Thời TNXP - một thời tuổi trẻ, giờ đã trở thành ký ức
khó phai nhòa. Ở đó, những vần thơ mà nhà thơ Thanh Nguyên gọi là "hoa
lửa nở đỏ" cứ hồn nhiên ra đời trong khó khăn, nhọc nhằn, vất vả và nó
đã khắc sâu vào mỗi cuộc đời của những thanh niên đã náo nức lên đường
không ngại gian khổ, mất mát, hy sinh ngay sau ngày đất nước thống nhất.
Những câu hát chậm rãi của những ca khúc trong album “Cỏ hát” phác họa bức tranh xưa: "Vạt áo xanh biên đen dòng điểm khuyết" (Tình đồng đội - thơ Nam Thiên); "sáng hẹn hò chim gọi nhau như hát/ người gọi người mỗi sáng bình minh (Nơi anh đến - thơ Thục Nguyên). Những lạc quan kiểu TNXP: Đón Tết ở rừng hiếm pháo/ cứ râm ran trăm trận cười giòn/ phút lặng cũng làm giông, làm bão/ trong lòng ùa cả dậy thời gian (Đón Tết giữa rừng - thơ Phạm Trường Phục); Áo mới lâu rồi không nhắc đến/ Mùa xuân vẫn cứ ngự trong lòng (Đón Tết ở một vùng sương - thơ Đỗ Trung Quân). Làm sao quên được đồng đội mình và chính mình thời gian khó đó: Xuất ngũ đã lâu rồi mà nhớ mãi chuyện xưa, bất chợt một cơn mưa lại nhớ về bạn cũ (Tháng năm đồng đội - thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên); Nơi miền cổ tích vắt kiệt những hoàng hôn/ những chiếc nón tai bèo từ thuở ấy đi lên (Miền cổ tích - thơ Nguyễn Văn Ta & Hữu Sơn).
Những ca khúc mang vẻ đẹp của những rung động vang
vọng trong tim, của tình người xa thẳm: Chiều xuân ra suối, Bài thơ đồng
đội (thơ Cao Vũ Huy Miên), 10 phút nghỉ giải lao (thơ Nguyễn Nhật Ánh),
Gặp rừng ở phố (thơ Đỗ Trung Quân), Chiều Đăk Nông (Trần Mạnh Hảo), Về
lại Đăk R'Lấp (Bùi Nguyễn Trường Kiên), Hát giữa đồng đội cũ (Thanh
Nguyên), Phản Tống biệt hành (thơ Bùi Chí Vinh), Chiều tháng ba ở cao
nguyên (Vạn Lý), Giá ta không về với biển (Đào Công Điện), Đừng nhìn em
như thế (Lê Thị Kim) Lao xao rừng xanh (Bùi Thị Trinh)…
Những giai điệu nhiều men say, phong phú và mộc mạc,
những nét chất phác ẩn hiện trên những bức tranh của một thời áo xanh
bình dị cứ nhẹ nhàng hiển hiện trong "Cỏ hát" hiện đại và trẻ trung. Một
không gian mà người nghe như đang trôi trong màu xanh của anh em, bạn
bè, đồng đội TNXP lưu giữ vào từng lời ca.
Những bước chân rộn rã, nhịp nhàng của lớp lớp TNXP hồ
hởi bỏ phố lên rừng lại rộn rã ngân lên tiếp bước theo dấu chân của thế
hệ cha anh: Mai chia tay, đứa Trị An, đứa Đăk Nông, Dầu Tiếng/ những gương mặt trẻ trung thương mến/ nhìn nhau cười đã ba lăm mùa xuân (Trẻ như dáng dấp mùa xuân (thơ Huỳnh Dũng Nhân); những hẹn hò đầy lạc quan: Em trở về phố thị/ anh ở lại vùng cao/ vẫn chung một màu áo/ xanh TNXP (Tình màu áo xanh - thơ Hữu Sơn); Bỏ lại khoảng trời trong khung cửa hẹp/ theo mùa xuân nghe suối hát sau lưng
(Em là Thanh niên xung phong - thơ Bích Ngọc), những rộn ràng náo nức
trong Xôn xao Đăk Nông (Đào Cử)… cùng những trầm lắng suy tư trong Mênh mông ký ức (Nguyễn Văn Ta)…
Album "Cỏ hát" không chỉ là những mảnh ghép rời rạc về
thanh niên xung phong, mà mỗi ca khúc được liên kết lại với nhau trong
cảm xúc liền mạch: Quá khứ - hiện tại - tương lai được nhạc sĩ Quỳnh Hợp
biểu cảm nhẹ nhàng, trữ tình, thắm đượm hơi thở cuộc sống và niềm tin
yêu ở con người tạo nên một bản hòa ca lắng đọng và tươi trẻ về TNXP.
Điều đặc biệt ở các sáng tác của nhạc sĩ Quỳnh Hợp chính là chị luôn
khắc họa câu chuyện của mình ở cả "diện mạo" và "tâm hồn".
Nghe lời "Cỏ hát" để hiểu, để nhớ về một thời TNXP và… để tự hào hướng lên
