Theo Tổng cục Du lịch, du lịch biển đảo được xem là một trong 5 hướng
đột phá để phát triển kinh tế biển, ven biển. Thế nhưng, mỗi năm mới có
khoảng 10% khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển và thời gian neo
đậu của tàu du lịch tại cảng cũng chỉ từ 8-24 giờ.
 |
Khách du lịch bay dù trên bãi biển Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Linh Tâm |
Đánh giá thực trạng phát triển du lịch
biển nước ta sau nhiều năm nghiên cứu, PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch thẳng thắn thừa nhận, do chưa
hình thành những sản phẩm đặc sắc, có sức cạnh tranh cao nên du lịch
biển Việt Nam chưa hấp dẫn du khách. Hiện nước ta cũng chưa có khu du
lịch biển tổng hợp đạt trình độ quốc tế. Chính vì vậy, nhiều du khách
nước ngoài đã loại Việt Nam ra khỏi danh sách điểm đến lý tưởng trong
hành trình du lịch tàu biển. Đáng bàn là việc khai thác tài nguyên du
lịch ở vùng ven biển nước ta thiếu bền vững do tình trạng chồng chéo
trong quản lý. Đầu tiên phải kể đến là việc khai thác rừng ngập mặn,
khai thác vật liệu xây dựng (cát biển, núi đá…), nước ngầm, thủy sản… đã
làm suy giảm tài nguyên vùng ven biển, ảnh hưởng đến sự phát triển du
lịch bền vững. "Chúng ta hầu như phụ thuộc vào việc khai thác, tận dụng
những lợi thế sẵn có của tự nhiên mà chưa có sự tái đầu tư lẫn bảo tồn
tài nguyên du lịch biển", PGS-TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.
Ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của du khách nước ngoài sau mỗi hành
trình, hướng dẫn viên Anh Huy kể: "Tôi đã được nghe một du khách Đức
nhận xét rằng, 90% người Đức có nhu cầu đi du lịch và nơi họ muốn đến là
các vùng đất nhiệt đới giàu tiềm năng du lịch biển. Việt Nam được thiên
nhiên ưu ái ban tặng nhiều bãi biển tuyệt đẹp, cơ sở hạ tầng không hề
thua kém các nước trong khu vực nhưng vì sao đến thời điểm này, đất nước
của các bạn lại chưa thực sự trở thành một điểm du lịch biển hấp dẫn,
có thể cạnh tranh với các bãi biển trong khu vực như Bali của Indonesia,
Phuket của Thái Lan… Đó là lỗi lớn của những người làm du lịch".
Tận dụng tốt cơ hội
Bước vào mùa du lịch, tại các vùng biển trải dài khắp Bắc - Trung - Nam
diễn ra hàng trăm lễ hội du lịch biển. Nhưng lễ hội nào cũng na ná nhau,
"món" chủ đạo bao giờ cũng là biểu diễn nghệ thuật, hội thi, hội chợ,
giải thể thao... rất nhàm chán. Kết quả là khách chỉ đến một lần, không
muốn quay lại.
Không chỉ vậy, tình trạng "chặt chém" tại các điểm du lịch biển vào mùa
cao điểm cũng đang trở thành rào cản trên con đường đưa du khách đến với
du lịch biển Việt Nam. Theo ông Paul Stoll, Tổng Giám đốc Tập đoàn
Celadon International, du lịch Việt Nam phát triển thiếu quy hoạch, mỗi
địa phương và từng doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi ích cục bộ mà không có
sự hợp tác chặt chẽ để khai thác hợp lý tài nguyên và tạo ra chuỗi sản
phẩm khác biệt. So sánh với "láng giềng" Thái Lan, nhà cung cấp dịch vụ
vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, các đơn vị lữ hành, tổ chức tour "bắt
tay" rất chặt chẽ. Ngay cả thời điểm xảy ra bất ổn chính trị, Thái Lan
vẫn thu hút lượng khách quốc tế gấp 3 lần Việt Nam. Cái sự hơn ấy là do
họ đã áp dụng thành công chiến lược phát triển du lịch đồng bộ, dài hơi
thông qua nhiều biện pháp kích cầu giảm giá, nâng cao chất lượng dịch
vụ…
Trước khi khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2011, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL
Hoàng Tuấn Anh đã kêu gọi các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên và các
tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ phải đặc biệt chú ý tới hiện tượng nâng giá,
ép khách sử dụng các dịch vụ ăn uống, phòng khách sạn, phương tiện vận
chuyển; tránh tình trạng khách đến tham dự các sự kiện nhưng không có
chỗ ăn, nghỉ, giá phòng khách sạn bị đẩy cao vô lý. Bộ trưởng Hoàng Tuấn
Anh cũng yêu cầu, tỉnh Phú Yên phải thực hiện niêm yết giá công khai
kết hợp nâng cao chất lượng dịch vụ và nhân lực để phục vụ du khách tốt
nhất.
Đã bắt đầu một sự kiện lớn của ngành du lịch trong năm 2011 do tỉnh Phú
Yên đăng cai cùng sự tham gia của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình
Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đà Nẵng. Hy vọng, những người
làm du lịch sẽ nắm bắt được cơ hội giới thiệu vẻ đẹp của biển Việt Nam
với du khách.
Ông
Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngành
đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa Việt Nam đứng vào nhóm các nước
có du lịch biển phát triển nhất Đông Nam Á. Từ nay đến thời điểm đó,
Việt Nam phải hình thành 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao là
Hạ Long - Cát Bà, Lăng Cô - Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh,
Phan Thiết - Mũi Né và Phú Quốc. |