Thứ hai, 18/04/2011 08:53
Báo động đỏ ngành khoa học xã hội?
Năm nay, kỳ thi ĐH lại chứng kiến sự giảm sút không phanh của lượng hồ sơ khối C và hồ sơ dự thi vào các ngành khoa học xã hội. Cùng với đầu vào gian nan khiến các chuyên gia đầu ngành lo ngại số người quan tâm đến nhóm ngành này đang ở mức báo động đỏ.
Có nơi chẳng thu nổi 1 hồ sơ khối C
Lại thêm một hồi chuông gióng lên cảnh báo số phận nhóm ngành KHXH khi
kỳ thi ĐH – CĐ năm nay, hồ sơ lựa chọn các ngành KHXH giảm sút quá mạnh.
Theo Ông Vũ Mạnh Khiêm, người trực tiếp thu hồ sơ của thí sinh tự do khu
vực quận Hoàn Kiếm: “Lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào vào các trường
thuộc khối ngành kinh tế chiếm khoảng 75%. Riêng khối C không có hồ sơ
nào. Mới có một thí sinh đăng ký dự thi vào ĐH KHXH&NV nhưng lại thi
khối B" – thông tin trên Dân Việt cho biết.
|
Gọi thí sinh vào phòng thi của HV Báo chí tuyên truyền năm 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Vietnamplus phản ánh ở trường Trung học phổ thông Việt Đức, chỉ
vẻn vẹn có... 3 bộ hồ sơ khối C trong tổng số hơn 2.200 hồ sơ đăng ký.
Trong khi đó, lượng hồ sơ khối C của trường năm ngoái là 42 bộ.
Tình hình ở phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Từ Liêm, các trường Trung
học phổ thông Minh Khai, huyện Quốc Oai, trường Trung học phổ thông Ba
Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội, …cũng không có gì khả quan hơn.
Cũng theo
Vietnamplus, ở phía Nam, ông Nguyễn Quốc Cường,
chuyên viên tư vấn tuyển sinh, Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo
tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: theo thống kê sơ bộ thì đa số các hồ
sơ đều đăng ký dự thi vào các khối ngành kinh tế và kỹ thuật, rất ít hồ
sơ chọn các khối thi ngành nông-lâm và các khối thi ngành xã hội.
Lượng hồ sơ đăng ký dự thi ít khiến các trường nhóm ngành KHXH chật vật
tuyển sinh. Trên báo Dân trí, tỷ lệ chọi của trường ĐHQG T.P Hồ Chí Minh
giảm từ 6, 26 (2008) xuống còn 4,55 (năm 2010). Năm 2010, trường có tới
16 ngành và chuyên ngành lấy điểm chuẩn nguyện vọng 1 ở mức 14 mới đủ
chỉ tiêu.
Khoa Tâm lý của ĐH Văn Hiến suốt 12 năm qua chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu, mặc dù chỉ tiêu hàng năm chỉ có 70 sinh viên.
ĐHKHXH & NV – ĐHQG Hà Nội trong những năm gần đây đã phải tuyển hàng trăm thí sinh NV2 để có thể đảm bảo đủ chỉ tiêu.
Lỗi trước tiên ở giáo viên?
Làm thế nào các môn KHXH trở nên hữu ích và hấp dẫn người học đã nhiều
lần được nói đến, nhưng vẫn như nước đổ lá khoai. Người dạy cứ dạy,
người học cứ học theo lối cũ. Càng ngày, việc dạy và học các môn này
càng gây mất niềm tin trong xã hội, khiến các chuyên gia đầu ngành đau
đầu tìm lối thoát. Nguyên nhân chính luôn được quy cho người trực tiếp
đưa các môn học này đến HS, đó là giáo viên.
Em Hồng Thu, học sinh trường THCS Việt Nam- Angieri kể lại chuyện của
chính mình: “Trước kia, chưa bao giờ em thấy hứng thú với mấy môn “học
thuộc””.Năm cuối cấp, bố mẹ mời gia sư về dạy. Cô giảng bài rất có cảm
xúc, luôn liên hệ đến những sự việc rất gần gũi trong cuộc sống hằng
ngày, giải thích rất hấp dẫn, chân thực hoàn cảnh lịch sử của tác phẩm,
phong cách của từng nhà văn.
Nhiều lần, em còn thấy cô rơm rớm nước mắt khi giảng bài Con cò của Chế
Lan viên, Nói với con của Y Phương. Bỗng nhiên, em cảm nhận môn Văn rất
khác và dần dần viết được. Khi dạy em, cô mất hai buổi đầu nghe em nói
và cô giải thích ích lợi mấy môn XH. Em thay đổi suy nghĩ từ đó!”
Trên báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh, Ông Nguyễn Đức Hiệp, giáo viên Vật lý
từng dạy tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) khẳng định, bản
thân các môn KHXH-NV không thiếu sức hút, chỉ là không có người chuyển
tải sức hút đó đến học trò.
Ông Hiệp và TS. Hồ Quốc Hùng, trưởng ngành Việt Nam học, trường ĐH Văn
Hiến cùng chung nhận định: Chính lỗi dạy kiểu hàn lâm, học thuộc bài văn
mẫu khiến các môn XH từ trước đến nay bị gán cái tên “học thuộc” làm
cho học sinh sợ hãi, học gạo, thiếu sự sáng tạo và giảm khả năng tưởng
tượng.
