Bé gái mù 10 tuổi phiên dịch cho Nghị viện châu Âu
Chứng tỏ một bản lĩnh đáng kinh ngạc, bé gái mù 10 tuổi Alexia Sloane đến từ Cambridge (Anh) có khả năng thành thạo 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Hiện nay, cô bé có mái tóc màu hạt dẻ và gương mặt thông minh ấy đang làm việc tại Nghị viện châu Âu trong vai trò là thông dịch viên nhỏ tuổi nhất tại cuộc họp cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) ở Brussels.
Cảm phục cách tỏa sáng của một tài năng
Khi mới chào đời, cô bé Alexia Sloane cũng lành lặn, xinh xắn như bao
đứa trẻ khác. Nhưng bất hạnh đã đến quá sớm với Sloane khi em mất đi thị
giác của mình năm mới lên 2 tuổi. Hồi đó, các bác sĩ đã chẩn đoán em có
một khối u não và Sloane phải trải qua 18 tháng hóa trị hết sức đau đớn
và mệt mỏi để có thể sống sót.
Sớm phải chịu thiệt thòi và thử thách như thế, nhưng cô bé đầy nghị lực
đã không để căn bệnh quái ác ngăn cản tương lai của mình. Năm 6 tuổi,
Alexia đã nói với mẹ là em muốn học thêm một ngoại ngữ và mẹ em đã gợi ý
cho em học tiếng Trung Quốc. Lên 10 tuổi, Alexia Sloane đã thông thạo
tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Trung Quốc và chữ nổi Braille. Từ lúc đó,
Sloane đã trở thành thông dịch viên trẻ tuổi nhất làm việc tại Quốc hội
Châu Âu dù cho em hoàn toàn khiếm thị. Tại Brussels (Bỉ), em đã dịch từ
tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh và từ tiếng Pháp sang tiếng Anh trong
các hội nghị.
 |
Alexia Sloane và mẹ |
Em đã đạt được hai điểm A+ trong kì thì GCSE dành cho học sinh trung học
bằng tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha khi lên 9, và bây giờ em đang tiếp
tục học tiếng Ả Rập, tiếng Đức và tiếng Nga.
Mẹ của Alexia Sloane tự hào chia sẻ: “Để được vào làm việc tại Nghị viện
châu Âu, ít nhất phải 14 tuổi. Mặc dù vậy, Sloane đã được nhận vào khi
mới 10 tuổi, đó quả thật là một điều kỳ diệu”.
Từ khi mới sinh ra, Sloane đã được nghe 3 thứ tiếng từ bố mẹ. Mẹ cô vốn
là người mang hai dòng máu Pháp và Tây Ban Nha, trong khi bố cô là người
Anh. Từ nhỏ, cô bé này đã rất có năng khiếu ngoại ngữ và có ước mơ trở
thành phiên dịch viên từ lúc lên 6 tuổi. Sloane từng được nhận giải
thưởng trẻ em dũng cảm nhất tại Chương trình "Giải thưởng cộng đồng
Cambridge" vào ngày 1 tháng 10 năm 2010.
Sau đó, Alexia Sloane được trao giải Thành công trẻ của năm, với phần
thưởng là một suất vào làm việc cho Nghị viện châu Âu. Cô được đích thân
Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Robert Sturdy, mời làm phiên dịch viên
cho tổ chức này.
Alexia Sloane vui mừng nói: “Thật tuyệt vời và cháu sẽ quyết tâm làm một
phiên dịch tốt. Chẳng gì có thể ngăn cản cháu thực hiện ước mơ cả”
Alexia nói: "Em rất thích học các loại ngôn ngữ. Tiếng Tây Ban Nha và
tiếng Pháp thì dễ dàng hơn, nhưng tiếng Trung Quốc thì rất khó bởi người
học cần phải có một ngữ điệu hoàn hảo. Theo em nghĩ, nếu không có ngôn
ngữ thì chúng ta sẽ không biết gì về thế giới này. Em đã quyết tâm trở
thành một thông dịch viên và không có gì có thể ngăn cản được ước mơ
đó”.
Alexia sống với mẹ là bà Isabelle, 43 tuổi, cha là Richard, 61 tuổi, cả
hai đều là giáo viên ở Cambridge và cô em gái Melissa 4 tuổi. Alexia đã
học theo băng và thực hành hội thoại với các gia sư ngôn ngữ của mình để
làm chủ các thứ tiếng nước ngoài mà em học. Sau đó, Sloane đã trải qua
các kì thi chữ nổi đặc biệt.
Alexia Sloane được ca ngợi là một tài năng đa dạng, một nhạc sĩ, một nhà
văn và nhà ngôn ngữ đầy triển vọng. Cô bé có một đời sống tinh thần hết
sức phong phú, với đầy ắp những ý tưởng sáng tạo và thú vị, đôi khi
những suy nghĩ mới mẻ và hài hước của chính mình khiến cô cười khanh
khách.
