
Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội,
nơi sẽ diễn ra Hội nghị thường niên
lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển
châu Á (ADB). Ảnh: Vũ Tuấn
Đây là lần đầu tiên kể từ khi gia nhập ADB vào năm 1966, Việt Nam được
chọn là nơi diễn ra Hội nghị thường niên của ADB với phiên họp chính
thức sẽ khai mạc trong 48 giờ tới. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Việt
Nam vừa chính thức đứng trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình sau
25 năm đổi mới và đạt được nhiều thành tựu kinh tế, xã hội và xóa đói
giảm nghèo luôn được ADB nói riêng và cả thế giới nói chung quan tâm. Vì
vậy, "Tổ chức thành công hội nghị là niềm vinh dự nhưng cũng là trách
nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp cho sự phát triển chung của ADB",
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Ước tính có khoảng 3.600 đại biểu và khách mời từ châu Á và thế giới đến
tham dự hội nghị. Ngoài lãnh đạo các chính phủ, Thống đốc các Ngân hàng
Trung ương nhiều nước, Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính… của 67 quốc gia,
lãnh thổ thành viên, hội nghị còn ghi nhận sự tham gia đông đảo nhất từ
trước tới nay của đại diện các tổ chức tài chính quốc tế, doanh nghiệp
đa quốc gia hàng đầu thế giới, các tổ chức nghiên cứu, phi chính phủ,
các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước…
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề nóng đang được thế giới
quan tâm như: an ninh lương thực, cách thức vượt bẫy thu nhập trung
bình, mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững và thân thiện với môi
trường, biến đổi khí hậu… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài
phát biểu trong phiên khai mạc chính thức hội nghị vào ngày 5-5.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, Hội nghị thường niên ADB lần
thứ 44 sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận và tìm giải pháp cho tình
trạng lạm phát, vấn đề đe dọa tăng trưởng và sự ổn định của nhiều nước
tại châu Á và khắp thế giới. Trên cương vị chủ nhà và cũng là quốc gia
đang phải chịu tác động của lạm phát, Việt Nam sẽ lắng nghe mọi khuyến
nghị từ các thành viên ADB cũng như tích cực đóng góp ý kiến để kiềm chế
hiệu quả hơn nữa lạm phát và ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế cũng như
cuộc sống của mỗi người dân.
Gần 20 cuộc hội thảo và thuyết trình quốc gia bên lề hội nghị sẽ mang
tới những cái nhìn đa chiều về kinh tế khu vực và toàn cầu; đồng thời đề
cập đến những cách thức duy trì động lực cho quá trình phát triển đáng
ghi nhận của châu Á trong những thập kỷ qua. Trong đó, chương trình
"Ngày Việt Nam" do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc chủ trì
sẽ là dịp để giới thiệu các cơ hội đầu tư, thương mại, du lịch… ở nước
ta. Sáng kiến này của Việt Nam cũng đồng thời góp phần làm nổi bật dấu
ấn của đất nước tại sự kiện trọng đại nhất trong năm của ADB cùng niềm
tin tưởng hội nghị thành công tốt đẹp, sẽ một lần nữa khẳng định đánh
giá của ngài Haruhiko Kuroda, Chủ tịch ADB rằng Việt Nam là một đối tác
rất mạnh đối với sự phát triển của khu vực.