Qua đó, có thể xác định được đặc trưng bản chất của nền kinh tế thị
trường định hướng XHCN ở nước ta. Đó là kiểu tổ chức nền kinh tế trong
quá trình đi lên CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế còn kém
phát triển. Kiểu tổ chức nền kinh tế này nhằm nhanh chóng đưa nước ta
đạt đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Trong đó, kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác phải trở thành nền tảng và
kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều vận
động theo định hướng chung và theo khung khổ pháp luật của nhà nước
XHCN. Được hoạt động dựa trên những nguyên tắc và quy luật của kinh tế
thị trường, vừa dựa trên những nguyên tắc và bản chất của CNXH. Đây cũng
là mô hình kinh tế "mở" cả với bên trong và với bên ngoài. Tồn tại
trong nhiều hình thái kinh tế - xã hội, hoạt động của cơ chế thị trường
không chỉ chịu sự tác động của các quy luật kinh tế thị trường nói
chung, mà còn chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế đặc thù của
phương thức sản xuất chủ đạo.

Sản xuất các sản phẩm xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Ngọc Linh
Để bảo đảm hài hòa các yếu tố trên,
nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta cần kết hợp vấn đề lợi
nhuận với vấn đề xã hội. Mục đích của sự kết hợp này là vừa bảo đảm cho
các chủ thể của kinh tế thị trường có được lợi nhuận cao, vừa tạo được
điều kiện chính trị - xã hội bình thường cho sự phát triển kinh tế. Kết
hợp chặt chẽ những nguyên tắc phân phối của CNXH và nguyên tắc của kinh
tế thị trường, như: phân phối theo lao động, theo vốn, theo tài năng,
phân phối qua quỹ phúc lợi xã hội... Trong đó, nguyên tắc phân phối theo
lao động là chính. Bên cạnh đó, cần điều tiết phân phối thu nhập, một
mặt, đòi hỏi nhà nước phải có chính sách sao cho giảm bớt khoảng cách
chênh lệch giữa lớp người giàu và lớp người nghèo... Mặt khác, phải có
chính sách, biện pháp nâng cao thu nhập chính đáng của người giàu, người
nghèo và của toàn xã hội.
Tuy vậy, nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay vẫn còn mang nặng đặc
điểm của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ với số lượng mặt hàng và
chủng loại hàng hóa nghèo nàn, khối lượng hàng hóa lưu thông trên thị
trường và kim ngạch xuất nhập khẩu còn nhỏ, chi phí sản xuất và giá cả
hàng hóa cao, chất lượng hàng hóa thấp, quy mô và dung lượng thị trường
hạn hẹp. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và hàng hóa trên thị trường
trong nước cũng như thị trường nước ngoài còn rất yếu; đội ngũ các nhà
quản lý doanh nghiệp giỏi còn ít, thu nhập của người lao động còn thấp,
do đó sức mua còn hạn chế; nhiều loại thị trường còn ở trình độ thấp như
thị trường vốn, thị trường sức lao động... Để sản xuất hàng hóa ở nước
ta phát triển mạnh cần thu hút có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài
và áp dụng những tiến bộ công nghệ, kỹ thuật hiện đại của thế giới để
khai thác những tiềm năng còn rất lớn trong nền kinh tế. Muốn vậy, con
đường đúng đắn là phát triển nền kinh tế mới hướng mạnh về xuất khẩu,
đồng thời thay thế nhập khẩu có hiệu quả. Phát triển kinh tế thị trường
gắn với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong quá
trình đó, bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, thì cũng có
nguy cơ du nhập những yếu tố văn hóa xa lạ với truyền thống, đặc điểm
của dân tộc. Muốn giữ được nền kinh tế thị trường mang bản sắc văn hóa
Việt Nam phải thực hiện có hiệu quả sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, dưới
sự lãnh đạo của Đảng, không chấp nhận lối sống thực dụng với sự chi phối
tất cả của đồng tiền, không chấp nhận việc thương mại hóa mọi hoạt động
đời sống xã hội, mà đề cao những chuẩn mực giá trị văn hóa và đạo đức,
đồng thời đấu tranh xóa bỏ những tập tục và lối sống cổ hủ, lạc hậu. Kết
hợp sự chọn lọc tinh hoa của văn minh nhân loại với sự giữ gìn những
yếu tố tinh túy của văn hóa dân tộc, xây dựng những nhân tố văn hóa
XHCN.
Ở nước ta phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm bảo đảm
các yêu cầu sau: tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với những tiến bộ về
công bằng xã hội, thực hiện mục tiêu "mọi lợi ích đều vì dân", giải
phóng con người, con người phát triển toàn diện. Phát triển kinh tế cao
dựa trên cơ sở lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu
sản xuất chủ yếu. Thành phần kinh tế nhà nước là chủ đạo, cùng kinh tế
hợp tác là nền tảng của kinh tế quốc dân. Các thành phần kinh tế khác
phát triển theo sự quản lý của Nhà nước. Tính năng động của cơ chế thị
trường phải gắn với sự quản lý của Nhà nước. Đa dạng các hình thức phân
phối, phân phối theo lao động ngày càng chi phối. Không ngừng đổi mới và
thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng của đất
nước, nhằm phát huy sức mạnh tổng thể quốc gia. Mở rộng quan hệ kinh tế
quốc tế theo nguyên tắc ngày càng tăng nhanh sức sống nội sinh của dân
tộc, biến yếu tố ngoại sinh thành yếu tố nội sinh.
Để phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế
thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN cần thực
hiện những giải pháp sau:
Một là, thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần. Hai là,
mở rộng phân công lao động, phân bố lại lao động và dân cư trong phạm
vi cả nước cũng như từng địa phương, từng vùng theo hướng công nghiệp
hóa, hiện đại hóa. Ba là, tạo lập và phát triển đồng bộ các yếu tố thị
trường. Bốn là, đẩy mạnh cách mạng khoa học - công nghệ, nhằm phát triển
nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm là, giữ vững
ổn định chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới các chính sách
tài chính, tiền tệ, giá cả. Sáu là, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh
tế và các nhà kinh doanh giỏi, phù hợp với yêu cầu của KTTT định hướng
xã hội chủ nghĩa. Bảy là, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại để phát
triển KTTT.