Kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2011): Phải biết nâng niu cái thiện
Chính bởi cách nhìn hướng thiện vậy mà trong bước đường cách mạng đầy sóng gió của Người, ta luôn thấy toát ra những bài học xử thế vô cùng cao đẹp, từ đó nó có tác động trở lại, tạo thuận lợi cho phong trào chung, góp phần vào việc ích nước lợi dân. Có thể nói, một trong những thành công lớn trong đời Hồ Chí Minh chính là thành công trong việc dùng người. Mà cái gốc của nó bắt đầu từ việc thực sự tin tưởng và thương yêu Con Người.
Điều này nói ra nghe tưởng cũ, nhưng sự thực không phải ai cũng làm được, bởi muốn làm được thì tâm phải lớn. Bây giờ, nhiều tài liệu chính thống được công bố đã cho chúng ta thấy, từng có thời, tại một số nước cùng hệ tư tưởng với ta, đã có những vị lãnh đạo có lối sống kênh nhau, thậm chí trong một số trường hợp, quan điểm chính trị còn không được thuận chiều với nhau. Vậy là, khi vị này lên, vị kia xuống, lập tức có người bị bôi nhọ, thậm chí còn bị phủ nhận tuốt tuột mọi công trạng trong quá khứ. Có trường hợp còn bị xử lý mạnh tay hơn.
 |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy cán bộ: Phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở (Trong ảnh: Bác Hồ nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II - năm 1956). |
Với Hồ Chí Minh thì khác. Người luôn có cách nhìn nhận rạch ròi đâu là sai lầm thuộc về phương pháp, đâu thuộc về phạm trù đạo đức. Thậm chí, trong trường hợp có những vi phạm về đạo đức, Người cũng gắng tìm cách mở ra hướng để người ta có thể tu chỉnh mình, nói giản dị là để họ "có cơ hội làm lại cuộc đời". Và Người luôn lấy tiêu chuẩn "yêu Tổ quốc, yêu đồng bào" làm thang bậc để đo tư cách, đạo đức của mỗi con người. Từ đó, những người cùng chung tình cảm yêu nước, thương dân, dẫu đường hướng hoạt động có khác nhau, song bao giờ cũng nhận được ở Người sự kính trọng. Có lẽ không phải vị lãnh đạo nào cũng có cách nhìn cởi mở mà chân xác như thế này: "Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội", từ đó Người có niềm tin nếu các vị ấy còn sống, họ vẫn có thể ngồi chung với nhau "như những người bạn thân thiết".
Ở đây, lại phải nói lại: Không phải ai cũng có thể dung hòa được như vậy. Phải có trái tim lớn và có cách nhìn minh triết. Lịch sử của nhiều nước từng có những trang "bỏ trắng" chỉ bởi người lên nắm quyền không dung nạp được người có quan điểm, đường hướng khác mình.
Trong khi thực tế, vấn đề này đối với Hồ Chí Minh thì sao?
Những ai nghiên cứu sâu giai đoạn Nguyễn Ái Quốc được thả ở Hồng Kông tới trước giai đoạn Người về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng (năm 1941), sẽ thấy đây là một giai đoạn Người gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn bị hiểu lầm, không được tạo điều kiện hoạt động. Do nhận thức vấn đề có chỗ khác nhau, cũng cả do thiếu thông tin nên đã có đồng chí giữ cương vị lãnh đạo Đảng khi ấy ra văn bản phê phán khá nặng nề quan điểm của Nguyễn Ái Quốc (điều này một số cuốn sách do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành những năm gần đây đã nêu rõ). Vậy nhưng, đối với các đồng chí này, trước sau Người vẫn thể hiện một thái độ hết sức trân trọng. Trong các thư từ gửi một số đồng chí có trách nhiệm của Quốc tế Cộng sản khi ấy, ta thấy Người có thể trình bày quan điểm riêng, suy nghĩ riêng của mình trước một số vấn đề, song bao giờ cũng thể hiện một thái độ thân ái, yêu thương đối với những người đang chống chọi nơi đầu sóng ngọn gió để duy trì phong trào cách mạng trong nước. Điều này càng thể hiện rõ trong Bản Báo cáo Chính trị do Người trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang năm 1951. Trong bản báo cáo quan trọng này, người giữ cương vị tối cao của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: "Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết" và "Các đồng chí ấy đã đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay".
Từ cách đánh giá rạch ròi phân minh, thấu tình thấu lý nói trên, Hồ Chí Minh đã tạo ra trong Đảng một lối xử thế mang đậm đạo lý Việt Nam. Và đó chính là tiền đề để tạo nên sự đoàn kết trong Đảng.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin được dẫn ra đây mấy câu thơ của Tố Hữu:
Vì sao? Trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh
Như một niềm tin, như dũng khí
Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh.
Đó là những câu thơ khái quát được tấm lòng bao dung của vị lãnh tụ

(Theo vnca.cand.com.vn)