Hồ Chủ tịch về thăm nhân dân
xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Anh: TL
“Nói đi đôi với làm” theo tinh thần của Hồ Chí Minh đòi hỏi: Một là, “Nói”
phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà
nước, không được xuyên tạc, nói sai; Hai là, không được “nói một đằng,
làm một nẻo”; Ba là, tránh nói, tránh hứa mà không làm. “Làm” ở đây
chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc
sống. Vì vậy, xét về bản chất, “nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên
tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh
động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý
luận với thực tiễn của Hồ Chí Minh. Vì vậy, với Hồ Chí Minh, từ việc nhỏ
tới việc lớn, từ việc riêng tới việc chung, Người bao giờ cũng “miệng
nói, tay làm, tai lắng nghe”.
Trong cuộc
đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã thấm nhuần sâu sắc đặc
trưng truyền thống văn hoá phương Đông là “một tấm gương sống còn có giá
trị hơn một trăm bài diễn thuyết” nên nhiều khi Người đã giải thích lý
luận bằng thực tiễn, bằng hành động, bằng việc làm, Người chỉ làm mà
không nói. Bởi lẽ, đối với Việt
Nam và phương
Đông, cũng có khi chẳng cần nói mà chỉ cần làm, thấy làm đúng, làm phải,
mọi người khắc làm theo. Đó là “nói” không cần lời, là “vô ngôn” nhưng
biểu hiện bằng hành động và có hiệu lực trong thực tiễn. Chẳng hạn, để
sâu sát cơ sở, hiểu dân, trong khoảng từ 1955-1965, Hồ Chí Minh đã thực
hiện hơn 700 lượt đi thăm, tiếp xúc với cơ sở địa phương, công trường,
xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội... Như vậy, mỗi năm Người có hơn 70
lần xuống cơ sở, mỗi tháng có tới 6 lần gặp gỡ, tiếp xúc với quần
chúng. Điều này đủ thấy Hồ Chí Minh gắn bó, sâu sát với quần chúng, với
cơ sở, với thực tiễn như thế nào. Có thể nói, cái tinh tuý của truyền
thống văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông đã được Hồ Chí Minh kế thừa,
trau dồi, trở thành cái “thần” rất Hồ Chí Minh. Đúng như Thủ tướng Phạm
Văn Đồng lúc sinh thời đã nhận xét: “Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí
Minh đều thiết thực và cụ thể ”.1 Nói là làm, thường là làm nhiều hơn
nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động.
Hồ Chí Minh
luôn phê phán những cán bộ chỉ biết nói mà không biết làm dù chỉ là một
việc nhỏ thiết thực. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên đã nói thì phải
làm, “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”; “tốt nhất là miệng nói, tay làm,
làm gương cho người khác bắt chước”. Đối với Đảng ta, Hồ Chí Minh cũng
yêu cầu “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị
của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ
thị đó sẽ hóa ra là lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân
dân đối với Đảng”2.
Hiện nay,
toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thành
công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng thì việc học tập, quán triệt phương
châm “Nói đi đôi với làm” của Hồ Chí Minh có ý nghĩa chính trị vô cùng
to lớn. Từ nhận thức đúng những tinh thần của Nghị quyết Đại hội XI, mỗi
cán bộ, đảng viên, mỗi cấp ủy phải tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết
trên thực tế. Nghị quyết có phản ánh đúng cuộc sống nhưng không được tổ
chức thực hiện tốt trong cuộc sống thì nghị quyết vẫn chỉ là nghị quyết.
Để học tập,
quán triệt tốt phương châm “Nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cấp ủy và toàn Đảng cần thực hiện tốt
những biện pháp sau:
Trước hết,
mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo, quản lý phải thực sự
trở thành tấm gương sống cho nhân dân noi theo, phải thực sự đi trước để
nhân dân đi theo. Đúng như Hồ Chủ tịch đã từng căn dặn “Trước mặt quần
chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu
mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng
dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”3. Chỉ trên
cơ sở này, cán bộ, đảng viên mới thu phục được quần chúng, mới cảm hóa,
lôi kéo họ tạo thành phong trào thực tiễn rộng lớn để xây
dựng, phát triển đất nước, thực hiện nghị quyết của Đảng. Hiện nay,
phần đông cán bộ, đảng viên có phong cách làm việc sâu sát cơ sở, gần
dân, thân dân, nói đi đôi với làm. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận không nhỏ
cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý có chức, có quyền, có
những biểu hiện nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm
dở, nói một đằng, làm một nẻo, thất hứa với nhân dân. Hiện trạng này đã
làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, làm cho dân xa
Đảng. Điều này càng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên từ việc nhỏ đến việc
lớn, từ việc riêng đến việc chung, từ trong lối sống đến công tác chuyên
môn nghiệp vụ luôn luôn phải nỗ lực thực hiện phương châm “Nói đi đôi
với làm”.
Thứ hai,
tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh”, trong đó có tấm gương về phong cách làm việc “Nói đi đôi
với làm” của Người. Kiên quyết thực hành trong toàn Đảng phong cách nói
ít làm nhiều, nói đi đôi với làm; kiên quyết không được để xảy ra tình
trạng thất hứa với nhân dân dù
là việc nhỏ nhất. Các cán bộ có chức vụ càng cao thì càng phải làm gương
thực hiện. Thực hiện nghiêm yêu cầu về rèn luyện phẩm chất, đạo đức của
cán bộ, đảng viên mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra: “Mỗi cán bộ, đảng
viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một
tấm gương về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Cán bộ cấp trên phải gương
mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân”. Mỗi đảng viên phải tự
mình phấn đấu thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng
viên làm bất kỳ việc gì cũng phải gương mẫu”.
Thứ ba,
cùng với thực hành phương châm “Nói đi đôi với làm” thì phải đổi mới cơ
chế quản lý cán bộ, đảng viên. Kiên quyết đưa ra khỏi các cương vị lãnh
đạo, quản lý những cán bộ nói không đi đôi với làm. Tăng cường công tác
kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện những biểu hiện sai lệch của cán bộ,
đảng viên trong phong cách làm việc nói chung, trong việc thực hành
phương châm “Nói đi đôi với làm” nói riêng.Trong đánh giá, sử dụng cán
bộ cán bộ thì “lấy hiệu quả thực tế của công tác và sự tín nhiệm của
nhân dân làm thước đo chủ yếu”.
Thứ tư,
tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo
của Đảng từ trung ương đến địa phương, cơ sở; đổi mới cách ra nghị
quyết, tăng cường tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc
thực hiện nghị quyết. Tiếp tục “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm
bớt giấy tờ, hội họp; sâu sát thực tế, cơ sở; nói đi đôi với làm”.
Mỗi cán bộ,
đảng viên, mỗi cấp ủy và toàn Đảng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt những
biện pháp trên là góp phần thiết thực thực hành phong cách làm việc Hồ
Chí Minh. “Nói đi đôi với làm”; góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân
đối với Đảng và trực tiếp góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh.
PGS. TS Trần Văn Phòng
Viện trưởng Viện Triết học – Học viện CT- HC Quốc gia Hồ Chí Minh
(Theo Daidoanket.vn)