Ghi nhận tại khu
vực bầu cử số 9, phường Thạc Gián, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng, công tác trang
trí được thực hiện từ sáng sớm. Ông Ngô Xuân Thục, tổ trưởng tổ bầu cử
tại khu vực cho biết: “Việc chuẩn bị tranh cổ động, băng- rôn khẩu hiệu,
bảng niêm yết danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội
đồng nhân dân thành phố, danh sách cử tri… đều đã chuẩn bị từ mấy ngày
trước. Sáng ngày 20/5, chúng tôi huy động hơn 10 người, chủ yếu là bà
con nhân dân trong khu vực cùng cán bộ phụ trách tổ bầu cử trang hoàng
cho điểm tổ chức cho bà con bỏ phiếu. Rất nhiều công việc phải làm.
Chúng tôi đều muốn trang hoàng khu vực bỏ phiếu thật trang trọng, đúng
quy định… Chậm nhất đến 14h chiều 21/5, hoàn tất công việc chuẩn bị cuối
cùng này.”

Các tổ bầu cử tất bật trang hoàng cho điểm bỏ phiếu tại khu vực từ sáng sớm

Căng băng rôn sao cho cân nhất
Ông Thục cũng cho
biết việc phát phiếu cử tri ở khu vực đã hoàn tất. Tuy nhiên, đây là địa
bàn có đông sinh viên ở trọ, nên đến hôm qua vẫn còn phát sinh gần 100
em sinh viên đăng ký bỏ phiếu bầu cử tại đây thay vì về quê bỏ phiếu bầu
cử như các em đã báo trước đó. Đơn vị bầu cử đã nhanh chóng lập danh
sách cử tri bổ sung và phát thẻ cử tri cho các em sinh viên này.

Danh sách cử tri đã được niêm yết tại khu vực bỏ phiếu
Nhiều người dân xung quanh khu vực
bỏ phiếu bầu cử đã đến xem danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại
biểu Hội đồng nhân dân. Nhiều người được hỏi như bà Lê Thị Tứ, ở tổ dân
phố số 45, phường Thạc Gián, Q. Thanh Khê cho biết: “Tôi đã sớm tìm
hiểu tiểu sử các ứng cử viên qua các báo địa phương và qua các đợt tiếp
xúc cử tri vừa rồi. Tôi đã có sự chọn lựa của riêng mình và đợi tới ngày
bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm những người tôi tin tưởng sẽ làm tròn trách
nhiệm đại diện cho tiếng nói của người dân chúng tôi”.

Cử tri Lê Thị Tứ tìm hiểu các ứng cử viên để có sự lựa chọn riêng
Đắk Lắk: 7 Đồn và 1 Tiểu đoàn biên phòng sẽ bầu cử sớm hơn một ngày
Theo Ủy ban bầu cử
tỉnh, công tác in ấn, cấp phát tài liệu đến các tổ chức phụ trách bầu cử
và Ủy ban bầu cử các huyện, thị xã và thành phố đã hoàn thành. 15/15
huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức công tác tập huấn, hướng dẫn về
nghiệp vụ công tác bầu cử.
Cử tri thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar xem danh sách ứng cử viên
Bà con thôn 3, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn dựng băng rôn hưởng ứng ngày bầu cử
Nhiều hình thức tuyên truyền như:
miệng, tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, tiếp xúc cử tri, tuyên truyền
trên hệ thống loa truyền thanh, xe lưu động, panô, áp phích, khẩu hiệu…
Một số địa phương đã sử dụng trang thông tin điện tử để thông tin,
tuyên truyền về bầu cử.
Với những địa phương có đồng bào
dân tộc thiểu số vào rừng làm nương rẫy ở lại lâu ngày, tổ công tác bầu
cử đã đi vào tận nơi tuyên truyền, vận động để bà con biết và tham gia
bầu cử.
Đường phố Buôn Ma Thuột lộng lẫy trước ngày bầu cử
Ủy ban bầu cử tỉnh Đắk Lắk đã tiếp
nhận 42 đơn thư tố cáo, kiến nghị liên quan đến bầu cử. Ủy ban bầu cử
đã xem xét, giải quyết đơn tố cáo, kiến nghị của công dân theo đúng quy
định của pháp luật.
Tiểu ban An ninh - Quốc phòng
(nòng cốt là lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng) của Ủy ban bầu cử
tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch theo từng chuyên ngành, chỉ đạo các
lực lượng chức năng phối hợp triển khai các mặt công tác đảm bảo an ninh
- trật tự tại từng địa bàn…
Tổng số cử tri toàn tỉnh Đắk Lắk
là 1.105.433 người, số cử tri đi bầu lần đầu là 122.861 người, cử tri
bầu ĐBQH là 1.105.227 người; cử tri đi bầu HĐND tỉnh là 1.103.972 người.
