"Xuất khẩu" văn học ra thế giới: Mơ ước và hiện thực
Trong điều kiện các nhà
xuất bản lớn ở nước ngoài dường như ít chú ý đến các nền văn học nhỏ,
một trong những nguyên nhân khiến nhà văn và tác phẩm văn học nước ta ít
được biết đến ở nước ngoài là do sự hội nhập văn học, văn hóa với thế
giới của chúng ta hơi muộn. Các nhà văn ta chưa được chuẩn bị một nền
tảng ngoại ngữ vững chắc. Điều kiện kinh tế của các nhà xuất bản chưa
cho phép, điều kiện dịch thuật cũng chưa ở mức tốt. Các nhà văn nước
ngoài cũng có rất ít thông tin về đất nước, văn học Việt Nam. Đó là
những rào cản cơ bản trong quá trình quảng bá văn học Việt Nam ra thế
giới.
Vậy vấn đề quan trọng của những người làm sách Việt Nam là
gì? Đó là sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường quảng bá,
giới thiệu, dịch thuật, đưa văn chương Việt đến với đông đảo độc giả
trên thế giới.
Tại hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam
những ngày đầu năm 2011, nhiều nhà văn, dịch giả nước ngoài đều có cùng ý
kiến là họ đến để tìm hiểu về các nhà văn Việt Nam, muốn tìm các tác
phẩm văn học phản ánh đời sống đương đại Việt Nam để chuyển ngữ, để có
cơ hội trao đổi về nghề nghiệp với đồng nghiệp Việt Nam, để kiếm tìm
niềm say mê trong việc dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài.
Các
tác giả Việt được dịch ra nước ngoài không nhiều. Gần đây, có thể kể
đến thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay một số tác giả Nguyễn Huy Thiệp,
Trần Quang Quý, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Thuần…Một
số nhà xuất bản ở nước ngoài có đề xuất muốn được nhà xuất bản (NXB) ở
Việt Nam hỗ trợ hoặc lấy rẻ tiền bản quyền. Đó là điều mà các nhà xuất
bản nước ta phải cân nhắc thêm. Bởi lẽ phải có sự cân bằng giữa kinh phí
mua bản quyền các tác phẩm văn học nước ngoài và việc bán bản quyền tác
phẩm văn học Việt - điều mà không phải NXB nào cũng làm tốt.
Làm
thế nào để văn học Việt Nam có chỗ đứng trong lòng độc giả nước ngoài,
đó là câu hỏi mà những người làm sách Việt cần đồng tâm trả lời. Để làm
tốt điều đó phải có sự tác động khôn khéo, đồng bộ từ hai chiều, ở trong
nước và ngoài nước.
Sách Việt Nam được dịch ra tiếng Nhật. |
Trước
hết cần tổ chức những hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam dành cho các
dịch giả, những người Việt sống ở nước ngoài, những nhà xuất bản có khả
năng phát hành ra nước ngoài… các guidebook - sách giới thiệu vắn tắt
về văn học cũng là việc các nhà làm sách Việt cần thực hiện. Những
chuyến tham quan, trao đổi sáng tác ở nước ngoài dành cho các nhà văn
Việt Nam cũng như mời các nhà văn nước ngoài đến Việt Nam là một trong
những hoạt động trực tiếp cần đươc triển khai.
Việc chủ động giới
thiệu bản thân một cách thuyết phục thông qua những dự án dịch thuật có
hệ thống là ý kiến mới của dịch giả Đoàn Tử Huyến. Ông cho rằng Nhà
nước nên tài trợ “xuất khẩu văn học” từ việc tổ chức tuyển chọn, dịch
cho đến in ấn, phát hành. Việc “sáng tạo ra những tác phẩm thực sự xuất
sắc, thực sự thu hút được độc giả thế giới” theo dịch giả Phạm Xuân
Nguyên là điều mà nhà văn Việt cần phải chú trọng hơn cả nếu muốn giới
thiệu tác phẩm của mình ra thế giới.
Việc giới thiệu một cách tự
phát các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài thoạt nhìn có vẻ tích
cực nhưng về lâu dài cần có sự tác động tích cực của cơ quan chuyên
ngành hoặc cơ quan thẩm quyền thì công việc này mới được thúc đẩy mạnh
mẽ. Xây dựng quỹ dịch, xuất bản văn học Việt Nam ra nước ngoài cũng là
một ý kiến không tồi trong tình trạng các nhà xuất bản đều mong muốn có
thêm kinh phí trong việc giới thiệu các tác giả Việt Nam ra nước ngoài.
Mới
đây, NXB Trẻ gây bất ngờ tại cuộc họp báo kỷ niệm 30 năm thành lập bằng
tuyên bố: Năm 2011 sẽ là năm của sách văn học Việt Nam. Bất ngờ hơn nữa
là lần đầu tiên NXB này đã tung ra bản tiếng Anh của một cuốn sách văn
học Việt, cuốn Open the window, eyes closed (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)
của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần. Đây có thể được xem là cuốn sách dịch
ngược đầu tiên của NXB Trẻ. Chúng ta đã quá quen với việc dịch xuôi các
tác phẩm văn học nước ngoài, giờ đây, khi NXB năng động này bắt đầu dịch
văn học Việt ra tiếng nước ngoài cũng tức là bắt đầu gieo vào lòng độc
giả hy vọng về một thử nghiệm mới đáng hoan nghênh trong tình hình văn
học Việt Nam chưa thực sự có dấu ấn trên thế giới.
(Theo suckhoedoisong.vn)