Lắng nghe thế giới bằng cả tâm hồn
Không như nhiều người khuyết tật khác, cô bé không hề sống khép mình mà
luôn cởi mở và thích kết bạn. Mặc dù tự nhận mình không giỏi piano nhất
lớp bởi vì Sloane cũng làm quen với phím dương cầm chưa đủ lâu, nhưng cô
bé coi đó là nơi để tâm hồn nhỏ bé của cô được bình yên hơn cả. Nhiều
người tò mò rằng làm sau Sloane có thể đọc được những nốt nhạc trong bản
nhạc để chơi đàn, trên thực tế, cô bé đã có hẳn một hệ thống ký tự nổi
để đọc nốt nhạc, dù rất khó khăn để làm quen với một “ngôn ngữ” mới,
nhưng Sloane đã một lần nữa xuất sắc vượt qua. Với cô bé, một khi đã say
mê thì chẳng rào cản nào có thể ngăn bước chân của cô lại. Sloane rất
yêu nhạc cổ điển, đặc biệt là các tác phẩm của hai nhà soạn nhạc lớn là
Tchaikovsky và Howard Goodall. Cô bé cũng cho rằng mình là một đứa trẻ
kỳ lạ vì sở thích âm nhạc khá “già” này.
Hơn tất cả, Sloane say mê việc học một cách đặc biệt, dường như học hành
có một sức quyến rũ khó hiểu với cô bé, nhất là khi cô được học một
ngôn ngữ mới.
Ở nhà, Sloane nói tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha với mẹ khi muốn bày tỏ
những cảm giác để rèn luyện thường xuyên cách biểu đạt của mình. Với bố
thì cô bé luôn dùng tiếng Anh mặc dù bố Sloane vẫn có thể nói tiếng
Pháp và Tây Ban Nha. Ông vẫn thích tiếng Anh hơn cả bởi đó là tiếng mẹ
đẻ của ông, và
Sloane đã chiều lòng cả bố lẫn mẹ khi có thể thuần thục tất cả những ngôn ngữ gốc của bố mẹ.
Sloane chưa bao giờ bị lẫn lộn các ngôn ngữ với nhau, sự rành mạch của
cô bé khiến ngay cả bố mẹ cô cũng bị bất ngờ. Trong nhà không ai nói
tiếng Trung, nhưng Sloane đã học thứ tiếng này từ lúc lên 6 tuổi và hiện
cô bé đã hoàn toàn thành thạo.
Sloane dự định trở thành một tác giả và cô bé sẽ viết lại những câu
chuyện của riêng mình bằng hệ chữ nổi Braille. Nói về giấc mơ trở thành
một nhà văn, Sloane cũng chia sẻ sở thích của mình với các tác phẩm của
Charles Dicken như Oliver Twist hay “Bài hát mừng giáng sinh” chẳng hạn.
Cô bé cũng ngưỡng mộ Enid Blyton và JK Rowling như nhiều đứa trẻ khác.
Sloane khoe mình là fan cuồng nhất toàn cầu của bộ truyện Harry Potter.
Sloane dành nhiều thời gian rỗi để nghe sách đã được thu âm. Cô bé còn
được đài BBC mời để bình luận về những cuốn sách cô đã được nghe, nói về
những điều cô thích và không thích ở những cuốn sách đó.
 |
|
Sloane hết sức tự chủ khi cô bé thường xuyên tự kiểm tra và buộc mình
phải trải qua các bài thi tự mình mình biết để rồi sau đó, cô đã dễ dàng
giành được những chứng chỉ quốc tế về ngôn ngữ và sau đó đường hoàng
ngồi vào chiếc ghế thông dịch viên của Nghị viện Châu Âu.
Không chỉ dừng lại ở những trang sách, chiếc đài hay những phím đàn,
Sloane còn rất yêu thích thể thao. Cô bé thích môn cricket, và những
người làm môn thể thao này đã nghiên cứu ra một hệ thống riêng dành cho
người khiếm thị có thể chơi được.
Sở hữu một lối sống hoàn toàn tự chủ và hết sức lành mạnh, nhưng không
vì thế mà Sloane trở thành một “bà cụ non”, cô bé luôn nở nụ cười và sẵn
lòng nói về những chủ đề rất “con nít” như say sưa với các nhân vật
trong Harry Potter. Cô bé cũng không ngần ngại chia sẻ về những kinh
nghiệm học tập với các bạn đồng trang lứa.
“Alexia là tấm gương cho tất cả chúng tôi bởi khả năng ngôn ngữ ấn
tượng. Alexia là một cô bé tài năng. Tuy nhiên chúng tôi luôn lo lắng
cho sức khỏe của con vì khối u não vẫn còn đó và có thể phát triển trở
lại", mẹ Alexia Sloane nói trong sự lo âu xen lẫn với tự hào.
Đã có rất nhiều tấm gương vượt qua hoàn cảnh khó khăn để làm chủ cuộc
sống, giành những thành công, lập những kỳ tích. Và câu chuyện của
Alexia Sloane chính là một kỳ tích như thế. Cô bé đã làm tốt hơn bất kỳ
một người bạn đồng trang lứa nào dù cô thiệt thòi hơn họ rất nhiều khi
không còn nhìn ngắm thế giới này trong sự chuyển động vừa khổng lồ vừa
tinh tế của nó.
Thay vì nhìn bằng đôi mắt, Sloane đã có cách tiếp cận và làm chủ thế
giới bằng toàn bộ tâm hồn rộng mở của cô bé. Âm nhạc, văn học, ngôn ngữ,
thể thao,… cộng với khả năng tưởng tượng phong phú và một ý chí phi
thường đã giúp Sloane có được thành công sớm đến ngày hôm nay.
(Theo Phunutoday.vn)
|
|
|
Tin đọc nhiều
Hà Nội từ lâu được bạn bè ...
11:18 | 10/06/2015
Nói về đóng góp của ...
02:58 | 12/12/2013
Bạn có nghe thông tin có ...
08:26 | 14/05/2013
Có lẽ, trong nhiều ...
02:22 | 26/05/2014
Nhìn lại khoảng thời ...
03:26 | 10/10/2014
|