Từ ngày 20/5 nhiều người dân đã đến các điểm bầu cử để tìm hiểu về các
ứng viên trước ngày bầu cử.
Công tác chuẩn bị phát thẻ cử tri ở xã Ea H'Ning, huyện Cư Kuin được tiến hành khẩn trương
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 3 đơn vị
bầu cử ĐBQH; 22 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh, và có 1.779 khu vực bỏ phiếu,
bầu chọn 9/15 ứng cử viên ĐBQH, 85/129 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh.
Ngày 21/5, cử tri tại 7 Đồn và 1
Tiểu đoàn Biên phòng của tỉnh Đắk Lắk sẽ tham gia bỏ phiếu sớm một ngày
so với quy định. Các đồn và tiểu đoàn biên phòng trên đóng tại địa bàn
các xã biên giới, giao thông đi lại khó khăn, thông tin liên lạc còn
nhiều hạn chế. Việc bầu cử sớm nhằm bảo đảm tiến độ bầu cử và công tác
tổng hợp, báo cáo kết quả theo quy định.
Hà Tĩnh: Đã đến lúc lựa chọn...
1.710 tổ bầu cử tại 1.710 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội
và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã gần như hoàn tất mọi
công việc chuẩn bị để đón cử tri đi bỏ phiếu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Công
ty Điện lực Hà Tĩnh phối hợp, bố trí đủ nhân lực trực 24/24h/ngày để xử
lý khi xảy ra sự cố nhằm cấp điện ổn định, liên tục phục vụ công tác bầu
cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại huyện Kỳ Anh
Công tác chuẩn bị tốt, giờ là lúc để cử tri trên địa bàn Hà Tĩnh
chọn đúng người có đức, có tài phục vụ nhân dân. Anh Nguyễn Viết Thừa -
Bí thư Đoàn Trường Đại học Hà Tĩnh bày tỏ mong muốn đối với các ứng cử
viên sau khi trúng cử: "Tôi mong rằng họ hãy biến chương trình hành động
của mình thành thực tiễn; nói đi đôi với làm; đóng góp ý kiến của mình
vào các chương trình giáo dục lối sống thanh niên nói riêng và đoàn đoàn
viên thanh niên là học sinh, sinh viên nói riêng; quan tâm đến đời sống
cả về vật chất lẫn tinh thần cho đoàn viên thanh niên và điều quan
trọng đó là việc làm cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên;
quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân anh hùng liệt sỹ và giúp
đỡ gia đình chính sách; hãy đem hết khả năng của mình để hoàn thành tốt
nhiệm vụ được giao.

Là
một cử tri của huyện miền núi nghèo khó Hương Khê, thầy giáo Đặng Bá
Hải mong muốn, các đại biểu sau khi đã được cử tri tin tưởng lựa chọn,
trúng cử rồi phải quan tâm giải quyết những nguyên vọng chính đáng của
người dân
Tranh thủ giờ nghỉ sau tiết 2 vào buổi dạy chiều 20/5, thầy giáo
Đặng Bá Hải, Phó Bí thư Đoàn trường, GV Lịch sử trường THPT Gia Phố bày
tỏ: “Hương Khê là một huyện miền núi nghèo, thường chịu nhiều thiên tai,
hậu quả khủng khiếp của lũ dữ, hạn hán, rét hại… nên điều kiện phát
triển KT-XH đang gặp nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của
người dân đang thiếu thốn nhiều mặt. Vì vậy, nguyện vọng của tôi cũng
như người dân huyện nhà nói chung là mong muốn các đại biểu sau khi đã
được cử tri tin tưởng lựa chọn, trúng cử rồi thì suốt một nhiệm kỳ phải
quan tâm giải quyết những nguyên vọng chính đáng của người dân huyện
Hương Khê, tạo dựng và nôi giữ hình ảnh một người cán bộ tốt trong lòng
cử tri, thực hiện có hiệu quả những lời hứa với dân để dân tin, dân hợp
tác”.
Thanh Hóa: Hơn 2,3 triệu cử tri đã sẵn sàng đi bỏ phiếu
Đến thời
điểm này, công tác chuẩn bị cho bầu cử đã cơ bản hoàn tất. Trong kỳ bầu
cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, hơn 2,3 triệu cử
tri đã sẵn sàng đi bỏ phiếu.