Các em không thấy được ích lợi gì của môn XH khi học như vậy thì làm
sao có thể yêu thích và lựa chọn nó?- TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn
học và Ngôn ngữ trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đồng quan điểm.
Số phận KHXH bị “o ép” từ nhiều phía
Có thể nói, bên cạnh cách dạy trong nhà trường khiến học sinh “ngại học”
thì suy nghĩ thực dụng của phần lớn phụ huynh cũng khiến cho KHXH rớt
giá thảm hại. Tuy nhiên, tâm lý thực dụng này rõ ràng có lý khi ai cũng
muốn ra trường sẽ tìm được việc làm ngay và kiếm được nhiều tiền.
Nhóm ngành KHXH trong những năm qua không cho thấy triển vọng nghề
nghiệp tốt. Ngược lại, kinh tế ngày càng thể hiện được sức mạnh đổi đời
cho người học nên thật khó để trách học sinh và gia đình theo đuổi lĩnh
vực này.
Nguyên nhân chính của vấn đề này chính là chính sách của Nhà nước từ
Trung ương đến địa phương đều coi nhẹ vai trò của KHXH, trong khi đó,
thực tế ở nhiều nước phương Tây cho thấy, nhóm ngành có vai trò rất quan
trọng trong việc hoạch định chính sách, phát triển xã hội và giáo dục.
Trên báo Dân trí, Th.s Đỗ Văn Bình, khoa Xã hội học, trường đại học Văn
Hiến, dẫn chứng: kinh phí cấp cho các đề tài KHXH & NV của Đại học
Quốc gia TP.HCM hàng năm chỉ chiếm khoản 1/6 tổng kinh phí nghiên cứu
khoa học; đối với những đề tài trọng điểm cấp bộ còn ít hơn, chỉ chiếm
1/7 tổng kinh phí.
Hiện nay trong một bộ, sở Khoa học và công nghệ, công việc KHXH-NV nhiều
lắm cũng chỉ chiếm một vụ, một phòng; trong khi có vô số vụ, vô số
phòng lo các vấn đề khoa học tự nhiên và công nghệ. Ở tất cả các cấp từ
trung ương đến địa phương, chi phí nghiên cứu một đề tài khoa học tự
nhiên và công nghệ lên tới hàng tỉ đồng là chuyện bình thường, trong khi
chi phí cho các đề tài KHXH-NV thì cực kỳ ít ỏi.
TS Trần Chút, phó hiệu trưởng trường đại học Văn Hiến thẳng thắn chỉ ra:
Công tác tư vấn và phản biện xã hội, bảo vệ vai trò quan trọng của KHXH
đối với sự phát triển của đất nước được thực hiện chủ động và bài bản
thì chắc chắn đã không xảy ra sự thiên lệch trong việc hoạch định và
điều hành chính sách, hạn chế được tính thực dụng về chọn ngành, chọn
nghề.
“Hơn nữa, KHXH còn rất “khổ” khi được sử dụng như một lĩnh vực của công
tác tuyên huấn làm biến dạng giá trị khoa học đích thực và tính hấp dẫn
của nhóm ngành này”- ông Trần Chút nhận xét.
Làm sao để vai trò của KHXH được đánh giá đúng?
Trên Dân trí, tại hội thảo “Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành
KHXH?” tổ chức tại ĐH Văn Hiến- T.P Hồ Chí Minh cuối tháng 3, PGS.TS
Nguyễn Thiện Tống, trường đại học Cửu Long đặt vấn đề, nhóm ngành xã hội
vắng thí sinh chưa hẳn do nhu cầu xã hội. Theo ông, việc đào tạo ồ ạt
của nhóm ngành kinh tế đã báo trước tình trạng cử nhân kinh tế ra trường
thất nghiệp là hiển nhiên.
Đánh giá đúng vị trí và vai trò của KHXH, nhiều ý kiến của các chuyên
gia đều thống nhất rằng: việc đào tạo kiến thức về khoa học xã hội phải
là cái nền cơ bản cho sinh viên mọi khối ngành trước khi đi vào chuyên
ngành.
Muốn vậy, các ngành KHXH phải tự đổi mới, đáp ứng nhu cầu học phong phú
của XH như học để biết, đôi khi chỉ cần vài tín chỉ, một số khác trong
KHTN có nhu cầu học các ngành KHXH và nhân văn… Đặc biệt, đổi mới về nội
dung, hài hòa giữa tính hàn lâm và tính ứng dụng là quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, rất cần chú ý đến đầu tư cho KHXH. Trên Dân trí, Th.s Đỗ
Văn Bình đề xuất: “Viện Khoa học xã hội Việt Nam cần phối hợp với Bộ
Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án phát triển các ngành khoa học xã
hội trong 10-20 năm tới để trình Chính phủ phê duyệt. Đề án cần quan tâm
đến việc nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên, cải tiến giáo
trình, quy chế nghiên cứu, thực hành”.
Do đó, điều quan trọng cần làm là minh định lại tinh thần của KHXH &
NV bao gồm tinh thần khoa học, tinh thần phản biện và tinh thần tự do
trong nghiên cứu khoa học, bên cạnh tinh thần hàn lâm và tinh thần thực
tiễn, phục vụ cộng đồng.
(Theo Vietnamnet.vn)
|