Phân bổ ứng viên: Tránh tâm tư
Do đã có 2 ứng viên xin
rút khỏi danh sách, nên kết thúc Hiệp thương vòng 3, có 830 ứng viên
được lập danh sách chính thức để bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13.
Tổng thư ký Hội đồng
bầu cử Phạm Minh Tuyên cho hay, từ ngày 13/4 đến ngày 17/4, Ủy ban Trung
ương MTTQ Việt Nam và các tỉnh thành đã tiến hành hiệp thương lần ba
lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH. Kết thúc hiệp
thương, có 832 người được lập danh sách chính thức, trong đó 182 ứng
viên Trung ương và 650 ứng viên địa phương.
Tuy nhiên, đã có 2 ứng
viên Hà Nội và Bạc Liêu xin rút khỏi danh sách chính thức. Do vậy
trong cả nước chỉ còn 830 người. Tỷ lệ số dư là 1,66 (830/500), thấp
hơn so với khóa 12 (1,76).
Theo ông Tuyên, có 183/830 người tái cử
(22,04%), cao hơn so với khóa trước (146 người).
So với cuộc bầu cử khóa 12, chỉ có tỷ lệ
cơ cấu tái cử đạt cao hơn, còn các thành phần khác như người ngoài
Đảng, trẻ tuổi, phụ nữ đều thấp hơn. Chẳng hạn, tỷ lệ ứng viên
ngoài Đảng lần này là 118 người (14,20%) trong khi khóa 12 có 155
người, đạt 17,61%.
Người trẻ tuổi dưới 40 tuổi là 183 người
(22,04%). Con số này ở khóa 12 là 324 người.
Tuy nhiên, ông Tuyên khẳng định, chất lượng
ứng viên lần này cao hơn khóa cũ. Thống kê cho thấy, tỷ lệ ứng viên
trình độ trên đại học khóa này cao hơn: 305 người so với 251 người.
Còn lại, 494 ứng viên trình độ đại học và chỉ có
31 người (3,73%) trình độ dưới đại học. Trong khi đó, tại kỳ bầu cử
khóa 12, có tới 70 người trình độ dưới đại học.
Về tỷ lệ trên, Chủ tịch QH Nguyễn Phú
Trọng khẳng định, trước mắt đã đạt được yêu cầu vừa chọn được ứng
viên đủ tiêu chuẩn vừa đáp ứng cơ cấu đề ra ban đầu.
 |
Người dân
bỏ phiếu tín nhiệm cho một ứng viên tự ứng cử.
Ảnh minh họa: Lê Nhung
|
Sau khi nghe ông Phạm Minh
Tuyên báo cáo tiến độ thực hiện, các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đã
nêu nhiều băn khoăn về việc nên bố trí các ứng viên trung ương về địa
phương như thế nào để đảm bảo phân bổ đều cho các vùng, miền.
Dự kiến, chậm nhất
27/4/2011, Hội đồng bầu cử sẽ ban hành Nghị quyết công bố danh sách những
người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú
Trọng lưu ý, việc phân bổ ứng viên Trung ương về các địa phương rất khó
và phức tạp nên chỉ mang tính chất tương đối. Việc phân bổ cũng dựa
trên nguyện vọng ứng viên và theo nhiều tiêu chí khác, để Hội đồng bầu
cử cân đối vùng xa, vùng gần, vùng trọng điểm.
"Các khóa trước đây
đều khó và phức tạp vì việc phân bổ chịu tác động bởi nhiều ràng
buộc. Nhưng tinh thần là phải đảm bảo cơ cấu, đảm bảo số dư... Tránh
tình trạng có ứng viên nói vì đưa tôi về vùng này vùng kia nên tôi
không trúng cử vì trong 5 ứng viên ở một đơn vị bầu cử cũng chỉ
chọn 3, sẽ có 2 người trượt", ông Trọng nói.
Trường Sa bỏ phiếu
sớm 1 tuần
Tổng thư ký Hội đồng
bầu cử nói, có 10 tỉnh thành đề xuất bỏ phiếu sớm, trong đó 2
tỉnh thành đang được Hội đồng bầu cử xem xét. Các địa bàn xin bỏ phiếu
sớm chủ yếu là miền núi, hải đảo, giao thông đi lại khó khăn và một số đơn
vị lực lượng vũ trang.
