Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Chủ nhật, 01/05/2011 10:55
Bác Hồ và Quốc hội
Nhắc đến Người chúng ta không thể quên được cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nhân dân ta vào ngày 6-1-1946. Trước ngày Hội toàn dân lịch sử ấy Bác Hồ đã có nhiều bài viết nêu rõ ý nghĩa của Tổng tuyển cử và kêu gọi toàn dân tham gia tích cực vào sự kiện lịch sử quan trọng này.
Bác Hồ bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội
Ngày 22-5-2011 sắp tới toàn thể cử tri cả nước sẽ tham gia bầu cử Quốc hội Khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp. Trước đó 3 ngày là ngày kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc.
Nhắc đến Người chúng ta không thể quên được cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nhân dân ta vào ngày 6-1-1946. Trước ngày Hội toàn dân lịch sử ấy Bác Hồ đã có nhiều bài viết nêu rõ ý nghĩa của Tổng tuyển cử và kêu gọi toàn dân tham gia tích cực vào sự kiện lịch sử quan trọng này. Bác đã viết: “Hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo. tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử bàu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân” (Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và Hội đồng nhân dân, NXB Chính trị Quốc gia, 2001, tr.15). Trước ngày Tổng tuyển cử một hôm Bác đã viết: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta,vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu được hưởng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước. Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu có hạn, lẽ tất nhiên có người được cử và có người không được cử. Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hiện câu: Vì lợi nước quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc. Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân; thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó... Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mọi người đều nên vui vẻ, hưởng quyền lợi của một người dân độc lập tự do”. (Sách đã dẫn-Sđd, tr.16-17). Trong dịp tiếp xúc với cử tri tại Việt Nam học xá (khu vực phường Bách khoa hiện nay) Bác đã nói: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy” (Sđd, tr.18). Những lời kêu gọi ấy cũng mong mỗi cử tri chúng ta ghi nhớ và sẽ thực hiện trong buổi sáng Chủ nhật 22-5-2011 sắp tới.

Nhiều lần tại diễn đàn Quốc hội Khóa XII, ĐBQH Dương Trung Quốc đã yêu cầu cần có những lời tuyên thệ của Chính phủ sau khi được Quốc hội cử ra. Việc làm này đã từng được thực hiện ngay tại lễ nhậm chức của Chính phủ do Quốc hội Khóa I bầu ra. Thay mặt Chính phủ, Bác Hồ đã đọc Lời tuyên thệ như sau: “Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tối cao Cố vấn đoàn và Ủy viên Kháng chiến hội, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền Dân chủ Cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt qua mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”. (Sđd, tr.19). Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XIII (cuối tháng 7-2011), sau khi được Quốc hội cử ra Chính phủ mới tôi hy vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ noi gương Bác Hồ để thay mặt Chính phủ đọc lời tuyên thệ.

Trong Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I, Bác Hồ thay mặt Chính phủ lâm thời đã tuyên bố: “Từ giờ về sau, Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi chắc rằng Quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù có khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công. Bây giờ Chính phủ lâm thời giao lại quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ mới: một Chính phủ kháng chiến và kiến quốc”. (Sđd, tr. 23). Tại Lễ bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I, Bác Hồ đã phát biểu: “Bây giờ Quốc hội tạm thời bế mạc để cho tất cả anh em chúng ta đem một không khí đoàn kết, một cái không khí kháng chiến, một cái không khí kiên quyết, một cái không khí nhất định thành công về các địa phương và công tác....Quốc hội họp lần này là Quốc hội kháng chiến mà Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi mà Chính phủ cũng sẽ là Chính phủ thắng lợi” (Sđd, tr27). Tại kỳ họp lần đầu của Quốc hội Khóa XIII vào tháng 7 tới, tôi cũng mong muốn người đứng đầu Chính phủ trong lời Tuyên thệ cũng sẽ tuyên bố: Chính phủ mới sẽ là một Chính phủ thắng lợi! Chúng ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong 12 khóa Quốc hội vừa qua nhưng trước mắt còn ngổn ngang biết bao khó khăn, thách thức. Lời tuyên  thệ về một Chính phủ thắng lợi chắc chắn sẽ là biểu thị quyết tâm của Chính phủ trong việc huy động sức mạnh của toàn dân tộc hướng tới mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong lời phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa I Bác Hồ đã nhấn mạnh: “Quốc hội đã thu được một kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến pháp. Sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã hoàn thành được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân... Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp” (Sđd, tr.28). Ngày nay yêu cầu cần bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 1992 đang là một yêu cầu bức thiết để nhằm đáp ứng được đầy dủ mọi nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta. Trong quá trình thực hiện công việc quan trọng này, Quốc hội Khóa XIII cần nghiên cứu kỹ lưỡng  tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp như Bác Hồ đã xác nhận về bản Hiến pháp đầu tiên mà Quốc hội Khóa I đã thông qua.

