Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 29/03/2011 08:57
Quốc hội thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XII: Nhiều đổi mới trong tư duy và thực tiễn hành động
Hôm qua (28-3), Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XII. Đa số ý kiến các đại biểu ghi nhận, hoạt động của Quốc hội khóa XII đã đạt được những hiệu quả thiết thực, rõ nét.
Nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận về chất lượng, những đổi mới, cải tiến trong quy trình lập pháp và hạn chế trong xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa và từng năm.
 
Các đại biểu cũng đã phân tích những đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội; tổ chức, xây dựng, củng cố bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội; mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác.
 
Đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XII, các đại biểu nhất trí Quốc hội đã đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Nhìn tổng thể, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XII là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới trong tư duy và thực tiễn hành động.
 
Về công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, công tác lập pháp ngày càng được cải tiến, cơ bản đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến và thống nhất trong toàn hệ thống. Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) cho rằng: “Quốc hội cần phải quyết liệt hơn trong việc yêu cầu các cơ quan chuẩn bị luật đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án luật. Quốc hội cũng không nên nể nang khi “cho qua” nhiều điểm chưa nhận được sự đồng thuận cao trong các dự luật”.
 
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động, cần xác định rõ hơn vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của các đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu tán thành chủ trương tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách.
 
Tổ chức, bộ máy và phương thức, chế độ làm việc của Quốc hội cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Các đại biểu Danh Út, Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) đề nghị cần xem xét điều chỉnh theo hướng tăng cường các cơ quan trực thuộc Quốc hội, như thành lập Ủy ban Dân nguyện trực thuộc Quốc hội, nâng cấp Viện nghiên cứu lập pháp thành một cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Quốc hội để thêm kênh cung cấp nguồn thông tin chính thống cho đại biểu.
 
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng Quốc hội cần tăng cường tính chuyên nghiệp, tính liên tục và tính kế thừa. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cần phát huy vai trò của từng đại biểu, đoàn đại biểu, các ủy ban và toàn thể Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) cũng đề nghị, để đảm bảo tính chủ động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần tăng cường hơn nữa vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban.
 
Hôm nay, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XII họp phiên bế mạc
Buổi sáng, Quốc hội sẽ làm việc tại hội trường thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Buổi chiều, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua các dựa thảo luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự; Luật Thủ đô; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Kiểm toán độc lập.
Theo đại biểu Lê Thị Dung (An Giang), tính phản biện, đa chiều trong các báo cáo thẩm tra phải cao hơn, tránh tuyệt đối tình trạng nể nang; cải tiến hơn nữa trong chất vấn và trả lời chất vấn.
 
Đánh giá về hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), nhận xét: việc giám sát của Quốc hội tuy có tiến bộ nhiều hơn so với trước nhưng vấn đề tác động của các cơ quan hữu quan thực hiện xem xét giải quyết những kiến nghị của Quốc hội sau giám sát và những kiến nghị khiếu nại, tố cáo của cử tri nhìn chung còn chậm.
 
Cho rằng Quốc hội đã có đổi mới trong công tác giám sát, nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nói: chúng ta giám sát xong rồi, chúng ta chưa truy đến cùng việc chúng ta giám sát. Từ đó ông Đào đề nghị: “chúng ta nên thay đổi, không chỉ giám sát chuyên đề mà có lẽ giám sát từng công việc dân sinh cụ thể”.
 
 
Đại biểu Quốc hội nói về nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII:
Bên hành lang và ngay trong phiên thảo luận, PV Đại Đoàn Kết đã ghi lại một vài ý kiến của một số ĐBQH.
 

ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh):
Nếu đại biểu chuyên trách như hiện nay thì chưa thật hiệu quả
Nếu Quốc hội khóa XIII này tăng nhiều chuyên trách, 100 ủy viên chuyên trách nhưng với bộ máy giúp việc hiện nay, thì... giống như tăng bác sĩ mà không có y tá, không có hộ lý, không có điều dưỡng.
 
Chúng ta nói nhiều đến việc tăng đại biểu chuyên trách. Ở đây tôi xin nói rõ: nếu chuyên trách như cách làm hiện nay chưa hiệu quả. Tôi đề nghị nên quan tâm là vấn đề tính chuyên nghiệp ở hai mặt. Tôi cũng nghĩ rằng, hoàn toàn có thể tăng tính chuyên nghiệp ở cả đại biểu chuyên trách và đại biểu không chuyên trách. Tính thiếu chuyên nghiệp của đại biểu nó thể hiện rất rõ, tôi ví dụ nhiệm kỳ khóa XII, một số các đại biểu được điều từ cấp vụ, các bộ về làm chuyên trách các Ủy ban nhưng làm bốn năm lại nghỉ hưu thì tự nó lại không chuyên nghiệp nữa. Như vậy rõ ràng khi tính đại biểu làm chuyên trách thì nghĩ đến tính chuyên nghiệp, có nghĩa là phải qua thời gian làm vài ba nhiệm kỳ để tăng tính chuyên nghiệp.
 
