Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 28/03/2011 09:13
Sân khấu mong chờ một sự khởi sắc
Nhà văn Nguyễn Hiếu. Nhà văn Chu Lai khẳng định "sân khấu còn lạnh không chỉ từ khâu kịch bản. Nó còn bắt nguồn từ thái độ, cách nhìn của những nhà hát. Kịch bản hay mà nhà hát không nhận thì cũng nằm im, chết cứng...”.

Hiện nay, sân khấu TP Hồ Chí Minh đêm đêm vẫn sáng đèn để diễn những vở kịch cứ chuội đi không để lại một ấn tượng nào. Sân khấu phía Bắc trừ nhà hát Tuổi trẻ và hơn một năm nay gần đây là sự khởi sắc của Nhà hát Kịch nói Việt Nam còn đa phần các đoàn, các nhà hát khác đều lâm vào sự đìu hiu chợ chiều…

Người ta có thể đổ nguyên nhân về sự gia tăng các loại giải trí và các phương tiện thông tin đại chúng… nhưng riêng kẻ viết bài này vẫn cho rằng sự vắng lặng đáng buồn của sân khấu có nguyên nhân lớn nhất từ khâu kịch bản. Kịch tác gia Nguyễn Đăng Chương vào tháng 9 năm 2007 khi còn làm trưởng phòng nghệ thuật đã đánh giá năm năm nay chưa có vở nào có tiếng vang, đều dừng ở mức trung bình. Đầu năm 2011 vừa rồi khi gặp ông đã là Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Đại hội liên chi tác giả miền Bắc vẫn thấy ông lắc đầu khi tôi hỏi về vấn đề này.

Để cụ thể hoá hơn là Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (HNSSKVN) liên tiếp trong sáu bảy năm qua chỉ phát đến giải B cho kịch bản sân khấu toàn quốc, mãi cho đến năm 2010 vừa qua mới may mắn tìm được kịch bản loại A dành cho tác phẩm "Tôi và các nhân vật phụ" của nhà văn Hà Đình Cẩn. Vậy nguyên nhân của sự yếu kém về kịch bản của sân khấu nước ta bắt đầu từ đâu?

Theo số liệu mà NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch thường trực HNSSKVN - thì kịch tác gia cả nước sinh hoạt trong và cả ngoài Hội có khoảng trên dưới 200 vị (chưa bằng một phần 5 số hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam) nhưng tỉ lệ các tác gia liên tục có tác phẩm mới trong số này chỉ chiếm chưa đầy một phần ba.

Nếu cứ tính bình quân các vị này mỗi năm cho ra một kịch bản thì cũng chỉ tròm trèm 70 kịch bản. Tỉ lệ kịch bản được dàn dựng trong số này chỉ chiếm trên dưới 20 tác phẩm trong khi đó số lượng các đoàn, các nhà hát từ Trung ương đến địa phương lên đến hàng trăm. Nhưng đúng như phương châm của HNSSK là số lượng không quan trọng bằng chất lượng kịch bản.

Chính vì thế tính từ năm 2009 trở về trước mỗi năm HNSSK bình quân mở 2 trại sáng tác, riêng năm 2010 mở  4 trại cùng một lớp "bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác kịch bản sân khấu" cho tác giả trẻ khu vực miền Bắc xem như là 5 trại với các chủ đề khác nhau. Cứ nhìn vào cách tổ chức trại mới thấy mục tiêu về  chất lượng  kịch  bản được  thực  hiện riết róng như thế nào. Hội viên nộp đề cương. Ban sáng tác của Hội tuyển chọn các đề cương có chất lượng để mời tác giả. Ở mỗi trại với bình quân có 15 tác giả sẽ chọn 3 kịch bản có chất lượng ban đầu để tìm ra tác phẩm xứng đáng để đưa vào chung khảo và đề nghị khen thưởng, đồng thời đầu tư thêm cho tác giả nâng cao, hoàn thiện tác phẩm tạo điều kiện cho việc dàn dựng trên sân khấu. Lược qua quá trình chọn lựa kịch bản có chất lượng của HNSSKVN như vậy để thấy mục tiêu nâng cao chất lượng được quan tâm chú ý đến thế nào. Tiếc thay…

Bất kì người cầm bút - gõ máy tính sáng tác bất kì thể loại văn chương nào cũng hướng tới sự chân, thiện, mỹ của tác phẩm. Các kịch tác gia cũng nằm trong qui luật này. Trong một lần quá nóng ruột với chất lượng các tác phẩm văn nghệ, Tiến sĩ Đình Quang đã cắt nghĩa khái quát đại ý "chúng ta khó để mà có tác phẩm lớn vì nước ta không phải là nước có nền triết học lớn".

