Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 29/03/2011 09:20
Đọc Hội thề của Nguyễn Quang Thân: Ðâu là sự thật lịch sử?
Tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân đang được dư luận quan tâm chỉ ra những bất cập, tính chất phi lịch sử khi xây dựng các nhân vật tướng lĩnh của quân Minh như những người tử tế, nhân ái, trong khi đó lại xây dựng các tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn như những kẻ dốt nát, thô lỗ, tàn bạo, phàm phu tục tử.
Vấn đề của Hội thề chọn chưa đúng điểm rơi

Hội thề là một cuốn tiểu thuyết có hồn cốt. Nút thắt của cuốn tiểu thuyết là xung đột trong nội bộ nghĩa quân Lam Sơn: Một phái chủ trương kết thúc chiến tranh bằng giải pháp nhân nghĩa; một phái chủ trương dùng sức mạnh của gươm giáo để cho kẻ thù biết mặt…; một phái chủ trương “đánh thành”, một phái chủ trương “đánh vào lòng người”… Từ cái hồn cốt này, hình như Nguyễn Quang Thân muốn đẩy vấn đề xa hơn: lý giải ngọn nguồn của những sự lộn xộn, những bi kịch đen tối mang tính lịch sử của nội tình nhà hậu Lê sau này, dẫn tới cái chết đau thương của Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ… những người góp công lớn xây dựng nên triều đại nhà hậu Lê?! Từ đó, tác giả muốn cắt nghĩa cái sâu xa về bản chất của một cuộc khởi nghĩa nông dân với những tấn bi kịch mang tính lịch sử: khi mà anh nông dân giành được quyền lực chính trị về tay mình.

Để chuyển tải được cái hồn cốt này, Nguyễn Quang Thân đã dựng lên một hệ thống hình tượng nhân vật đại biểu cho 2 phái: Một phái chủ chiến, một phái chủ hòa. Theo người viết bài này, Phạm Vấn và Lê Sát bị Nguyễn Quang Thân tô quá đậm, có phần phóng đại trong bối cảnh không ăn nhập, đó là một chỗ non yếu sinh tử trong cấu tứ của tiểu thuyết Hội thề. Nguyễn Quang Thân tả: “Dưới con mắt họ (Phạm Vấn, Lê Sát) những kẻ ham đọc sách chỉ là lũ thầy cúng thầy mo hay vẽ chuyện lung lạc chúa công và tướng sĩ. Phạm Vấn đã nhiều lần nhổ nước bọt khi thấy ông đọc thơ”. Ông đã cài, gắn vào mồm Lê Sát những câu như: “Xưa nay sơn hà đổ nát là do bọn nho sĩ chỉ biết đọc sách mà không dám cầm cung kiếm”. Còn thiếu úy Phạm Vấn thì được ông mô tả: “Đôi mắt xếch, trán thấp, không tương xứng với bộ mặt và thân hình cao lớn, làm ông có vẻ mặt của một võ quan nhiều mưu trí lắt léo và một tâm hồn hẹp hòi, lắm tham vọng lớn hơn là một tráng sĩ coi cái chết tựa lông hồng”. Có thể nói, cách nhìn nhận thiên lệch này đã quán xuyến từ đầu đến cuối trong tiểu thuyết Hội thề khi nhà văn mô tả đám chủ chiến, phái “võ biền” trong lực lượng nghĩa quân Lam Sơn! Còn Lê Lợi thì được Nguyễn Quang Thân nhìn nhận như một thủ lĩnh chỉ tìm cách lợi dụng trí thức hơn là trọng dụng họ. Ông để cho Lê Lợi nghĩ thế này: “Mấy ông nhà nho kia chữ nghĩa đầy bụng nhưng liệu họ chịu khấu đầu giúp  ta đến lúc nào? Có lẽ nghiệp lớn rồi phải trông cậy vào bọn ít học, thô lậu nhưng trung trinh mới nên chăng?”.

Nguyễn Quang Thân đã mô tả cái đám chủ chiến võ biền ấy gắn kết với nhau một cách bản năng, do những tham vọng thôi thúc chứ họ chẳng có lý tưởng gì cao sang. Nếu nghĩa quân Lam Sơn chỉ là đám quân ô hợp, không lý tưởng như vậy thì làm sao có thể vượt qua những hoàn cảnh éo le, khốc liệt; làm sao Nguyễn Trãi có thể viết nên những câu:

Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới; Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…

Nếu nói về sự phân tâm trong nội bộ nhà hậu Lê, sự chia phe phái tìm cách chèn diệt lẫn nhau mà chọn thời điểm cận với giai đoạn diễn ra Hội thề Đông Quan là thiếu cơ sở. Đây là giai đoạn mà phần lớn nghĩa quân toàn tâm toàn ý dốc sức, dốc lòng đánh giặc. Đó chính là cái bất cập của Hội thề do việc chọn điểm rơi sai.

Sự thật văn học có trùng khớp với sự thật lịch sử?