Thứ hai, là đối với số đại biểu kiêm nhiệm, mỗi năm thay cơ cấu một Quốc hội, mỗi năm thay đến hơn 2/3 đại biểu thì tính chuyên nghiệp tự nó đã không còn nữa. Chỗ này tôi nghĩ hoàn toàn trong thể chế của ta, có thể xử lý tính chuyên nghiệp ở cả 2 loại đại biểu này, chứ không phải không làm được.
 
Điểm cuối cùng, tôi xin có một kiến nghị đó là nói nhiều đến bộ máy giúp việc. Tôi cho rằng chúng ta muốn tăng chất lượng là phải tăng cơ quan tham mưu bộ máy giúp việc. Nếu Quốc hội khóa XIII này tăng nhiều chuyên trách, 100 ủy viên chuyên trách nhưng với bộ máy giúp việc hiện nay, thì cũng giống như tăng bác sĩ mà không có y tá, không có hộ lý, không có điều dưỡng.
 

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Có những vấn đề Quốc hội quyết định trúng
Quốc hội khoá XII để lại nhiều ấn tượng trong cử tri trên các lĩnh vực: thảo luận, tranh luận những vấn đề lớn của đất nước, thậm chí có những vấn đề “gai góc”.
 
Có thể nói, Quốc hội khoá XII để lại nhiều ấn tượng trong cử tri trên các lĩnh vực: thảo luận, tranh luận những vấn đề lớn của đất nước, thậm chí có những vấn đề “gai góc”. Quốc hội khoá này cũng ra được nhiều luật nhưng có một số luật ban hành không sát với nhu cầu thực tiễn nên phải sửa đổi thường xuyên. Bên cạnh đó, tình trạng “luật ống, luật khung” vẫn còn.
 
Một khía cạnh khác trong công tác của Quốc hội khoá XII khiến tôi băn khoăn đó là: thời gian giám sát còn hạn chế; việc thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm thực hiện do thiếu cơ chế. Việc chất vấn của ĐBQH mới chỉ dừng ở một số nhóm vấn đề chưa bao trùm các vấn đề bức thiết của cuộc sống.
 
Đối với các quyết định của Quốc hội khoá XII, tôi thấy, khoá này đã có những quyết định khá sáng suốt về những vấn đề quan trọng như dự án đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, một số vấn đề khác thì lại chưa “sát” như việc sáp nhập Hà Nội, việc sáp nhập bộ ngành chưa tinh giản được bộ máy.
 

ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang): Nên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với Quốc hội
Đại biểu Quốc hội đã trao đổi rất sôi nổi, thẳng thắn, có trách nhiệm, góp phần quan trọng trong việc đưa ra những quyết sách lớn.
 
Có thể nói đưa ra được quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước là điểm nhấn trong hoạt động của Quốc hội khóa này, như việc mở rộng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch tổng thể xây dựng Thủ đô mới, đường sắt cao tốc, nhà máy điện hạt nhân... Có lẽ so với các kỳ Quốc hội trước thì Quốc hội khóa này đặt lên vai rất nhiều vấn đề; trong đó có những vấn đề mang tính lịch sử. ĐBQH đã trao đổi rất sôi nổi, thẳng thắn, có trách nhiệm, góp phần quan trọng trong việc đưa ra những quyết sách lớn. Qua hoạt động này cũng đặt ra phương hướng trong nhiệm kỳ tới. Cụ thể là phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội nói riêng và các cơ quan trong hệ thống chính trị nói chung. Thay vì như trước đây Đảng quyết định rồi đưa ra Quốc hội thảo luận, thì giờ nên để Quốc hội xem xét thảo luận trước rồi sau đấy Đảng thảo luận ra Nghị quyết và đưa vấn đề quay trở lại Quốc hội, biến nó trở thành quy phạm pháp luật để Chính phủ dựa vào đó mà triển khai thực hiện.
 
Tuấn Cường - H.M - Ngọc ƯỚC (ghi)



(Theo Daidoanket.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)