Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945
Một trong những giá trị đó chính là mục tiêu có
tính chiến lược, không thể thay đổi, không mới, được chúng ta theo đuổi
suốt quá trình cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, đó
là : Dân chủ. Không phải ngẫu nhiên, người khai sinh ra nước Việt Nam
dân chủ cộng hòa nhiều lần nhắc đến việc phải nâng cao vai trò làm chủ
của nhân dân. Bản chất xã hội ta sau cách mạng lật đổ phong kiến, đánh
đuổi thực dân cũ và mới, suy cho cùng là ở chỗ người dân từ kiếp nô lệ
trở thành chủ nhân ông của một quốc gia độc lập. Chủ tịch Chính phủ lâm
thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, yêu cầu “ tổng tuyển cử càng nhanh
càng tốt” ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm
1945. Điều đó khẳng định lòng khát khao của vị lãnh tụ vĩ đại về việc
người dân thực sự được làm chủ vận mệnh của mình, vận mệnh của đất nước,
thông qua việc thực thi quyền được cử ra người đại diện cho mình thông
qua tuyển cử. Người coi ngày 6-1-1946 toàn dân đi bầu cử Quốc hội khóa I
là ngày sung sướng đối với nhân dân Việt Nam. Và thực sự cuộc tổng
tuyển cử đầu tiên ấy đã đi vào lịch sử như một mẫu mực của nền dân chủ
mới, khẳng định bản chất chế độ dân chủ của Nhà nước công nông đầu tiên ở
Đông Nam Á. Kể từ đó, vấn đề quyền làm chủ của nhân dân luôn được đặc
biệt quan tâm. Ở đâu quyền làm chủ của nhân dân chưa được thực thi tốt, ở
đó cần phải chỉ trích. Nơi nào đã có dân chủ, cần khích lệ, biểu dương,
mở rộng dân chủ hơn. Nền dân chủ mới sinh ra trong hoàn cảnh vô cùng
khó khăn, đã thổi sinh khí cho toàn dân ta, tạo ra sức sống kỳ diệu trên
con đường cách mạng. Một niềm tin giản dị mà vô cùng vững chắc : “ dễ
trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”!. Tinh
thần ấy biến thành sức mạnh hành động cách mạng. Khẩu hiệu “Việt Nam hòa
bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” không chỉ vang lên
khắp phố phường, thôn xóm mà thực sự thôi thúc hàng ngày, hàng giờ đối
với mỗi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt trẻ, già, trai,
gái, đảng phái, tôn giáo, miền ngược hay miền xuôi, miền Bắc, miền Trung
hay miền Nam... Chính vì thế cả dân tộc kết thành một khối triệu người
như một, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc trên cả nước vào năm 1975,
có nghĩa là toàn dân ta đã có hòa bình, thống nhất và độc lập. Dân chủ
và giàu mạnh tuy có những bước thăng trầm nhưng điều có thể khẳng định
nó là sự thay đổi căn bản so với ngày dân ta còn sống trong kiếp nô lệ
dưới thời thực dân phong kiến. Nhưng quy luật cuộc sống là vậy. Khi xã
hội đã phát triển thì nhu cầu về phát triển của xã hội càng tăng. Nhờ
thành tựu đổi mới mà đời sống vật chất của nhân dân ta nâng cao rõ rệt,
nước ta đã giàu mạnh hơn xưa rất nhiều, nhưng chính vì thế mà lúc này
hơn lúc nào hết yêu cầu giàu mạnh càng nổi lên mạnh mẽ, ước vọng làm
giàu, thoát nghèo, thoát tụt hậu của mỗi người dân cũng như của toàn dân
tộc trở thành đòi hỏi bức thiết hàng ngày trong đời sống xã hội. Vấn đề
dân chủ cũng vậy. Không phải chưa có dân chủ mà là đã có dân chủ nên
cần phải dân chủ hơn nữa. Nhận thức như thế mới tránh hai thái cực lệch
lạc : phê phán một cách vùi dập khi thấy một hiện tượng, một sự thật nào
đó mất dân chủ và ngược lại, né tránh tất cả để tự trấn an rằng “ ta
còn dân chủ hơn nhiều chỗ khác”! Vấn đề ở đây không phải là hơn hay kém,
vì dân chủ là mục tiêu của chúng ta, khẩu hiệu hành động cách mạng của
chúng ta, là nhu cầu cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của chúng ta.
Chúng ta kiên định mục tiêu ấy vì chính chúng ta! Có lẽ chưa khi nào vấn
đề dân chủ lại được đặc biệt quan tâm như lúc này. Trong đời sống chính
trị của Đảng, dân chủ cũng được đặt ra rõ ràng trong Nghị quyết Đại hội
Đảng, quan trọng đến mức phải xếp vị trí của nó lên trước trong thứ tự
mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đời sống xã hội, dân chủ
không chỉ là ước muốn mà còn là yêu cầu bức thiết của sự phát triển bền
vững. Vì thế, mở rộng dân chủ là yêu cầu thực tế khách quan của sự phát
triển đất nước trong thời kỳ mới, đặc biệt trong việc chuẩn bị bầu cử
Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp trong cả nước.Thực thi
quyền được chọn người đại diện cho mình thể hiện rõ nét nhất quyền làm
chủ của nhân dân.Trong bầu cử, việc quan trọng vào bậc nhất là tạo mọi
điều kiện để nhân dân sáng suốt lựa chọn những người có tài, có đức,
đáng tin cậy làm đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của mình.
