xuất, song hầu như các ý kiến không được tiếp thu bao nhiêu bởi mọi dự kiến ban đầu vẫn được giữ nguyên cho dù có nhiều điểm chưa hợp lý. Cụ thể, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định rằng đã có sự cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, nhưng thực tế là trong danh sách, Văn phòng Chủ tịch nước được phân bổ 3 đại biểu là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. “Ba vị lãnh đạo cao nhất của cơ quan này đều là đại biểu Quốc hội và sẽ phải tham dự các kỳ họp Quốc hội, như thế, họ dành thời gian nào cho cơ quan mình? Và nếu cả 3 đều vắng mặt thì hoạt động của cơ quan sẽ như thế nào. Rồi cũng có lúc cần phát biểu trước Quốc hội, trong 3 vị đó sẽ phải nhường nhau, chứ không lẽ cả 3 cùng phát biểu”? Nhiều đại biểu cũng tán đồng vấn đề ông Lê Truyền nêu ra về số dư trong lựa chọn, giới thiệu đại biểu ứng cử “Chúng ta cần bầu 183 đại biểu và danh sách sơ bộ đưa lên cũng chỉ tròn 183 vị. Không có số dư như thế này thì MTTQ lấy đâu ra người để lựa chọn? Bây giờ mà bỏ đi bất kỳ ai trong danh sách là sẽ mất hẳn đi 1 suất của 1 bộ, ngành, đoàn thể nào đó. Nếu không được lựa chọn thì thật khó có được kết quả thực sự như mong muốn, và như thế làm sao có được Quốc hội chuyên nghiệp”?
 
Giải thích về việc giữ nguyên đại biểu các cơ quan hành pháp và cơ quan Chủ tịch nước, dù trước đó, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất có đề xuất giảm bớt, ông Phạm Minh Tuyên, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử Trung ương cho rằng: Hầu như những người được giới thiệu đều là các ứng viên đã được tạo nguồn để giữ những trọng trách lớn tại nhiều cơ quan. Để đạt được điều đó, hồ sơ của họ hầu như đã đi qua các vòng kiểm tra kỹ lưỡng. “Cơ bản thì chúng ta cũng thấy rằng, các đồng chí đã chuẩn bị kỹ và chúng ta tôn trọng cái chung”- Ông Tuyên khẳng định. Về cơ cấu 3 đại biểu của Văn phòng Chủ tịch nước, ông Tuyên lý giải: Trong mấy nhiệm kỳ gần đây, chúng ta vẫn bố trí 3 vị này và qua thực tiễn hoạt động, các đồng chí này đều hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài 2 đại biểu đương nhiên thì Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước thường xuyên phải tham gia dự họp với Ủy ban thường vụ Quốc hội.
 
Tuy nhiên, ông Phạm Minh Tuyên cũng khẳng định: Đề xuất, kiến nghị của các vị Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, chúng tôi đã tập hợp nghiêm túc, có trách nhiệm và trung thực với các góp ý của các vị.
 
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm khẳng định: Với trách nhiệm của mình, Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam trân trọng ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu. Một số nội dung các cụ, các vị nêu là nội dung chung, chúng tôi sẽ báo cáo với các cơ quan của Đảng, Nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện cơ chế nói chung. Những ý kiến cụ thể như việc tổ chức hiệp thương phải có số dư, thì đây là mong muốn, suy nghĩ tâm huyết, nhưng muốn làm được việc này thì cũng phải thống nhất ngay từ đầu trên cơ sở sửa đổi luật pháp. Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới phân bổ số dư, các tổ chức của cơ quan Trung ương mới có cơ sở để giới thiệu người.
 
Kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai, các đại biểu thống nhất biểu quyết 100% đồng ý với danh sách 183 ứng viên giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII.
 
 
Cần thêm tiếng nói của doanh nhân

Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, doanh nhân là đội ngũ được nhắc đến rất nhiều. Bên lề hội nghị hiệp thương lần thứ 2, Đại Đoàn Kết có cuộc phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt- Đức.
 
PV: Thưa ông, phát biểu tại hội nghị hiệp thương lần thứ 2, ông có tâm sự rằng: Cứ nhìn thấy danh sách hiệp thương nào có doanh nhân là ông rất phấn khởi. Tại sao vậy?
Ông Nguyễn Trung Thực: Vì tôi là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt- Đức, tôi hiểu rõ những đóng góp của doanh nghiệp cho đất nước. Bởi những đóng góp tích cực cho nền kinh tế nên doanh nhân cần có tiếng nói trong Quốc hội. Tuy nhiên, cũng vì tôi là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi biết những khó khăn của doanh nhân khi tham gia Quốc hội. Để cân bằng giữa thời gian dành cho doanh nghiệp và thời gian dành cho Quốc hội không phải chuyện dễ dàng. Ngoài tài năng, yếu tố nhiệt huyết là không thể thiếu. Tìm được một doanh nhân sẵn sàng tham gia Quốc hội không dễ, vì đằng sau họ còn là sự sống còn của một doanh nghiệp.
 
Có ý kiến cho rằng, một số nhiệm kỳ Quốc hội trước đây, có những doanh nhân là đại biểu Quốc hội nhưng vai trò và sự đóng góp của họ chưa thực sự nổi bật. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi không tán đồng quan điểm này. Bản thân tôi thấy rằng trong thời gian vừa qua, những đại biểu Quốc hội là doanh nhân đã hoạt động rất tích cực và có chất lượng. Vấn đề chỉ là thời gian họ dành cho Quốc hội chưa thật sự nhiều. Họ phải đảm nhận khối lượng công việc quá lớn trong điều hành doanh nghiệp, cùng lúc phải tham gia đầy đủ các kỳ họp của Quốc hội. Trong các kỳ họp của Quốc hội, các đại biểu là doanh nhân cũng trình bày những khó khăn này với Quốc hội. Đây cũng là khó khăn chung của những đại biểu Quốc hội không chuyên trách.
 
Theo ông, làm thế nào để phát huy hết vai trò cũng như khả năng của các doanh nhân là đại biểu Quốc hội?
- Họ đã cố gắng hết mình, chỉ mong sao họ có thể dành được nhiều thời gian hơn nữa cho hoạt động của Quốc hội cũng như không quên phần công việc của mình là gánh vác, điều hành doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thành công. Bên cạnh đó, tôi cũng kiến nghị với các cơ quan của Quốc hội, nếu muốn lấy ý kiến góp ý của các doanh nhân, cho các dự thảo luật chuẩn bị hình thành, có thể lấy ý kiến của các hiệp hội, qua đó tập hợp được đông đảo các ý kiến trước khi đưa ra Quốc hội. Đây cũng là một hình thức phát huy vai trò của các doanh nhân trong hoàn cảnh hiện nay.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 
PH- VM (thực hiện)



(Theo Daidoanket.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)