Cây
hoa gạo cạnh bến Đục đã nở đỏ rực xua bớt đi cái âm u của những ngày
miền Bắc lạnh tăng cường. Cả cây hoa rực cháy trên nền trời xanh thẫm.
Mỗi bông hoa gạo như những đốm lửa nhảy nhót trên cành cây.
Muốn
vào chùa Hương, du khách chỉ có một con đường “độc đạo” là đi thuyền
trên suối Yến. Bến Đục thuyền vào, bến Trò thuyền ra. Có người hỏi rằng:
sao không làm đường bộ vào thẳng chùa có nhanh hơn không?
Thế
nhưng, chính dòng suối Yến hiền hòa, quanh co giữa những dãy núi đá vôi
đã làm nên nét rất riêng của thắng cảnh chùa Hương mà không phải nơi
nào cũng có được.
Trên
dòng, nước xanh trong veo, du khách có thể soi mình hay buông những
cánh tay trần xuống nước để mặc cho chúng vuốt ve âu yếm. Thuyền đủng
đỉnh khua mái chèo trên suối Yến, giữa cảnh mây trời non nước hữu tình,
ngắm hoa gạo nở bên vách núi đem lại cho du khách cảm giác thư thả, bình
yên đến lạ kỳ
Trên đường vào chùa Hương còn có đỉnh núi cột cờ nơi ghi dấu ấn bắn rơi máy bay Mỹ của các cụ phụ lão ngày xưa.
Chùa
Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo, gồm hàng
chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình. Đầu tiên
là đền Trình, thuyền ghé vào để khách hành hương "trình diện" tâm ý với
sơn thần sở tại trước khi đặt chân lên cõi Phật. Đền nằm dưới chân một
quả núi dựng lên năm ngọn nên được đặt tên là Ngũ Nhạc. Đền còn có tên
Quan Lớn, thờ một bộ tướng của vua Hùng.
Khu
vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên
Trù. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba
dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp
độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Sắm một mâm lễ có
vài nhành hoa bưởi thơm ngát tỏ lòng thành tâm trước đức Phật.




Chùa
Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một
động đá thiên nhiên. Con đường lên động Hương Tích quanh co theo sườn
núi khiến cho không ít du khách nản chí nhưng khi lên tới động lại thấy
lòng thanh thản, bình an như đã vượt qua một hành trình tìm về đất Phật.
Vách trước cửa động có năm chữ Hán: Nam thiên đệ nhất động khắc năm
1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương - Trịnh Sâm.




Chùa
Hương là nguồn gợi hứng cho nhiều tác phẩm thi ca Việt Nam, trong số đó
nổi tiếng nhất có lẽ là bài hát nói "Hương Sơn phong cảnh ca" của Chu
Mạnh Trinh, làm từ thế kỷ 19, xưa nay rất được ca ngợi:
"Bầu trời cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
"Đệ nhất động" hỏi rằng đây có phải!
Thỏ thẻ rừng mai chim cùng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh..."
(Theo afamily.vn)