Bất ngờ cuộc trò chuyện với 6 nhà khoa học đoạt giải Nobel
Hình
ảnh TS. Martin Chalfie phát biểu trong cuộc trò chuyện giữa 6 nhà khoa
học đoạt giải Nobel với 1.500 thí sinh ISEF đến từ khắp thế giới và hàng
trăm khách mời.
6 trong
số những bộ óc vĩ đại nhất hành tinh đương đại cùng ngồi lại với nhau.
Đó là sự kiện đặc biệt trong ngày thứ hai, 10/5, của Hội thi Khoa học và
Kỹ thuật Quốc tế (ISEF 2011). Ý tưởng này khiến người “bình thường” như
tôi vừa phấn khích nhưng cũng vừa hơi… hoảng, vì tưởng tượng ra cuộc
trò chuyện sẽ cao siêu, khó hiểu và có thể khô cứng.
Thực tế diễn ra khác
hẳn. 6 nhà khoa học nói chuyện rất giản dị, đầy sự hài hước, đề cập một
cách khéo léo và truyền cảm tới nhiều khía cạnh của cuộc sống. Khán
phòng rộng lớn với khoảng 2.000 người, gồm hơn 1.500 thí sinh ISEF đến
từ khắp thế giới và hàng trăm khách mời, đã bị các diễn giả chinh phục
hoàn toàn.
Các bạn học sinh xếp hàng rất dài chờ tới lượt đặt câu hỏi.
Họ gồm J. Michael
Bishop (Y/Sinh học 1989); Martin Chalfie (Hóa học 2008); Dudley
Herschbach (Hóa học 1986); H. Robert Horvitz (Y/Sinh học 2002); Douglas
Osheroff (Vật lý học 1996); và Ngài Richard Roberts (Y/Sinh học) 1993.
Những người trực tiếp
“chất vấn” họ là các học sinh trung học đến từ hơn 60 quốc gia và vùng
lãnh thổ. Những bạn muốn đặt câu hỏi đứng thành một hàng rất dài trước
sân khấu để chờ tới lượt. Nhìn sự háo hức của hàng người đó, và nghe
những câu hỏi sắc sảo, đầy tự tin mà các cô, cậu mới 15-17 tuổi, một số
còn nhỏ tuổi hơn nữa, đặt cho các nhà khoa học “lão tướng”, có thể thấy
một tương lai sáng lạn đang mở ra cho nền khoa học thế giới.
Bỏ học đi chơi bi-a
Mở đầu cuộc trò
chuyện, các nhà khoa học chia sẻ tầm quan trọng của lòng say mê đối với
sự nghiệp nghiên cứu, cũng như vai trò của các thầy cô giáo trong việc
truyền cảm hứng, thôi thúc sự tò mò đến với khoa học cho học trò từ
những năm học đầu đời.
Những câu hỏi đầu tiên
của các bạn học sinh đã “dẫn dắt” họ kể những câu chuyện giản dị nhưng
đầy lý thú. Chẳng hạn, Ngài Roberts nhớ lại rằng thứ đầu tiên đưa ông
đến với khoa học là sự thích thú với các loại pháo. Từ nhỏ ông đã thích
nghịch pháo và mày mò với nhiều kiểu pháo khác nhau và say mê nhìn chúng
nổ. Ông đùa rằng “Tôi có thể hiểu tại sao những tên khủng bố thích
nghịch bom”.
Khi được hỏi sự đáng
tiếc nhất trong đời là gì, Ngài Roberts kể tiếp rằng tới năm 17 tuổi ông
bỗng chán học và thường xuyên bỏ học đi chơi bi-a. Do ông bỏ học quá
nhiều nên bị nhà trường dọa đuổi học và lúc đó ông đã nghĩ tới việc theo
đuổi sự nghiệp bi-a chuyên nghiệp, nhưng rồi ngài hiệu trưởng thuyết
phục ông đi học trở lại và sau đó trở thành nhà khoa học xuất chúng. Tuy
nhiên, ông dí dỏm nói “Tôi thấy tiếc vì ngài hiệu trưởng đã làm tôi lỡ
mất một lựa chọn không tồi”.
