Bìa sách với hình bà Dao Ánh thời trẻ
Xiêu đổ trái tim người đọc
Lời văn và cách dùng
từ của Trịnh, trước hết phải nói là rất thích hợp với thời điểm diễn ra
mối tình của ông. Mềm mượt, êm ái, tả cảnh, tả tâm trạng khi yêu làm
xiêu đổ trái tim người đọc. Ngay cả kiểu chữ viết của ông, một thời được
giới trẻ bắt chước viết đầy trong các tập lưu bút, tập nhạc, tập thơ và
báo tường.
Từ thuở ấy, Trịnh đã
ru tình một cách tuyệt vời. Những chiều mưa buồn, những sáng nắng lên,
những đêm cô tịch đều gắn với nỗi nhớ thương người yêu mà Trịnh cho biết
rằng: ngôn ngữ quá cũ kỹ, quá chật hẹp không chuyên chở nổi sự nhớ
nhung của ông, cho nên dẫu ông đã gọi, đã nói, đã nhắc mãi mỗi ngày mà
nỗi nhớ nhung vẫn tràn đầy. Cầm trong tay một bức tình thư, với những
điều thổ lộ như vậy, làm sao người ta có thể… không yêu?
Gọi tên người yêu
trong thư, ông cũng không chỉ gọi bình thường, mà ông gọi nhiều lần,
ngay trên một dòng: Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi… Tưởng như tiếng vọng thổn
thức của trái tim cứ còn ngân vang kéo dài đâu đó và như là vượt ra khỏi
trang giấy nữa. Chưa hết, ông còn đặt tên riêng cho người mình yêu để
chỉ riêng mình gọi thôi: “Dao Ánh sương mù”, “Dao Ánh hướng dương!” Gắn
người tình với hình ảnh sương mù, có lẽ là vì ông cảm nhận được mối tình
bảng lảng, tuy gần gụi trước mắt nhưng lại khó nắm giữ. Gắn người tình
với hình ảnh hoa hướng dương có lẽ là vì đó là loài hoa rực rỡ nhất của
Đà Lạt nở bừng trong sương lạnh chỉ có một hướng duy nhất là hướng mặt
trời, như tình yêu “một chiều” của chính ông dành cho Dao Ánh- tôi tự
“suy diễn” như vậy để cảm…
Kiểu chữ viết của Trịnh Công Sơn rất được yêu thích
Đọc mà thấy thương
Liệu
hôm nay có chàng trai nào đủ yêu, đủ thời gian, đủ khả năng để phơi bày
lòng mình mượt mềm như thế? Liệu có cô gái nào đủ kiên nhẫn, đủ tầm để
lắng nghe, để nhìn ngắm, để tôn thờ những lời yêu thương chầm chậm lướt
qua và lấp lánh như những viên ngọc trai? |
Trịnh
rất siêng viết thư – có đến hơn 300 lá thư được viết trong 3 năm từ
1964 đến 1967 và được bà Dao Ánh gìn giữ cho đến hôm nay – để nói chuyện
với người tình ở xa. Giọng điệu thủ thỉ: “Buổi trưa anh không ngủ được
nên đi lang thang ra phố, mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh chạy về đây”. Có
lúc trầm lắng: “Anh nhớ Ánh vô cùng đó Ánh”. Có lúc lại như một… ông
già: “Anh chợt nghĩ cuộc đời buồn bã thế này sao chúng mình không tha
thiết với nhau hơn!”. Cũng giống những đôi tình nhân khác trên cõi đời
này, hẹn hò và lỡ hẹn, giận nhau rồi xin lỗi.
Đọc Trịnh Công Sơn
nắn nót xin lỗi Dao Ánh mà thấy thương: “Anh xin tạ tội cùng Ánh. Anh
xin lỗi một lần nữa vì đã thất hẹn. Sáng nay, Ánh không qua anh vì chắc
thế nào cũng còn tức nhưng chiều nay thì qua thăm anh nghe. Nhớ qua sớm
để chúng mình có thì giờ đi chơi với nhau, nếu Ánh thích. Mùa xuân, chắc
Ánh không giận anh lâu…”.
Không chỉ có hai
người, trong thư tình của Trịnh còn có không gian, có cây cối, có tiếng
thở dài, có nỗi buồn trôi qua kẽ tay. Ông nói hết mọi thứ cho người yêu
nghe, như là Dao Ánh đang ngồi trước mặt. “Mưa rất buồn như một điệp
khúc dai dẳng trong mùa đông này, làm sao chúng mình níu được tay nhau
?”. Ông miệt mài tâm sự: “Mỗi ngày sống qua là mỗi ngày thấy sự bình an
sa sút đi một chút, tâm hồn cũng hư hao đi ít nhiều. Anh mong sao mình
có phép mầu để làm cho người mình yêu được hạnh phúc”. Cả Trịnh và Dao
Ánh, chắc đều là… học sinh giỏi văn thì mới có thể viết và cảm thụ hết
những gì họ dành cho nhau được viết lên trang giấy.
Đến lúc phải nói lời
cuối cho cuộc tình, nhạc sĩ họ Trịnh nhận hết lỗi về mình: “Anh cam
đành làm người bội bạc. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Chúng
mình chấm dứt tình yêu đó ở đây. Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và
đời đời hạnh phúc”. Thư ông viết cho người tình rất hay. Phải có một
tình yêu sâu đậm lắm và phải có một khả năng diễn đạt cảm xúc của tâm
hồn thành lời mới trở thành chủ nhân của những bức thư nồng nàn vừa thấm
đượm thương yêu vừa thắm đượm nét buồn bã nên thơ đến thế.
Mỗi người khi tìm
đến Thư tình gửi một người chắc chắn đều sẽ có cảm nhận của riêng mình.
Tất nhiên, trong thời buổi tốc độ như hiện nay, khi mà mọi thứ đều nhanh
như một cái click chuột thì những lá tình thư như Trịnh Công Sơn chắc
là rất hiếm hoi, thật không dễ để thực hiện. Và, cũng không dễ để thẩm
thấu. Vì vậy, cầm quyển sách trên tay vừa ao ước vừa ngậm ngùi: Làm sao
có thể là ...
(Theo nld.com.vn)