Theo báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam năm 2010 của Tổ chức Lao động
quốc tế (ILO) sự mất cân bằng giới đang ngày càng tăng trong thị trường
lao động. Năm 2009, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 72,3%,
thấp hơn so với nam là 8,7%. So với nam giới tương đương, phụ nữ khó
kiếm việc làm hơn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Phụ nữ càng khó tìm được
việc làm chính thức dẫn tới ít được hưởng những quyền gắn liền việc làm
bền vững. Tỷ lệ việc làm bấp bênh ở nữ là 69,1%, cao hơn nam là 14,7% (ở
mức 54,4%). Mặc dù công tác BĐG đã có nhiều tiến bộ trên toàn quốc,
song tại nhiều vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ biết đọc, viết và được giáo dục
vẫn còn nhiều khác biệt giữa nam và nữ…
Tại Diễn đàn Đối thoại BĐG (do Bộ LĐ-TB&XH và Văn phòng LHQ tại Hà
Nội phối hợp tổ chức ngày 9-3), Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH
Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm hoàn thiện luật pháp,
chính sách BĐG, tăng cường triển khai thực hiện các chương trình, dự án
thúc đẩy BĐG và sự tiến bộ của phụ nữ. Ông cho biết, Chiến lược quốc gia
BĐG giai đoạn 2011-2020, đẩy mạnh việc trao quyền cho phụ nữ trên mọi
lĩnh vực, trong đó có giảm khoảng cách giới trong giáo dục, đào tạo,
khoa học, công nghệ và chính trị. Các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể
đang đồng loạt xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược này.
Phát biểu tại hội nghị cấp cao về các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến
lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Rất cần có các dự án cụ thể về nâng cao
năng lực quản lý nhà nước về BĐG, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nữ để
giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm, đề bạt vào vị trí quản lý, lãnh đạo các
cấp… Công tác đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ nữ đủ sức đáp ứng yêu cầu
phát triển, các chính sách về dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ về nhà ở,
chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho phụ nữ, hệ thống các dịch vụ gia
đình để hỗ trợ phụ nữ tham gia hoạt động xã hội… rất cần được quan tâm,
phát triển.
Hiện nay, định kiến giới vẫn còn tồn tại dai dẳng ở nhiều cấp, nhiều
lĩnh vực. Trong gia đình và ngoài xã hội vẫn còn biểu hiện hẹp hòi,
thiếu tin tưởng vào khả năng của phụ nữ… Vì vậy, công tác truyền thông
nâng cao nhận thức, phá bỏ các rào cản văn hóa lạc hậu, dẫn tới thay đổi
hành vi rất cần được chú trọng, nhất là ở các cấp lãnh đạo. Chính phủ
cần có nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp, thiết thực cho các vùng,
miền có chỉ số BĐG thấp.
Bên cạnh các giải pháp quyết liệt, việc thúc đẩy công tác cán bộ nữ cần
được tiến hành thường xuyên, liên tục, công tác kiểm tra, giám sát thực
hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và BĐG cần được nâng
cao, đưa vào nội dung kiểm tra hằng năm của các cấp ủy Đảng, chính
quyền. Nhưng trên hết, để giành được quyền BĐG chính đáng, phụ nữ phải
nỗ lực rèn luyện, khẳng định phẩm chất, năng lực, vị trí, vai trò của
mình trong mọi lĩnh vực; tránh tự ti, an phận, đố kỵ, những nhược điểm
làm mất đi nhiều cơ hội của phụ nữ.
(Theo Hanoimoi.com.vn)