Trước
hết, dưới góc độ là những đơn vị tự chủ, gần như quỹ lương đã được đóng
khung từ sớm cùng với cách chi tiêu, phát triển kinh doanh và lợi
nhuận. Việc tăng giảm lương phần lớn được quyết định bởi hiệu quả kinh
doanh và các quy định của đơn vị. Còn lương cơ bản với ý nghĩa "quản lý
gốc" và tính toán các khoản phải nộp theo quy định, nên dù có tăng, cũng
không được quan tâm nhiều bởi không gây ảnh hưởng đến nguồn chi của đơn
vị.
Chính vì thế, cách điều chỉnh như trên đã trở thành thông
lệ ở hầu hết các tổ chức và DN còn thực hiện các quy định nhà nước nhưng
thu nhập thực tế lại đã dần theo cơ chế của thị trường. Động tác đơn
giản được thực hiện mỗi khi tăng lương là các đơn vị sẽ điều chỉnh lại
cơ cấu và thu thêm các khoản phải thu từ người lao động; đồng thời, chi
thêm một khoản không lớn để nộp bảo hiểm theo quy định mà không bao giờ
phải lo chuyện tăng lương thì tăng chi.
Giám đốc một công ty
kinh doanh điện tử nhận xét, đối với DN ông, điều chỉnh lương không có
gì phải suy nghĩ nhiều vì nhân công ít ỏi, mức lương thực tế hiện đã cao
hơn lương cơ bản nhiều lần. Khoản đóng thêm thì cả hai bên cùng chịu
nên không có thay đổi nhiều.
Ai cũng hiểu, muốn tăng lương thì
bản thâa phải làm việc hiệu quả và DN có lợi nhuận lớn, chứ không thể
dựa vào lương cơ bản dù các thang bảng lương ở đây đều theo quy định nhà
nước.
Các đơn vị khác trong trường hợp này cũng đều có chung một cách hành xử như trên.
Tuy
nhiên, khó khăn hơn có thể sẽ đến với một số DN có số lượng nhân công
đông khi phần đóng góp của đơn vị sử dụng lao động tăng lên.
Từ
phía người lao động, trong trường hợp này họ đã không được lợi, và tất
nhiên việc tăng lương sẽ không còn là sự kiện quan trọng lắm, ngoài việc
sẽ được hưởng một mức lương hưu hay phụ cấp tốt hơn khi nghỉ việc trong
tương lai.
Hơn thế, với mức lương cơ bản mới nhất là 830.000
đồng/tháng thì vẫn còn thấp so với thu nhập và giá cả thị trường cũng
như nhu cầu thực tế. Do vậy, điều quan tâm nhất là phải tìm mọi cách để
có thu nhập "riêng" cao lên chứ không trông chờ vào lương cơ bản.
Thực
tế này cho thấy, tăng lương cơ bản dù là một sự kiện lớn nhưng nó không
có ý nghĩa nhiều đối với những trường hợp trên, và càng ít ý nghĩa hơn
nếu so với thu nhập hiện tại và chi tiêu cần thiết của người dân. Vì
thế, lương cơ bản đã không còn được quan tâm nhiều, và đang mờ dần vai
trò trong nhiều đơn vị mang "mác" nhà nước như trên.
Mới đây,
trong tống kết về cải cách hành chính, các cơ quan quản lý đã nói đến
mục tiêu 10 năm nữa thì "người nhà nước" có thể sống bằng lương. Đó là
cả một lộ trình dài với nhiều nỗ lực liên tục cả từ tăng lương, nâng cao
hiệu quả lao động, tổ chức bộ máy hiệu quả, đồng thời bình ổn được giá
cả và giá trị đồng tiền.
Có như thế, đồng lương mới có giá và
người lao động sống được bằng lương. Còn hiện nay, lương cơ bản dù có
tăng cũng không là yếu tố quyết định trong thu nhập của người làm công
trong khu vực nhà nước.
Điều mà các tổ chức và người lao động
quan tâm là bằng nhiều cách để có thu nhập cao nhất trước khi nghĩ đến
viễn cảnh có thể sống bằng lương.