TS. Horvitz thì nhấn
mạnh, muốn thành công trong khoa học, không bao giờ được sợ sự thay đổi,
luôn nghe theo lời trái tim mách bảo và niềm đam mê của mình. Ông kể
rằng mình đã nhận bằng Đại học ngành Kinh tế học và Toán học lý thuyết. Ở
năm cuối, ông ghi danh học thêm một khóa 6 tuần Nhập môn Sinh học. Sau
đó, ông tới gặp giáo sư của mình và nói: “Em định sẽ học tiếp lên cao
học ngành sinh học, vì sau 6 tuần học với thầy em rất yêu thích môn này.
Liệu em có bị muộn quá không?” Thầy trả lời: “Tôi học Đại học ngành Vật
lý, tôi lấy bằng Tiến sĩ Vật lý, nhưng bây giờ tôi đang dạy cậu môn
Sinh học, vậy là so với tôi thì cậu bắt đầu sớm đấy!”.
Kết quả là Horvitz theo đuổi niềm say mê đích thực của mình và đoạt giải Nobel.
Một nhóm thí sinh quốc tế tham dự cuộc thi ISEF, đang diễn ra tại Mỹ
“Trẻ sơ sinh thì dùng được vào việc gì?”
Trả lời câu hỏi của
một học sinh Singapore về tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản trong một
xã hội ngày càng chú trọng tới nghiên cứu ứng dụng, nơi các nhà khoa
học hầu như luôn phải trình bày rõ mục đích và tiềm năng ứng dụng mới
mong nhận được tài trợ, các diễn giả đã có phần thảo luận sôi nổi.
TS. Bishop nói: “Đúng
là nhiều nhà tài trợ, nhà đầu tư hiện nay muốn có thành quả cụ thể từ
nghiên cứu, nhưng điều chúng ta cần làm là chỉ ra được cho họ thành quả
của nghiên cứu cơ bản, mặc dù khung thời gian của những nghiên cứu đó có
thể khác biệt so với những nghiên cứu thực tiễn hơn”.
TS. Horvitz nhấn mạnh
tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản trong việc mở rộng kiến thức và
thúc đẩy sự tiến bộ của toàn nhân loại, và cho rằng chính phủ các nước
có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động này. TS. Osheroff
thì kể một mẩu chuyện về Benjamin Franklin, nhà sáng chế và là một trong
những người sáng lập nước Mỹ. Khi ông sang Pháp và chứng kiến những nhà
sáng chế nước này công bố những quả khinh khí cầu đầu tiên, có người
hỏi ông thứ này thì để dùng làm gì được? Ông bèn hỏi lại: “Thế một đứa
trẻ sơ sinh thì có thể dùng vào việc gì?”
Hai giờ đồng hồ trôi
qua rất nhanh, nhưng những nội dung, kinh nghiệm mà các nhà khoa học
chia sẻ là rất lớn và khó có thể chuyển tải hết trong phạm vi một bài
viết. Các bạn học sinh ra về với sự phấn chấn mới và niềm say mê khoa
học được thổi bùng thêm gấp bội. Họ sẽ chính thức bước vào cuộc tranh
tài ngày hôm sau, nhưng quan trọng hơn là sự nghiệp nghiên cứu còn mở
rộng trước mắt.
Trước
cuộc trò chuyện vào chiều 10/5 (giờ Mỹ, tức sáng 11/5 giờ VN), vào buổi
sáng các học sinh đã hoàn thiện khu trình bày nghiên cứu của mình. Tối
9/5, lễ khai mạc đã diễn ra vui vẻ, tràn đầy tình hữu nghị năm châu.
Trong các ngày tới, ban giám khảo gồm các nhà khoa học uy tín sẽ làm
việc cật lực để chọn ra những người đoạt giải trong số hơn 1.500 học
sinh tham dự. |
(Theo Dantri.com.vn)