Điều đó giải thích vì sao lần này nhiều ý kiến đề cập tới số dư trong
bầu cử. Nhiều đại biểu Quốc hội khóa XII cho rằng không có số dư thì
không thể lựa chọn. Có đại biểu đề nghị cụ thể số dư ít nhất phải là 2
người. Như vậy số dư không chỉ là số dư mà còn là điều kiện tiên quyết
để lựa chọn. Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam đề cập
tới số dư trong giới thiệu đại biểu ứng cử tại Hội nghị hiệp thương lần
thứ hai bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII : “ Chúng ta cần bầu 183 đại
biểu và danh sách sơ bộ đưa lên cũng chỉ tròn 183 vị. Không có số dư
như thế này thì MTTQ lấy đâu ra người để lựa chọn?...Nếu không được lựa
chọn thì thật khó có được kết quả thực sự như mong muốn, và như thế làm
sao có được Quốc hội chuyên nghiệp?”. Cũng trong Hội nghị này, ông Lù
Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam băn khoăn về tỷ lệ
người ngoài Đảng, tỷ lệ người dân tộc đều không đạt như mong muốn.
Chuyện cơ cấu, chuyện tỷ lệ đại biểu trẻ, đại biểu nữ... không phải đến
lần bầu cử này mới đặt ra, nhưng lần nào cũng còn những hạn chế và chưa
đạt tỷ lệ như dự kiến. Rõ ràng tồn tại không mới, những vấn đề tồn tại
không ai mong muốn, nhưng nó vẫn cứ tồn tại thành tồn tại cũ làm giảm
chất lượng theo dự kiến. Vấn đề là ở đâu? Có lẽ cần hội thảo kỹ lưỡng để
khỏi phải gặp mãi “tồn tại cũ” không theo ý muốn. Riêng về cơ cấu càng
nhiều việc phải bàn. Một số đại biểu trúng cử phải “gánh trên vai”
nhiều vai trò như vừa trẻ, vừa là nữ, có khi còn vừa là đại biểu ngoài
Đảng, đại biểu dân tộc ít người... Ông Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc
hội khóa XI, XII đã từng nhận xét : có những đại biểu vì phải “gánh trên
vai nhiều vai quá nên khi thành đại biểu Quốc hội có vai được giảm, ví
như được kết nạp Đảng thành ra không còn là đại biểu ngoài Đảng. Điều
quan trọng hơn là có đại biểu phải gánh nhiều vai, nhưng suốt cả nhiệm
kỳ không phát biểu chính kiến lần nào!” Rõ ràng có một thực tế : cố gắng
để đảm bảo cơ cấu, mà chưa bao giờ thực hiện được, và có những “suất cơ
cấu” thực hiện được nhưng hiệu quả chưa cao. Chính vì thế mà Tổng Bí
thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở : “ Cần lưu ý tính hợp
lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu Quốc Hội. Không nên quá chú trọng
vào cơ cấu mà quên mất tiêu chuẩn”.

Thủ đô chuẩn bị bước vào Toàn quốc kháng chiến
Ảnh: T.L
Một vấn đề được dư luận quan tâm trong bầu cử lần
này là số lượng tự ứng cử. Trong các lần bầu cử gần đây hầu như rất ít
người tự ứng cử trúng cử có thể vì ứng cử viên quá ít và cũng chưa đủ uy
tín để cử tri tín nhiệm. Lần này về số lượng có khả quan hơn. Riêng Hà
Nội cũng đã có tới 30 ứng cử viên tự ứng cử. Nhiều địa phương khác cũng
đã có người được đưa vào danh sách ứng cử viên để tiếp tục hiệp thương.
Số dư ở nhiều địa phương cũng có dấu hiệu khả quan hơn. Hà Nội cũng đã
chốt danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII là 82 ứng cử
viên.
Không khí chuẩn bị cho bầu cử ở khắp các địa phương
đang diễn ra tích cực. Mặc dù còn có những tồn tại từ nhiều kỳ bầu cử
trước cần tiếp tục khắc phục để đạt kết quả như mong muốn, nhìn chung
điều đáng mừng nhất vẫn là không khí dân chủ hơn, quyết tâm hơn, thẳng
thắn hơn. Vai trò của MTTQ Việt Nam ngày càng được đề cao. Vì thế trách
nhiệm của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng như UBMT các cấp càng
nặng nề hơn. Ông Nguyễn Túc, cán bộ lâu năm làm công tác Mặt trận đã
thẳng thắn cho rằng : “Vấn đề chính hiện nay là Mặt trận có thực hiện
được đúng Luật MTTQ hay không? Mặt trận có thực hiện đúng Luật Bầu cử
Quốc hội về hiệp thương giới thiệu đại biểu hay không?...Nhân dân đã
giao trách nhiệm cho chúng ta, chúng ta cần có bản lĩnh để đưa ra tiếng
nói trung thực về những người được lựa chọn”. Tiếng nói trung thực và
tâm huyết của những người trong cuộc như vậy càng củng cố niềm tin của
chúng ta về sự thành công của kỳ bầu cử Quốc hội đặc biệt này. Hạn chế
cũ có thể vẫn còn, song mục tiêu kiên định của chúng ta về một nước Việt
Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh nhất định sẽ
từng bước thành hiện thực.
(Theo Daijddoanket.vn)
|