Dự kiến, huyện đảo
Trường Sa (Khánh Hòa) sẽ bỏ phiếu sớm một tuần (ngày 15/5).
Đồng thời, Hội đông bầu
cử cũng cho phép Xã Pha Mu, huyện Than Uyên (Lai Châu) tổ chức bầu cử đại biểu
Hội đồng nhân dân xã lùi hơn 6 tháng do tái định cư, cần tiếp tục ổn định dân số
và tổ chức đơn vị hành chính.
Liên quan đến tình hình
tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo, ông Tuyên cho hay, tiểu ban đã nhận
được 114 đơn thư. Trong đó có 37 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến
ĐBQH, HĐND thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Ủy
ban Kiểm tra Trung
ương đã tiếp nhận 32 đơn tố cáo cán bộ thuộc diện Bộ Chính
trị, Ban
Bí thư quản lý. Trong đó có 12 đơn tố cáo người ứng cử ĐBQH
khóa 13
và HĐND cấp tỉnh. Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm
tra, xác minh nội dung tố cáo để sớm có kết luận.
Trưởng ban Dân nguyện
Trần Thế Vượng phân tích, tuy đơn thư khiếu nại tố cáo ít hơn các
khóa trước nhưng tính chất vẫn gay gắt phức tạp. Đáng chú ý, có
những đơn thư khiếu nại về các vấn đề đã kéo dài từ những kỳ bầu
cử trước, do không giải quyết dứt điểm nên dân vẫn tiếp tục bức xúc.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú
Trọng lưu ý, sau khi công bố danh sách ứng viên về các đơn vị bầu cử,
đơn thư sẽ tăng lên. Do đó, các cơ quan hữu quan cần chú ý giải quyết
triệt để, không được lảng tránh hay cho qua.
"Chú ý phương án xử
lý những điểm nóng, tránh xảy ra tình trạng lộn xộn", ông Trọng
nói. Trước mắt, các đoàn kiểm tra công tác bầu cử sắp tới phải xử
lý được tình hình, không đi giám sát chỉ để về báo cáo.
Theo dự kiến, trước 2/5, cả nước phải hoàn thành việc niêm yết danh sách những người ứng cử đại
biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Từ 3/5 - 18/5, MTTQ các cấp sẽ
tổ chức các cuộc gặp gỡ tiếp xúc giữa ứng viên với cử tri để vận
động bầu cử.
Việc phân bổ thực hiện trên cơ sở
7 tiêu chí bao gồm:
(1) Bảo đảm tất
cả các vùng, miền, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có ứng
cử viên của Trung ương;
(2) Lãnh đạo cấp cao (từ ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng và tương
đương trở lên) căn cứ vào nhiệm vụ để lựa chọn địa phương về ứng cử;
nhưng đối với các tỉnh, thành phố được bầu 6 đại biểu (4 đại biểu
địa phương; 2 đại biểu trung ương) thì chỉ 1 người ứng cử là lãnh
đạo cấp cao;
(3) Lãnh đạo cấp cao được phân bổ ở các tỉnh, thành phố là trung tâm
chính trị, trung tâm kinh tế, hoặc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc
thiểu số, miền núi biên giới, hải đảo để bảo đảm sự lãnh đạo đồng
đều trong cả nước;
(4) Người ứng cử đang công tác ở địa phương được giới thiệu ứng cử
để chuyển về Trung ương công tác thì ứng cử ngay tại địa phương đó;
(5) Đại biểu khóa 12 tái cử cơ bản được tiếp tục tái cử tại địa
phương đang là đại biểu;
(6) Mỗi người ứng cử được đăng ký ứng cử tối đa ở 3 tỉnh, thành phố
gồm 1 tỉnh miền Bắc, 1 tỉnh miền Trung và Tây nguyên, 1 tỉnh Nam
bộ;
(7) Ngoài các căn cứ trên thì Hội đồng bầu cử sẽ chủ động phân bổ.
|
(Theo Vietnamnet.vn)