 |
Ngày hội đọc sách sẽ đưa đến cho bạn đọc trên toàn quốc nhiều đầu sách hay, hấp dẫn. |
- Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có các hoạt động
tôn vinh văn hóa đọc nhân ngày Sách và bản quyền thế giới 23-4. Theo
ông, Ngày hội đọc sách Việt Nam 2011 có gì đặc biệt?
- Từ năm 2005, Thư viện Quốc gia đã tổ chức Ngày hội đọc sách 23-4, lan
tỏa trong hệ thống thư viện cả nước. Từ ngày thành lập đến nay, Thái Hà
Books cũng liên tục tổ chức Tháng đọc sách (tháng 4) và Tết sách (23-4)…
Nhiều đơn vị khác cũng có những hoạt động phong phú nhân sự kiện này.
Ngày hội đọc sách Việt Nam 2011 hình thành từ những ý tưởng trên, nhưng
lần đầu tiên thống nhất dưới sự tổ chức của Bộ VH, TT&DL và thu hút
được sự tham gia của nhiều đơn vị làm sách tư nhân, các mô hình xã hội
đưa sách tới cộng đồng…
- Là người đưa ra nhiều ý tưởng cho Ngày hội đọc sách Việt Nam 2011, ông kỳ vọng điều gì nhất qua sự kiện này?
- Tết năm 2010, tôi có dịp gặp gỡ gần 100 doanh nhân, đến một số nhà
thấy ai cũng hào hứng với tủ rượu, tủ nước hoa và tủ giày. Trả lời cho
thắc mắc của tôi về việc “tại sao không có tủ sách?”, đến Tết 2011 đã có
19 doanh nhân đóng tủ sách. Tôi tin tưởng con số này sẽ còn tăng lên,
sẽ tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng doanh nhân Việt. Ngày hội đọc sách
2011 có rất nhiều hoạt động, trong đó đặc biệt quan trọng là tặng sách
giờ vàng (dự kiến 5.000 cuốn) cho bạn đọc và các thư viện đang gặp khó
khăn. Mỗi cuốn sách được gửi đến bạn đọc sẽ đồng thời mang lại lợi ích
cho nhiều người. Chúng tôi mong muốn qua sự kiện này, góp phần thay đổi
nhận thức về văn hóa đọc.
- Ông có lạc quan với hình ảnh một ngày nào đó, mỗi người dân chúng ta từ thành thị đến nông thôn sẽ ngày ngày đọc sách?
- Không phải là lạc quan mà tôi rất tin tưởng vào điều đó, mặc dù hiện
nay trung bình mỗi năm, mỗi người Việt Nam chỉ mua 3,3 cuốn sách, đọc
2,8 cuốn, trong đó 80% là sách giáo khoa. Quá ít! Tối thiểu con số này
phải là 50 cuốn/một người/năm thì chúng ta mới có thể có văn hóa đọc.
Sách đã có nhiều hơn, nhưng vẫn còn đến 80% nông dân không đọc sách.
Muốn có văn hóa đọc thì phải đi từ gốc, phải là toàn dân đọc sách. Phải
tặng sách để kích thích việc đọc. Một lý do khác khiến tôi tin tưởng,
bởi vì xung quanh tôi có rất nhiều trí thức khác đang cổ vũ cho sự
nghiệp này.
- Cuối cùng, xin ông chia sẻ những điều tâm huyết của mình về việc đọc sách đối với bạn đọc?
-Văn hóa đọc thể hiện ở ba việc, đó là thói quen đọc sách, cách đọc
sách, cách chọn sách. Tất cả những gì tôi có được hôm nay đều là nhờ
sách. Thứ tài sản duy nhất trên thế gian này cho đi không bị mất đi, lại
còn được thêm đó là tri thức, mà trên 80% tri thức là từ sách. Tôi nhớ
thời vua Minh Trị đã chọn những cuốn sách tốt nhất của nhân loại để đưa
vào Nhật, tạo cơ sở cho cuộc bứt phá kỳ diệu của đất nước này. Bằng cách
làm những cuốn sách tốt, đọc những cuốn sách hay bạn sẽ góp phần xây
dựng và phát triển đất nước chúng ta.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Hanoimoi.com.vn)