Hình thức thi tuyển mới
Thi tuyển công chức là một hình thức tuyển chọn người có đủ
năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Thực hiện cải cách hành chính, nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức thi
tuyển công chức, thay vì xét tuyển như trước đây, Hà Nội là một trong những địa
phương đi đầu trong công tác này. Theo thông tin từ Sở Nội vụ Hà Nội, đợt thi
tuyển công chức mà Hà Nội làm đợt này khá lớn thu hút khá đông số thí sinh tham
gia. Theo dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển cho các ngành, quận, huyện là 1.182
người, trong đó công chức khối các sở, ban, ngành 371 chỉ tiêu, các quận, huyện
425 chỉ tiêu, công chức làm công tác thanh tra xây dựng của các quận, huyện,
thị xã là 386 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong số hơn 3.000 thí sinh tham gia thi
tuyển chỉ tuyển được hơn 600 người.
Theo khá nhiều thí sinh dự thi, đề thi đã cải tiến hơn trước,
đó là môn chuyên ngành không còn là những bài viết mang tính lý thuyết học
thuộc mà đã căn cứ vào từng vị trí mình dự tuyển để có những đề phù hợp hơn,
chính điều này khiến thí sinh cần nghiên cứu, học hỏi trước kinh nghiệm mà mình
sẽ thực hành ở những vị trí sau khi trúng tuyển. Môn thi đánh trượt thí sinh
nhiều nhất là ngoại ngữ, bởi đề ra vẫn không hề vừa sức với các thí sinh.
Có lẽ khó khăn nhất vẫn là đề môn hành chính bao gồm Luật Công
- Viên chức, các quy định của pháp luật về lao động... Không chỉ các thí sinh
dự thi than khó với loại đề này mà ngay cả những chuyên gia trên lĩnh vực này
cũng công nhận:. Đề bài của môn thi này quá khó. Lý giải về việc vẫn còn loại
đề vượt quá sức của thí sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho
rằng: Đề khó bởi các địa phương tổ chức thi tuyển không có ngân hàng câu hỏi có
sẵn mà họ phải đi mua đề, loại đề này khá lý thuyết đòi hỏi trình độ lý luận tương
đối cao. Chính vì vậy, có khoảng cách khá xa để các thí sinh mới ra trường có
thể đáp ứng được yêu cầu của đề bài...
Có tránh được “căn bệnh hình thức”
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Vinh, chỉ tiêu tuyển
dụng cán bộ công chức trên địa bàn lần này có thể nói lớn nhất từ trước đến
nay. Ý thức được điều này Sở đã tổ chức đợt thi tuyển khá nghiêm túc. Đây là
năm đầu tiên Hà Nội áp dụng hình thức thi tuyển mới theo hướng dẫn của Bộ Nội
vụ, đó là các môn chuyên ngành sẽ phân cấp cho chính đơn vị cần tuyển ra đề,
như vậy đề sát yêu cầu thực tế hơn. Tuy nhiên, hình thức thi tuyển này cũng bộc
lộ không ít khó khăn, đó là rất khó cho công tác ra đề và có hàng trăm bộ đề
khác nhau do nhiều đơn vị cùng ra đề. Chính vì vậy rất khó quản lý về mặt chất
lượng cũng như độ bảo mật thông tin.
Như vậy, đợt thi tuyển công chức của Hà Nội vẫn lặp lại kịch
bản của những năm trước đây, chỉ tuyển được trên 50% chỉ tiêu đã đề ra. Nhiều
câu hỏi được đặt ra là Hà Nội đã chi bao nhiêu tiền từ ngân sách cho những kì
thi tuyển, vậy mà kết quả là chất lượng thí sinh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu?
Liệu Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng thông qua thi tuyển hay không, liệu có chuyện
để trống vài trăm ghế cho mục đích nào khác chăng? Thiết nghĩ, việc thi tuyển
công chức chỉ thực sự có ý nghĩa nếu bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan,
không có những hiện tượng tiêu cực tránh được bệnh hình thức. Nếu không bảo đảm
các yếu tố nêu trên, chẳng những thi tuyển không chọn được đúng người cần tuyển
mà còn trở thành tấm bình phong che đậy những tiêu cực mà không ai phải chịu
trách nhiệm. Công tác quản lý Nhà nước ngày càng yêu cầu cao về trình độ, năng
lực, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức. Những bất cập về trình
độ, năng lực đội ngũ công chức hiện nay một phần bắt nguồn từ những hạn chế của
công tác tuyển dụng trước đây. Để có một đội ngũ công chức chất lượng cao,
trước hết, cần làm nghiêm túc từ khâu tuyển chọn.
(Theo Daidoanket.vn)
|