Sau khi được Quốc hội Khóa I giao trọng trách đứng đầu Chính phủ , Bác Hồ đã trịnh trọng tuyên bố: “Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài.Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái.Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một Đảng, Đảng Việt Nam.Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết.Theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà.Anh em trong Chính phủ mới sẽ dựa vào sức của Quốc hội và quốc dân, dầu nguy hiểm mấy cũng đi vào mục đích mà quốc dân và Quốc hội trao cho” (Sđd, tr.30). Là người tổ chức ra Đảng Cộng sản Đông Dương và sau này đứng đầu Đảng Lao động Việt Nam nhưng vì sao Bác Hồ lại nói chỉ có một Đảng Việt Nam, tôi nghĩ rằng bởi vì trước sau như một Bác luôn luôn khẳng định về Đảng cầm quyền là: Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác (HCM toàn tập , NXB Chính trị quốc gia,1996, T.10, tr.4).

Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội Khóa I (tháng 3-1955), kỳ họp đầu tiên sau cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu của miền Nam, và tuyên bố: “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất  của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi... Từ phiên họp đầu tiên tại nơi này cách đây 9 năm, Quốc hội đã cùng Chính phủ và sát cánh với nhân dân đoàn kết và chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Quốc hội đã góp phần rất to lớn vào thắng lợi của kháng chiến. Thắng lợi ấy đã đưa đến lập lại hòa bình trên đất nước yêu quý của chúng ta” (Sđd, tr.50). Cũng tại kỳ họp này, Bác Hồ đã thay mặt Chính phủ khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” (Sđd, tr. 52).

Tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội Khóa I, Bác Hồ đã khẳng định: “Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí, thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta”. Lời tuyên bố ấy trong tình hình nước ta hiện nay tôi cho rằng vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa I, Bác Hồ đã nhấn mạnh: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu như đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình... Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ, đó là do tính chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả các lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên... Nhà nước chẳng những công nhận những quyền lợi của công dân mà còn bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để cho công dân thật sự được hưởng các quyền lợi đó (Sđd, tr. 100). Ngày nay nghiêm túc kiểm điểm lại, chúng ta đã thực sự làm đúng được như những lời căn dặn rất sâu sắc mà Bác Hồ đã khẳng định từ cách đây tới 52 năm hay chưa?

Năm 1960 khi phát biểu tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử Quốc hội Khóa II, Bác Hồ đã nói: “Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt? Nói thế này mới đúng: Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta... Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà... Chúng tôi nhận rằng được đồng bào đưa ra ứng cử là một vinh dự lớn. Người được bầu và người không được bầu sẽ đều vui vẻ, phấn khởi và đều cảm ơn đồng bào.Những người được cử vào Quốc hội khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần –kiệm-liêm-chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội” (Sđd, tr.121-124). Trong phát biểu tại Lễ bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa II (15-7-1960) Bác Hồ một lần nữa khẳng định: Để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền cần phải:Thực hành cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư. Gương mẫu về mọi mặt: đoàn kết, công tác, học tập, lao động.Luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối” (Sđd, tr. 127). Phải chăng những lời tâm huyết này cần được cử tri và các vị đại biểu sắp được bầu vào Quốc hội Khóa XIII cần thực lòng ghi nhớ.

Tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội Khóa II Bác Hồ đã từ chối nhận Huân chương Sao vàng với những lời phát biểu rất khiêm nhường: Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân. Nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội... Tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng (Sđd, tr. 130). Thật tiếc thay, khi đất nước liền một dải thì Bác đã đi xa. Đúng là một tấm gương sáng về đức khiêm tốn. Nhớ lại, vào tháng 11-1946 trong bài viết Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc số 411, Bác Hồ đã viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết” (Báo Cứu quốc, ngày 20-11-1946). Không hiểu trong kỳ bầu cử Quốc hội Khóa XIII này chúng ta đã làm theo tư duy tìm người tài đức như Bác Hồ từng mong muốn hay chưa?

Lần thứ ba, và cũng là lần cuối cùng còn có thể tham gia Quốc hội, Bác đã có những lời phát biểu với cử tri Hà Nội hết sức cảm động như sau: “Tôi được cử làm đại biểu Quốc hội đã gần 20 năm nay. Đáng lẽ tôi nhường chỗ cho lớp người trẻ hơn ra gánh vác công việc nước nhà. Nhưng hiện nay ở miền Nam ruột thịt, từ các cụ già, các bà mẹ, đến các cháu thanh niên và nhi đồng đều đang anh dũng hy sinh, ra sức chiến đấu chống đế quốc Mỹ cướp nước và bọn Việt gian bán nước, để giành lại quyền độc lập tự do, thì tôi không thể: “Thảnh thơi vui thú thanh nhàn. Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao”.Vì vậy tôi cứ phải cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh. Phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam. Phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình thống nhất nước nhà. Phấn đấu cho: “Bắc Nam sum họp một nhà. Cho người thấy mặt thì ta vui lòng”. Mặt trận Hà Nội giới thiệu 45 vị ra ứng cử. Nhưng khóa này Thủ đô ta chỉ được cử 36 đại biểu vào Quốc hội. Như vậy là trong các vị ứng cử, có người sẽ được bầu, có người không được bầu. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng: người không được bầu cũng như người được bầu đều vinh hạnh, vì đã được đồng bào tin cậy và giới thiệu mình. Cho nên được bầu hoặc không được bầu, chúng ta đều phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, như những người đày tớ trung thành nhất của nhân dân” (Sđd, tr. 138). Lần bầu cử Quốc hội Khóa XIII này có 830 ứng cử viên nhưng chỉ có thể chọn ra 500 đại biểu Quốc hội. Mong sao 330 vị chưa trúng cử sẽ làm được như lời căn dặn của Bác Hồ.

Tại Lễ bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa III Bác Hồ đã có lời tâm sự: “Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội. Về phần tôi, Bảy mươi tư tuổi vẫn không già/Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta/Bao giờ Nam Bắc một nhà/Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng (Sđd, tr. 142). Tại Lễ khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa III Bác Hồ lại có lời tâm sự: “Nhân đây tôi có một bài thơ mới nghĩ ra, nhờ các đại biểu ai làm thơ hay và hay làm thơ thì sửa lại cho hay. Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy, tôi có bài thơ thế này: Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,/Vẫn vững hai vai việc nước nhà. Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,/Tiến bước! Ta cùng con em ta” (Sđd, tr. 158).

Có lẽ đây là những lời nói cuối cùng của Bác tại diễn đàn Quốc hội. Ngày 2-9-1969 Bác Hồ đã đi gặp các vị cách mạng tiền bối , để lại muôn vàn tiếc thương của nhân dân ta và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Tưởng nhớ về Người có lẽ không có gì tốt hơn là cần noi theo những lời khuyên nhủ của Người. Trước mắt là cần thực hiện thật tốt cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo đúng như những tinh thần mà Bác Hồ hằng mong muốn.



(Theo Daidoanket.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)