Để rà soát
công tác bầu cử, sáng ngày 20/5, ông Hoàng Văn Hoằng, Phó Bí thư Thường
trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra
công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XIII và đại biểu
HĐND tại một số địa phương.
Ông Hoàng Văn Hoằng (trong cùng) PBT Thường trực, Phó chủ tịch UB bầu cử tỉnh Thanh Hóa
kiểm tra công tác bầu cử tại huyện Đông Sơn
Theo báo cáo
từ Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, hơn 2,3 triệu cử tri toàn tỉnh sẽ tham
gia bầu cử tại 4.941 đơn vị bầu cử. Trong đó bầu cử ĐBQH 6 đơn vị; HĐND
tỉnh 31 đơn vị; cấp huyện 278; cấp xã 4.626 đơn vị.
Cử tri sẽ đi
bỏ phiếu tại 4.665 khu vực để bầu chọn 16/26 ứng cử viên ĐBQH khóa XIII
và 95/157 ứng cử viên HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Thanh Hóa không có đơn vị bầu cử sớm hay muộn, tất cả sẽ diễn ra đồng loạt vào ngày 22/5.
Đường phố Thanh Hóa được trang hoàng cho bầu cử
Ông Hoàng Văn
Hoằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử tỉnh
Thanh Hóa cho biết: Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho bầu cử
đã hoàn tất. Ủy ban bầu cử yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường
công tác lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bầu cử.
Đặc biệt, quan
tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vận động cử tri, nhất là
bà con vùng giáo dân, ngư dân tích cực tham gia vào các hoạt động chào
mừng ngày bầu cử.
Ngoài ra
tăng cường lực lượng, thường xuyên túc trực bảo vệ cơ sở vật chất tại
các khu vực bỏ phiếu, đồng thời có phương án đề phòng và xử lý kịp thời
những tình huống phát sinh bất ngờ trước, trong và sau ngày bầu cử.
Đối với cử
tri đi làm ăn xa, cử tri vùng công giáo và vùng biển, các địa phương đã
chủ động và có phương án, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tiến
hành khai mạc sớm cho cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của
mình.
Tại TP Huế: Mọi chuẩn bị cho bầu cử đã sẵn sàng
Đến chiều 20/5 tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh, trước ngã sáu và
trên những con đường chính đỏ rực màu cờ đỏ sao vàng cùng băng rôn, khẩu
hiệu tuyên truyền cho ngày bầu cử Quốc hội.
Không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử cũng đã được các phường, xã
trong toàn thành phố hoàn tất. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại điểm
UBND - HĐND Phường Thuận Lộc (TP Huế) thì công tác chuẩn bị cho bầu cử
đã đâu vào đó.
Không khí bầu cử đã sẵn sàng trên đất cố đô
Trong lần bầu cử Quốc hội lần này Phường Thuận Lộc có 9.940 cử tri sẽ
tham gia bầu cử tại 9 địa điểm bầu cử nhưng đến nay công việc đã hoàn
tất. Thành phần được bầu cử gồm có 60 người được giới thiệu ứng cử chia
ra 4 cấp. Quốc hội 5 đại biểu chọn 3; Tỉnh 5 đại biểu chọn 3; thành phố 7
đại biểu chọn 5 và cấp xã là 43 đại biểu chọn lấy 26 đại biểu.
Chị Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc, TP Huế cho biết “Đi
bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân để chọn ra người có
đức, có tài để cống hiến cho đất nước vì nhân dân mà phục vụ. Để chuẩn
bị cho bầu cử chúng tôi thường tổ chức các phiên họp tiếp xúc cử tri,
cho gặp mặt người ứng cử để dân biết chọn lựa. Đồng thời bằng phát
thanh, khẩu hiệu để tuyên truyền người dân hiểu về quyền lợi và nghĩa
vụ của mình”.
Nhân dân đến điểm bầu cử xem trước danh sách cử tri
Lực lượng học sinh đi các đường trong phường làm nhiệm vụ tuyên truyền
Hà Nội: Sẵn sàng hòm phiếu đến từng giường bệnh
Công tác bầu cử đã được Hà Nội chuẩn bị từ rất sớm,
nhưng do là thành phố có đông dân cư, trong đó có nhiều người đang học
tập, chữa bệnh… nên việc bổ sung danh sách cũng như việc chuẩn bị bầu cử
cho các cử tri này tiếp tục được thực hiện trong những ngày sát bầu cử.
Cận ngày 22/5, những công tác chuẩn bị cuối cùng cho
bầu cử tại địa bàn phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng đã hoàn tất. Phó
Chủ tịch UBND phường Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những ngày cuối cùng,
phường tập trung hoàn thành việc điều chỉnh danh sách cử tri, tập huấn
công tác kiểm phiếu.
