Bức tranh gốm "Ngày hội non sông" dâng lên các Vua Hùng
đã dần đi đến công đoạn cuối cùng.
Khác với kỹ thuật ghép những miếng gốm Mosaic nhỏ như trên Con đường Gốm sứ, bức tranh gốm hoành tráng này được ghép từ 1400 tấm gốm cỡ 60x90cm với kỹ thuật vẽ men màu trên gốm nặng lửa. Đây cũng là một kỹ thuật làm tranh gốm truyền thống được sử dụng nhiều trên các công trình công cộng ở các nước châu Âu và châu Mỹ bên cạnh kỹ thuật ghép Mosaic.
 |
 |
Bức tranh gốm màu Ngày hội non sông trên đất Tổ được xây dựng trên khán đài B của đồi Phân Đậu, thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Bức tranh có chiều dài 72m, cao 9,9m ; hai bên có hai bức phù điêu lớn diễn tả cảnh Vua Hùng truyền ngôi và Vua Hùng kén rể. Nhìn tổng thể, bức tranh được đặt ở vị trí rất đắc địa, phía sau tựa lưng vào nền cây xanh của đồi, phía trước nhìn ra quảng trường lớn nơi diễn ra lễ hội. Tại trung tâm bức tranh ở vị trí trang trọng nhất là hình tượng mặt trời, tượng trưng cho Trời (Thiên) được đặt nằm trên hình bán nguyệt tượng trưng cho Đất (Địa). Trong vòng bán nguyệt bố cục bên tả là Rồng, bên hữu là Phượng. Rồng và Phượng và hình tượng của Tứ linh và là nguồn gốc nòi giống dân tộc Việt Nam: Con Rồng cháu Tiên. Phía dưới gợi mở như một trang sách truyền thống của nền Văn hóa Việt Nam. Trên trang sách đó là hình ảnh các dân tộc Việt Nam trên cả nước quy tụ về đây làm lễ dâng hương. Trong mảng trung tâm là hình ảnh 6 cô gái đang dâng lễ vật: bánh trưng, bánh dày (lễ vật truyền thống có từ đời Hùng Vương thứ 6) và hoa thơm trái ngọt từ mọi miền của Tổ Quốc. Số 6 là số tâm linh, là sự phát triển sinh sôi thịnh vượng.
Từ năm 1998, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Phú Thọ đã có chủ trương xây dựng cột biểu tượng Trống đồng chim Lạc và bức tranh gốm màu với chủ đề Ngày hội non sông trên đất Tổ. Sở Văn hóa Thông tin Phú Thọ khi đó đã tập hợp một số các nhà điêu khắc, các kiến trúc sư và các họa sĩ có uy tín của thủ đô Hà Nội sáng tác phác thảo cột biểu tượng và bức tranh gốm màu. Trải qua nhiều năm, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm của các nhà sử học, các nhà văn hóa và giới chuyên môn kết hợp với Hội đồng nghệ thuật đã làm việc nghiêm túc và đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu cho nhóm tác giả, phác thảo bức tranh đã được thay đổi nhiều lần từ hình thức đến nội dung và cả địa điểm xây dựng. Qua nhiều lần tuyển chọn và được sự ủng hộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, phác thảo bức tranh của họa sĩ Mai Văn Kế (67 tuổi) và Lê Ngọc Hân (76 tuổi ) đã được chọn và hoàn chỉnh. Hai họa sĩ đã đi đi về về không biết bao nhiêu lần từ Hà Nội lên Phú Thọ để nghiên cứu và lấy tư liệu. Cả hai đều rất tâm huyết và tràn đầy cảm hứng với truyền thống lịch sử và các lễ hội dân gian nơi đất Tổ. Bức tranh đã đi từ ý tưởng đến hiện thực trong 12 năm.
 |
Họa sĩ Mai Văn Kế ( ngoài cùng bên phải) và họa sĩ Lê Ngọc Hân (ngoài cùng bên trái) cùng các họa sĩ trẻ đang trên giàn giáo thi công tranh gốm.
Họa sĩ Mai Văn Kế tâm sự: "Lễ hội đền Hùng là nơi quy tụ các nền văn hóa của các dân tộc trên cả nước. Xuyên suốt bức tranh là hình tượng quả trứng lấy từ truyền thuyết Trăm trứng trăm con của Mẹ Âu Cơ, trong các quả trứng này thể hiện các lễ hội tiêu biểu như: lễ hội rước kiệu về hội tụ tại Đền Hùng, lễ hội rước Lúa Thần với các tiết mục nổi tiếng của Bách nghệ khôi hài, rước Chúa gái, Hội Phết... Hội Phết được bắt nguồn từ thời Hai Bà Trưng dùng Phết để luyện quân. Tới nay, dành được quả Phết trong lễ hội là niềm mơ ước của tất cả mọi người tham gia trảy hội vì thế nhân dân ta có câu " Vui ra Phết". Mở đầu mảng bên trái bức tranh là hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng với đàn con đang hăng say lao động, dù ở trên rừng, hay dưới biển đều sống trong không khí thanh bình, đó là hình ảnh một đất nước ấm no, thịnh, vượng. Kết thúc, mảng bên phải bức tranh là hình ảnh quê hương Phú Thọ đang thay da đổi thịt, văn minh hiện đại hôm nay và giàu đẹp thịnh vượng trong tương lai".
 |
 |
Bức tranh gốm được làm hết sức công phu với sự trợ giúp của một đội ngũ họa sĩ trẻ thể hiện phóng to phác thảo của họa sĩ Mai Văn Kế và Lê Ngọc Hân. Các tấm gốm được nung tại cơ sở gốm Hòa Phong, Bát Tràng, Hà Nội. Xen kẽ trên bức tranh là các lễ hội truyền thống như: Đua thuyền, đánh đu, lễ đánh trống đồng, kéo co, lễ Đâm đuống, ném còn, hát xoan. Trên bầu trời, cờ lễ hội rực rỡ tung bay, từng đàn chim từ bốn phương trời đều quy tụ về hướng mặt trời, nơi có ánh sáng tỏa ra của vùng đất Tổ. Quá trình thực hiện bức tranh gốm rất gian nan, nhưng không làm nản lòng các nghệ sĩ thủ đô. Đến nay kinh phí thực hiện bức tranh phần lớn do các nghệ sĩ tự bỏ ra và vay trước từ Quỹ tu bổ Đền Hùng. Quỹ đang hy vọng sẽ quyên góp được kinh phí thực hiện bức tranh gốm này từ các cá nhân doanh nghiệp thể hiện lòng tri ân với Tổ tiên.
(Theo Hanoimoi.com.vn)