Giải mã hiện tượng lún nứt nhà ở trên địa bàn Hà Nội
PGS.TS. Lê Trọng Thắng, Trưởng bộ
môn Địa chất công trình, trường Đại học mỏ Địa chất đã phân tích, lý
giải về hiện tượng lún nứt công trình xây dựng nhà ở tại Hà Nội.
Những khu vực liên quan đến tầng đất yếu
Vừa qua, sự cố gây lún và đổ nhà 5 tầng số 49 phố Huỳnh Thúc Kháng
chiều ngày 31 tháng 3 năm 2011 đã dấy lên làn sóng lo ngại đối với nhiều
công trình xây dựng trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Để có cách nhìn khách
quan hơn về vấn đề này, cần có những hiểu biết nhất định về hiện tượng
và bản chất của các công trình bị lún nứt.
Vấn đề lún nứt các công trình xây dựng ở khu vực Hà Nội không phải
bây giờ mới được đặt ra. Từ những năm đầu tiên của thập niên 90 thế kỷ
trước, nhiều công trình nghiên cứu đã được tiến hành để giải mã hiện
tượng lún nứt các công trình và tìm giải pháp khắc phục.
Nhà 5 tầng số 49 phố Huỳnh Thúc Kháng đã đổ ập xuống
Qua các báo cáo lúc đó, trên địa bàn thủ đô Hà Nội có
trên 50 công trình bị lún nứt cần phải sửa chữa. Tuy nhiên, số lượng
thực tế còn cao hơn nhiều. Kết quả đo lún của một số công trình bị lún
nứt cho thấy, độ lún có thể đạt (20-30) cm đến (50-60) cm, cá biệt có
công trình độ lún trên 1-2m, vượt xa các tiêu chuẩn thiết kế cho phép.
Độ lún lệch của công trình đều vượt xa các tiêu chuẩn cho phép, dẫn đến
hư hỏng kết cấu của công trình.
Hiện tượng lún nứt công trình nhìn chung đều liên quan đến quy mô,
kết cấu công trình và đất nền. Công trình có thể bị lún nhiều nhưng
không bị phá hoại nếu quá trình không xẩy ra sự lún lệch và đặc biệt là
khả năng chịu đựng được biến dạng của kết cấu công trình.
Thực tế nghiên cứu các công trình xây dựng bị lún nứt ở khu vực Hà
Nội cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sự lún nứt của công trình rất đa dạng
và phức tạp. Để đánh giá đúng các nguyên nhân lún nứt của công trình cần
có sự xem xét cụ thể các yếu tố công trình, đất nền và những tác động
bên ngoài làm thay đổi trạng thái ứng xử của công trình và đất nền.
Phần lớn các công trình sau khi xây dựng xong bị lún nứt thường liên
quan đến các yếu tố chủ quan khi nhận thức về đất nền và công trình
trong các khâu khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng. Các trường hợp
công trình đã xây dựng và ổn định lâu dài, bỗng nhiên bị lún nứt thường
liên quan đến những tác động khách quan làm thay đổi trạng thái ứng xử
của công trình và đất nền.
Thủ đô Hà Nội nằm trên vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với sự có
mặt của các thành tạo trầm tích trẻ. Kết quả nghiên cứu đều cho thấy,
các công trình bị lún nứt ở Hà Nội đều liên quan đến sự có mặt của các
thành tạo đất yếu, đặc biệt là sự có mặt của đất yếu chứa nhiều hữu cơ
hệ tầng Hải Hưng dưới có nguồn gốc hồ đầm lầy (lbQ1-2IV hh1).
Hầu hết các công trình bị lún nứt ở Hà Nội đều được thiết kế móng
nông, (móng thường đặt ở độ sâu 1-2 m), và liên quan trực tiếp hoặc gián
tiếp đến tầng đất yếu này như: khu vực Thành Công, Giảng Võ; Kim Mã và
một phần Đội Cấn; Khu vực Mỹ Đình, đại học sư phạm, Học viện Báo chí
tuyên truyền và một phần Nghĩa Đô. Các khu vực Minh Khai, Pháp Vân, Kim
Giang và trường Đại học Kiến trúc Hà Nội … đều là những khu vực có sự
phân bố của tầng đất yếu này.
Những khu vực không có đất yếu, các công trình ít khi xẩy ra lún nứt
liên quan đến yếu tố đất nền, nếu có thì mức độ trầm trọng không lớn và
thường do các tác nhân làm biến đổi điều kiện tự nhiên như đào và san
lấp mặt bằng …
Những năm đổi mới của đất nước, số lượng và quy mô xây dựng công
trình không ngừng tăng lên. Sự hểu biết về đất nền ở khu vực Hà Nội và
kinh nghiệm khảo sát địa chất công trình cũng như thiết kế xây dựng ngày
càng tốt hơn. Hầu hết các công trình lớn được thiết kế móng cọc, tải
trọng công trình được truyền xuống các lớp đất tốt ở dưới sâu nên sự cố
công trình ít xẩy ra hơn. Các công trình bị sự cố lún nứt thường là các
công trình nhỏ do dân tự xây dựng và liên quan đến những tác động bên
ngoài.
Để tránh xảy ra lún nứt
Đánh giá chung, hiện tượng lún nứt các công trình ở khu vực Hà Nội thường xẩy ra trong các trường hợp sau:
Công trình xây dựng trên nền đất yếu có bề dầy đất yếu lớn và biến
đổi mạnh, việc chọn giải pháp móng không phù hợp hoặc có sai sót trong
tính toán thiết kế công trình.
Công trình cải tạo nâng tầng không được đánh giá và tính toán đúng, làm thay đổi ứng xử của công trình và đất nền.
Khi xây dựng các công trình liền kề làm tăng tải trọng cục bộ cho công trình lân cận.
Thi công móng cọc bằng phương pháp đóng hoặc ép tĩnh, gây dồn nén đất nền, làm biến dạng công trình.
Thi công các hố móng sâu hoặc công trình ngầm, làm thay đổi trạng thái ứng suất của đất nền.
Hạ thấp mực nước ngầm, gây sụt lún mặt đất. Hiện tượng này xảy ra
mạnh đối với các khu vực phân bố tầng đất yếu có bề dầy lớn và biến đổi
nhiều.
Ngôi nhà nghiêng số 11 ngõ 20 Huỳnh Thúc Kháng
Khi thiêt kế xây dựng các công trình ở khu vực Hà Nội, để tránh khả năng xẩy ra lún nứt cần thực hiện một số giải pháp sau:
Tăng cường công tác quản lý xây dựng, đặc biệt là quản lý về kỹ thuật
đối với các công trình do dân tự xây. Đối với các công trình do người
dân tự xây dựng cần có sự tư vấn của các chuyên gia về đất nền cũng như
lựa chọn giải pháp nền móng phù hợp. Điều này không chỉ bảo đảm an toàn
cho công trình mà còn mang lại hiệu quả về kinh tế.
Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về khảo sát, thiết kế và xây dựng công trình.
Khi thi công các công trình mới hoặc cải tạo nâng tầng các công trình
cũ, cần có những đánh giá về tác động của giải pháp xây dựng đến các
công trình lân cận và bản thân công trình cải tạo và để ra biện pháp
chống lại các tác động gây hư hỏng công trình.
Cần tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng công trình sự cố trên địa bàn thành phố để có giải pháp xử lý thích hợp.
Tăng cường nghiên cứu chi tiết đặc điểm địa chất công trình khu vực
và phân vùng nguy hiểm để cảnh báo nguy cơ lún nứt công trình xây dựng
trong từng khu vực.
(Theo Dantri.com.vn)