Hoàn tất các bước chuẩn bị cuối cùng
Trên địa bàn phường có 5 tổ bỏ phiếu, mỗi tổ đã được
chuẩn bị một “dàn” 4 hòm phiếu tương đương với mỗi cấp để đảm bảo không
để xảy ra sai sót và thuận lợi cho việc kiểm phiếu. Việc kiểm phiếu được
tiến hành tại phòng bỏ phiếu, ngay trong đêm, sau giờ đóng hòm phiếu
theo quy định.
Đến nay, phường đã phát 4778 thẻ cử tri nhưng số lượng
người bỏ phiếu cận ngày bầu cử vẫn có biến động dù không lớn. Có 2 bệnh
viện (Bệnh viện mắt Sài Gòn, Bệnh viện đa khoa Đức Trí) đóng trên địa
bàn phường với con số bệnh nhân nhập viện – xuất viện biến động liên tục
nên danh sách cử tri vẫn chưa thể chốt.
Phó Chủ tịch phường Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 2 địa
điểm này sẽ được bố trí hòm phiếu phụ để tổ chức cho bệnh nhân lưu trú,
thân nhân chăm nuôi bệnh trong ngày bầu cử vẫn được đảm bảo quyền bỏ
phiếu. Hòm phiếu thậm chí sẽ được đưa đến từng giường bệnh, có cán bộ
giúp bệnh nhân đọc danh sách, lý lịch các ứng viên, viết hộ phiếu bầu
nếu cử tri có yêu cầu.
Số lượng người già yếu, người đau bệnh không thể đi bỏ
phiếu tại các điểm tập trung cũng đã được thống kê để cử cán bộ đưa hòm
phiếu phụ đến từng cử tri.
Đến nay, danh sách hơn 4,7 triệu cử tri của thành phố
đã được niêm yết công khai tại 4.772 khu vực bỏ phiếu. Ủy ban MTTQ và
UBND các cấp đã phối hợp tổ chức 67 cuộc tiếp xúc cử tri của ứng cử viên
đại biểu Quốc hội tại 10 đơn vị bầu cử; 126 cuộc tiếp xúc cử tri của
ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố tại 30 đơn vị bầu cử.
Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban
bầu cử thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp các ngành chuẩn bị tốt nhất cơ
sở vật chất, tạo điều kiện cho cử tri bỏ phiếu thuận tiện, đúng pháp
luật; đồng thời tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội.
Quảng Bình: Dân vùng cao nô nức đi bầu cử sớm
Sở Nội vụ Quảng Bình cho biết đến 16 giờ ngày 20/5,
công tác bầu cử sớm ở 7 xã vùng sâu, vùng xa đã diễn tốt đẹp, với trên
99% cử tri đi bầu.
Ngày 20/5, tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), 3/7
tổ bầu cử đã hoàn thành việc bỏ phiếu bầu cử, với 780 cử tri thực hiện
quyền và nghĩa vụ của mình, chiếm 100% tỷ lệ cử tri đi bầu.
Các cụ già xã Thượng Hóa bỏ phiếu bầu cử sớm.
Trước đó, ngày 19/5, cử tri 6 xã Dân Hóa, Trọng Hóa,
Thượng Hóa, Hóa Sơn (huyện Minh Hóa) và Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện
Bố Trạch) đã tổ chức bầu cử sớm cho trên 7.300 cử tri, đạt tỷ lệ 99,45%
cử tri đi bầu.
Theo đánh giá của ông Lê Quang Đều – Giám đốc Sở Nội vụ:
đợt bầu cử sớm ở các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện Minh Hóa, Bố
Trạch và Quảng Ninh đã diễn ra dân chủ, đúng luật và thành công tốt đẹp.
Người dân, đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số, đã rất háo hức
thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thông qua lá phiếu.
Kết thúc các hội
nghị tiếp xúc cử tri của ứng viên đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp
do MTTQ Việt Nam tổ chức trên toàn quốc (ngày 18/5), đến hết 20/5, các
ứng viên cũng hoàn tất việc tự do vận động bầu cử.
Phó Chủ tịch UBTƯ
MTTQ Nguyễn Văn Pha cho biết, trong 2 ngày “chót”, nhiều ứng viên đã
phát biểu, trả lời phỏng vấn trên báo chí, phương tiện thông tin đại
chúng, gặp gỡ cử tri nơi công tác, cư trú. Chưa thấy ứng viên sử dụng
các hình thức vận động qua blog cá nhân, mạng internet… |