Người viết bài này lại nghĩ khác. Nói như Tiến sĩ Đình Quang cũng chỉ là một chiều. Triết học ở nước ta không nằm trong sự lập ngôn, hay trong các trước tác hoặc tập trung vào một số triết gia mà nằm rải rác trong các tác phẩm dân gian, trong sự xử thế giữa con người và con người. Đó là dòng triết hành hơn là ngôn. Nền văn chương nước ta trong quá khứ đã có không ít tác phẩm có danh hoặc khuyết danh có thể xếp vào di sản văn chương nhân loại như Kiều, chèo "Quan Âm Thị Kính ", rối nước, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương… và ngày nay tôi vẫn giữ một niềm tin chắc chắn rằng nền văn chương đương đại đã, đang có những tác  phẩm lớn chỉ có điều nó chưa phát lộ và chưa được phát hiện...

Trở lại sự cắt nghĩa nguyên nhân chất lượng kịch bản sân khấu chưa cao trong thời gian gần đây từ góc độ tác giả tôi nhận ra đội ngũ các kịch tác gia của ta đang chia làm hai loại.

Một loại thực sự có tâm huyết khi tiếp cận cuộc sống cũng như khi tìm ra những phương pháp biểu hiện sáng tạo, đổi mới. Không ít tác phẩm của họ mang đúng chức năng cao quí của sân khấu là thánh đường tuyên ngôn, là sự phản ảnh tập trung xung đột mâu thuẫn điển hình của cuộc sống... Đáng tiếc kịch bản của các tác gia này rất khó được dàn dựng, công diễn vì nhiều nguyên nhân do đề tài nhạy cảm, do biểu hiện quá mới, do này nọ…

Cảnh trong vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt".

Loại tác gia thứ hai là những nhà viết kịch có vở diễn đều đều. Kịch bản của họ liên tục ra đời và liên tục được dàn dựng. Chỉ đáng tiếc từ hình thức đến nội dung phản ánh đều dừng ở mức tầm tầm, xem được, vô hại và yên tâm ở nhiều phía. NSƯT Lê Chức cho rằng "kịch, bản thân đã là một thể loại mang tính chất xung đột. Nhưng hiện tượng kịch bản có xung đột nhỏ đang lan tràn. Xung đột nhỏ thì chỉ được chấp nhận như việc phản ánh hiện thực khách quan mà không có được sự dự báo. Điều này đã làm chậm sự đột phá của nền sân khấu nước ta".

Tác giả bài viết này cho rằng. Bên cạnh đó các kịch bản đôi khi mạo nhận là nói theo ngôn ngữ đời thường được viết bằng thứ ngôn ngữ thiếu chọn lọc không chuẩn xác mà sân khấu rất tôn trọng theo đúng nghĩa là kịch bản văn học. Phải chăng đây chính là điều kịch tác gia không được xếp vào vị trí người viết văn và Hội Nhà văn Việt Nam là hội gần như duy nhất trên thế giới không kết nạp các kịch tác gia thành hội viên.

Về chất lượng kịch sân khấu, nhà văn Chu Lai, Trưởng ban sáng tác của HNSSKVN đã nhận định "sự thay đổi về chất của một nền SK thường không mấy phụ thuộc vào các lời hiệu triệu, kêu gọi, hội thảo hoặc mở trại sáng tác. Nhưng trại sáng tác được mở một cách nghiêm túc, tần suất cao (5 trại) cho tất cả các vùng miền. Ngoài tính chất điểm danh, hơ nóng, hích cảm xúc nó cũng gạn đục được những kịch bản hay mà nói về mặt bằng và chất lượng thì có nhỉnh hơn những năm trước.

Cụ thể 5 trên 6 kịch bản văn học đoạt giải cuối năm đều xuất phát từ các trại, trong đó có ít nhất 3 cái có chiều hướng được đưa vào dàn dựng. Và năm nay đã có giải A. Tuy vậy, nhìn chung vẫn chưa có những kịch bản tạo được cú giật mình, hầu hết đều sàn sàn".

Còn về các nguyên nhân khác khiến sân khấu nước ta chưa có đột phá, Chu Lai khẳng định "sân khấu còn lạnh không chỉ từ khâu kịch bản. Nó còn bắt nguồn từ thái độ, cách nhìn của những nhà hát. Kịch bản hay mà nhà hát không nhận thì cũng nằm im, chết cứng. Thêm nữa khâu phát động, đưa sân khấu vào đời sống còn trễ nải mà đợt trao giải năm rồi là một ví dụ. Sân chơi không sống động, hay dở không ai biết, mọi sự quảng bá, PR, tuyên truyền hầu như thiếu vắng, điều này cũng tác động không nhỏ đến cảm hứng sáng tạo, thái độ đua tranh của ngưòi nghệ sĩ".

Gỡ được đôi, ba tình trạng trên tôi tin nền sân khấu nước ta sẽ vượt lên xứng tầm với thể loại cao quí, xứng với nhu cầu cháy bỏng của nhân dân đối với kịch, xứng với tầm vóc của xã hội ta.



(Theo Cand.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)