Một sản phẩm văn học đòi hỏi nhà văn khi mô tả một con người, một sự kiện, một tình tiết của giai đoạn nào thì tình tiết đó phải diễn tả cho đúng được cái lõi, cái bản chất nhất của dòng chủ lưu… Dòng chủ lưu của giai đoạn lịch sử mà Hội thề tái hiện là gì? Đó là giai đoạn mà bản chất của quân Minh đã được Nguyễn Trãi mô tả trong Bình Ngô đại cáo:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ/… Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch tanh hôi…

Để buộc quân Minh rút về nước, dứt khoát phải dùng giải pháp quân sự, vấn đề là đánh vào đâu để chắc thắng và đỡ hao tổn xương máu, đó là một bài toán. Khi đã tiêu diệt được Xương Giang, bắt sống được Thôi Tụ, Hoàng Phúc thì việc dụ hàng Vương Thông là giải pháp tối ưu. Đây là một mũi tên đạt nhiều mục đích, một hành vi “vuốt mặt nhưng vẫn nể mũi” của Lê Lợi với triều đình nhà Minh - một nước lớn…

Thế nhưng Nguyễn Quang Thân đã dùng các sự kiện lịch sử có thật này theo một tinh thần khác hẳn với dòng chủ lưu của giai đoạn đó để sáng tác Hội thề thành một tiểu thuyết phanh phui sự đối lập giữa anh nông dân và tầng lớp trí thức; nông dân mà nắm chính quyền thì trí thức nếu không bị giết cũng phải đi ăn mày… Nhìn nhận như vậy là có phần phiến diện, cực đoan; chỉ thấy cái ẩm ương của anh nông dân khi có quyền lực trong tay mà chưa nhìn thấy vai trò của nông dân trong toàn bộ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc…

Hội thề là cuốn tiểu thuyết đi sâu vào thế giới tinh thần của những gương mặt chủ chốt làm nên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhằm làm nổi rõ cái chất thô lậu, hung tàn, hiếu sát của một số tướng lĩnh nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Quang Thân đã bịa đặt và gán ghép nhiều tình tiết để mô tả những viên tướng nhà Minh, những kẻ đi xâm lược từng gây ra biết bao tội ác với Đại Việt như những hiệp sĩ, những con người có học và cao thượng. Việc Hội thề hư cấu chuyện Nguyễn Trãi có quan hệ suồng sã với hàng tướng Thái Phúc, nhường khoang thuyền cho Thái Phúc để y hú hí với một cầm ca; mô tả Thái Phúc như một hàng tướng cao thượng tới mức, mười năm không biết mùi đàn bà, rồi lại để cho Nguyễn Trãi xưng hô huynh đệ với Thái Phúc là những đoạn viết buông tuồng…

Ông còn gán vào miệng Nguyễn Phi Khanh những lời lẽ thiếu tự trọng khi cho Thái Phúc kể lại rằng lúc bị bắt giải sang Trung Quốc, Nguyễn Phi Khanh đã nói với Thái Phúc: “Mang thân kẻ đi đày tôi mới hiểu câu: Tứ hải giai huynh đệ. Ở đâu cũng có thể gặp người có nhân. Ngài ít tuổi hơn tôi nhưng xin cho tôi được coi người là anh?”. Trời đất! Một con người như Nguyễn Phi Khanh, gạt nước mắt khuyên Nguyễn Trãi hãy quay về tìm cách cứu nước, đánh đuổi quân Minh, trả thù cho cha… mà lại có thể buông ra những lời thớ lợ như vậy với tên tướng Minh đang áp giải mình hay sao?

Qua những gì Nguyễn Quang Thân viết trong Hội thề thì Nguyễn Trãi chỉ có thể tìm được những lời tâm giao từ các đại ca đến từ phương Bắc. Còn đối với những chiến hữu của ông thì: “Cái đau khổ nhất của ông là luôn phải cãi nhau với những người anh em Lam Sơn, những đại phu, tướng lĩnh không có mấy chữ nghĩa, kể cả nhà vua. Ông bực bội với những lý sự cùn, những kiến giải bất cập nhiều lúc có thể bẻ lái con thuyền nghĩa quân húc vào ghềnh thác…”.

Vương Thông đã được Nguyễn Quang Thần tô vẽ bằng tình tiết bịa: thua bại đến nơi rồi mà vẫn còn cao thượng, ga-lăng, anh dũng với chị em phụ nữ. Trước cái đêm mở cửa thành ra để tham gia hội thề, cuốn cờ về nước, Vương Thông còn mang theo 200 kỵ mã, liều chết mở cửa thành để đưa người con gái Đại Việt mà y cướp được trả về cho bố mẹ của cô? Cái chết của Thôi Tụ cũng được ông mô tả rất hoành tráng, như cái chết của một anh hùng, trước khi bị chém còn thét lên sang sảng: “- Ta không hàng! Hãy chôn ta vào đống cứt còn hơn sống mà làm lũ man di!”. Trong khi đó, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã viết về Thôi Tụ và vua quan nhà Minh thật thảm hại:

Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội/ Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng…/…Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa về đến nước mà vẫn còn tim đập chân run…

Có lẽ do những vấn đề của đời sống hiện tại tác động vào quá đậm đặc, làm cho Nguyễn Quang Thân bị bức xúc nên ông đã mượn cuộc khởi nghĩa của những người áo vải Lam Sơn để trút vào đó những điều ông bị dồn nén. Như ngạn ngữ đã đúc kết: No thì mất ngon mà giận thì mất khôn. Đó là cảm nhận bước đầu của người viết bài này khi đọc xong  Hội thề của Nguyễn Quang Thân và nghiền ngẫm về những gì mà ông đã dồn bao tâm huyết, sức lực để biến nó thành tác phẩm văn chương.

Mong người đọc chia sẻ với ông điều này; tránh quy chụp. Nếu không tỉnh táo thì người đọc chúng ta lại mắc vào cái lỗi mà chính Nguyễn Quang Thân đã lỡ mắc phải: Giận mất tỉnh táo?!



(Theo Suckhoedoisong.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)